MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôm giống chất lượng cao: Phải đợi đến khi nào?

13-06-2014 - 20:28 PM |

Năm 2013, tỉnh Cà Mau bắt tay triển khai Đề án nâng cao chất lượng tôm giống, Đề án được kỳ vọng sẽ tạo được nguồn giống đủ lớn nhắm đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh.

Kỳ vọng lớn

Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có khoảng 876 cơ sở sản xuất và 223 cơ sở kinh doanh tôm giống. Mỗi năm các cơ sở này sản xuất, cung ứng trên 9 tỷ con giống. Huyện Năm Căn có trên 25.000 ha nuôi tôm, chiếm trên 50% diện tích tự nhiên. Toàn huyện hiện có trên 320 cơ sở sản xuất tôm giống, với trên 7.800 bể ương; mỗi năm, các cơ sở này sản xuất trên 3 tỷ post tôm giống, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu người nuôi về cả số lượng và chất.

Tuy nhiên, theo một số người nuôi tôm tại ấp 1, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, chưa nói đến số lượng tôm giống của địa phương còn thiếu, mà chất lượng tôm xuất trại tại đây chỉ đạt mức trung bình khá. Vì vậy, việc triển khai Đề án nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh hy vọng sẽ đem lại nguồn tôm giống chất lượng, giúp người nuôi an tâm cho mỗi vụ nuôi.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cũng cho rằng, Đề án được triển khai thực hiện sẽ tạo bước đột phá trong quản lý, góp phần nâng cao chất lượng tôm giống, nhằm phục vụ nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh thời gian tới. Đến nay, Sở đã tổ chức 3 cuộc hội thảo triển khai Đề án và đang thu mẫu tôm kiểm tra chất lượng, chuẩn bị đào tạo, tập huấn.

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại Cà Mau, Đề án triển khai sẽ đưa các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào “quỹ đạo” sản xuất đảm bảo đúng quy trình, hạn chế tình trạng “chui” khi cơ quan quản lý kiểm tra.

Ngành chức năng vào cuộc

Ông Trương Quốc Bình, thành viên Ban Chỉ đạo Đề án, khẳng định, việc quản lý tôm giống chất lượng hiện nay không đơn giản và phải trông chờ vào “tâm” của các nhà sản xuất giống, bên cạnh khâu quản lý nhà nước. Trên thực tế, quản lý nhà nước khó “đuổi” kịp được những cơ sở sản xuất không chấp hành quy định. Nhiều cơ sở đăng ký sản xuất với quy mô một đằng nhưng thực tế sản xuất số lượng lớn hơn nhiều. Những số lượng “khống” thì khó ai quản lý và đảm bảo chất lượng; khi cơ quan quản lý kiểm tra, các cơ sở này đã kịp “ém” tang vật, gây khó cho công tác quản lý. Hoặc chấp nhận chịu phạt rồi tiếp tục vi phạm.

Đề án được triển khai thực hiện với tổng kinh phí trên 264 tỷ đồng, sẽ nâng cao chất lượng tôm giống theo từng giai đoạn. Năm 2016 có 90% cơ sở sản xuất tôm giống trong quy hoạch và đến 2020 số lượng nâng lên 100%. Phấn đấu 100% cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đến năm 2020 sẽ xây dựng 2 khu sản xuất giống tập trung, đảm bảo đủ điều kiện hạ tầng thu hút doanh nghiệp đầu tư; cung ứng 60% con giống chất lượng cho người nuôi tôm.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sử dụng con giống có chất lượng như trong Đề án. Tăng cường quản lý chặt tôm bố mẹ, môi trường, hệ thống chất lượng nước, quan trắc môi trường phục vụ khu vực sản xuất nhu cầu giống tập trung; đồng thời nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn từng khâu… Để Đề án đạt hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, cả người nuôi, doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

Nhiều doanh nghiệp và người nuôi tôm mong muốn cần điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại cơ sở kinh doanh giống để quản lý chặt hơn. Nghề nuôi tôm ngày càng khó khăn hơn do nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng tôm giống. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ, tích cực với tất cả các bên liên quan trong quá trình thực hiện.

 Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Khó khăn cơ bản trong quản lý tôm giống hiện nay tại tỉnh chính là do địa bàn rộng; trong khi đó lực lượng mỏng, kinh phí, phương tiện thiếu, ý thức người dân chưa cao. Mặt khác, tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản còn bất cập; việc phân loại, đánh giá các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản còn hạn chế.

Giống đã tốt sao tôm vẫn chết?

Theo Mai Anh

khanhnt

Thủy sản Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên