MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vỡ nợ cà phê - Ai bảo vệ nông dân?

19-04-2012 - 12:06 PM |

Các đại gia vỡ nợ còn “được quyền” nói khi nào có mới trả, còn nông dân thì không thể trì hoãn với các khoản vay của ngân hàng, kể cả vay nóng lãi suất cao.

Khó bỏ tù đại gia

Ông Huỳnh Minh Cảnh, thôn 2, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư Mgar, Đăk Lăk cùng nhiều hộ khác đã liên tiếp tố cáo đại lý cà phê Nga Sơn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của dân nghèo. Sau một thời gian dài chờ đợi, những nông dân này được công an thông báo đã chuyển đơn đến TAND huyện để giải quyết dân sự.

Cũng như ông Cảnh, hơn 300 hộ khác được TAND huyện mời lên, song đến nay vẫn chưa lấy được tiền. “Nếu chủ đại lý không lừa đảo thì hàng trăm tấn cà phê của chúng tôi đi đâu? Họ kêu vỡ nợ nhưng vẫn ăn trắng mặc trơn, có của chìm của nổi, còn chúng tôi lâm cảnh khốn cùng” - ông Cảnh bức xúc.

Ở huyện Ea Hleo, ông Huỳnh Văn Hương - Trưởng phòng Kinh tế huyện - từng có văn bản đề nghị UBND huyện chỉ đạo khởi tố hàng loạt “đại gia” vỡ nợ như Trang Hoàn, Hải Kiểm, Hiệp Hương, Huỳnh Văn Hương... Ông còn đề nghị huyện hỗ trợ tiền cho công an để thực hiện. Nhưng rồi mọi việc cũng rơi vào im lặng, chỉ có những bản án dân sự của tòa mà cơ quan thi hành án luôn... bó tay.

Thẩm phán Trần Ngọc Anh - Chánh án TAND huyện Krông Năng - cho biết: “Khởi kiện các doanh nghiệp, đại lý cà phê vỡ nợ thì cũng như không, bởi con nợ đã chủ động tẩu tán tài sản trước khi tuyên bố vỡ nợ”.

Thực tế đúng như vậy. Vừa rồi 96 hộ dân tại thị trấn Krông Năng và các xã Phú Lộc, Ea Toh, Ea Hồ nhận được quyết định của TAND huyện Krông Năng mà không khỏi hối hận. Bởi đại lý cà phê Hiệp Gái (xã Phú Lộc) nợ họ số cà phê trị giá 7,561 tỷ đồng mà tài sản còn lại chỉ bằng 0,03%.

Theo UBND tỉnh Đăk Lăk, do hai bên không lập hợp đồng ký gửi hoặc giấy tờ khác quy định trách nhiệm, nghĩa vụ mà chỉ có biên nhận nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp, đại lý gặp nhiều khó khăn.

Ký gửi cà phê - ai quản?

Khi tìm hiểu thực trạng doanh nghiệp, đại lý cà phê vỡ nợ hàng loạt, chúng tôi đã gõ cửa không ít cơ quan chức năng ở Đăk Lăk và cả Đăk Nông để tìm câu trả lời. Ông Lê Quốc Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil (Đăk Nông) cho biết, ông có nghe thông tin vỡ nợ trên địa bàn huyện, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng và chính quyền xã báo cáo.

Còn ông Biện Văn Minh - Giám đốc Sở Công Thương Đăk Nông thì kêu khó: “Công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh, ký gửi cà phê hiện nay rất lỏng lẻo. Các doanh nghiệp, đại lý đăng ký kinh doanh qua Sở kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, còn ngành thuế thì chỉ lo thu thuế. Sở Công Thương mặc dù quản lý nhà nước về thương mại, nhưng không có văn bản nào nói chúng tôi được kiểm tra, quản lý các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này. Chúng tôi chỉ nắm số liệu thu, mua xuất khẩu hàng quý của họ mà đã khó, họ bảo chúng tôi hỏi để làm cái gì...”.

Còn tại Đăk Lăk, Sở Công Thương từng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng quy định về kinh doanh, ký gửi cà phê. Sau đó Bộ Công Thương và Sở Tư pháp không đồng ý nên hoạt động ký gửi vẫn ngoài tầm kiểm soát.

Nói cho công bằng thì với kho tàng, thiết bị và quan hệ khách hàng, đại lý có khả năng chế biến và bán hàng tốt hơn nông dân, ngoài ra còn giải quyết khâu sơ chế, tạm trữ, ứng vốn cho nông dân. Nhưng suy cho cùng thì đại lý chỉ mượn vốn nông dân để kinh doanh, thông qua việc luân chuyển hàng nghìn tấn cà phê mỗi vụ. Vào thời điểm khó khăn, giá cả trồi sụt, đại lý rất dễ mắc sai lầm và kéo nông dân vào cuộc - giả sử không lừa đảo. Như vậy ký gửi cà phê vẫn là cuộc chơi đầy bất trắc, nông dân chỉ biết trông chờ vào lòng tốt và tài kinh doanh của đại lý.

­Theo Kiên Nguyên

Dân việt

hangnt

Trở lên trên