MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú Jim Rogers: Thế giới đang cạn kiệt thực phẩm

30-06-2011 - 09:51 AM |

Nhà đầu tư huyền thoại này cho biết, ông đang đầu tư vào nông sản và nếu tìm thấy thứ gì đáng mua, ông sẽ mua.

Nhà đầu tư lừng danh người Mỹ Jim Rogers, chủ tịch quỹ đầu tư Rogers Holdings, cho rằng cung nông sản toàn cầu đang ngày càng cạn kiệt sẽ dẫn đến việc sản xuất thực phẩm không theo kịp nhu cầu.

Trong buổi trả lời phỏng vấn của hãng tin tài chính Bloomberg ngày hôm qua, ông cho nói: “Chúng ta hãy hành động ngay, nếu không sẽ không có thực phẩm dù với bất kỳ giá nào trong 5 năm tới”.

Nhà đầu tư huyền thoại này cho biết thêm, ông đang đầu tư vào nông sản và nếu tìm thấy thứ gì đáng mua, ông sẽ mua.

Như vậy, Rogers đã gia nhập cùng với cựu chủ tịch FAO Kofi Annan, Ngân hàng thế giới, tổ chức phi chính phủ Oxfam và G20 cảnh báo về tình trạng thiếu hụt thực phẩm toàn cầu và lo ngại về giá cả trong tương lai.

Cuộc họp của các bộ trưởng nông nghiệp nhóm G20 tuần trước đã đồng ý các biện pháp tăng sản lượng nông nghiệp, thiết lập cơ sở dữ liệu cây trồng và hạn chế lệnh cấm xuất khẩu dể kìm hãm đà tăng của giá lương thực. Ngân hàng Thế giới trong khi đó kết hợp với JP Morgan hỗ trợ bảo hiểm cho nông nghiệp ở các nước đang phát triển.

Báo cáo hàng tháng của FAO đầu tháng này cho thấy, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng 9 trong 11 tháng vừa qua và ở gần mức cao kỷ lục trong tháng 5 năm nay, vì nhu cầu lúa mì, đậu tương vượt xa nguồn cung và thiên tai hoành hành khắp nơi. Ngân hàng thế giới cho biết đã có 44 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vì giá thực phẩm leo thang.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, dự trữ lúa mì, sử dụng để làm pasta, mì, bánh mì và thức ăn cho gia súc, gia cầm, dự kiến giảm xuống mức thấp nhất 3 năm qua ở 184,26 triệu tấn trong đầu vụ 2011/12 ở bán cầu Bắc do sản lượng không theo kịp nhu cầu.

Chuyên gia nông sản Michael Creed của ngân hàng National Australia Bank Ltd., cũng nhận định, sản lượng nông sản thế giới đang không đáp ứng nổi nhu cầu và tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng bởi sản lượng nhiên liệu sinh học ở Mỹ tăng và nhu cầu khổng lồ về thịt ở Trung Quốc.

John Bryant, giám đốc điều hành Battle Creek – công ty con của hãng sản xuất đồ ăn sáng lớn nhất nước Mỹ là Kellogg Co., thì cho rằng, chi phí đầu vào của tất cả các loại thực phẩm không thể tránh khỏi đà tăng khi lạm phát, “trừ khi các chính phủ hợp tác với nhau để giải quyết an ninh lương thực và hợp tác quốc tế rộng hơn”.

Trong quý II năm nay, chỉ số Standard & Poor’s GSCI của các hàng hoá nông nghiệp đã giảm 9,6% - quý giảm đầu tiên trong 3 quý trở lại đây. Giá ngô hạ 4,7% trong quý này nhưng vẫn tăng 92% so với cách đây 1 năm – là mặt hàng tăng tốt nhất trong số các nông sản.

Nguyễn Hằng

Theo Bloomberg

hangnt

Trở lên trên