MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lao đao bởi biến động kinh tế

24-09-2015 - 12:36 PM |

Dự báo, một vài năm tới, XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với những mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ nhiều khả năng vẫn tiếp diễn “bức tranh” ảm đạm.

"Phải tạo ra nhóm sản phẩm mới: Muốn tạo được các đột phá giúp XK nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ổn định, chủ động và bền vững thì cần tạo được những nhóm sản phẩm mới. Đối với riêng ngành thủy sản, mặt hàng mới đó có thể là mặt hàng cá biển nuôi.

Thực tế 3 năm trở lại đây đã có đơn vị triển khai vấn đề này và kết quả cho thấy, nếu đầu tư khoảng 0,5 triệu USD, giá trị tạo ra sẽ là 1,5 triệu USD/năm. Sản phẩm dễ dàng XK trực tiếp sang Mỹ. Dự kiến, từ nay tới năm 2020, nếu đầu tư nuôi được được 1 triệu tấn cá biển bằng công nghệ nuôi công nghiệp thì giá trị thu về là 5 tỷ USD, thậm chí qua chế biến giá trị thu về có thể lên  tới 7-9 tỷ USD."

Chuyên gia thủy sản Nguyễn Hữu Dũng

Ứng phó với tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng mấu chốt là phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị cho bài bản, cùng với đó cần thực sự đổi thay khâu xúc tiến thương mại.

Sức cạnh tranh giảm mạnh

Phát biểu tại Hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 16-9, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Ipsard cho biết:

Một thập kỷ trở lại đây kinh tế thế giới biến động mạnh, gần đây là sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Việt Nam thường xuyên nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc, 20% nông sản Việt Nam cũng là XK sang Trung Quốc. Do đó, biến động từ Trung Quốc tác động trực tiếp và gián tiếp tới thương mại nông sản của Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (Ipsard) cho rằng: Tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào XK nông sản. Suốt từ cuối năm 2014 đến nay, XK nông sản sụt giảm mạnh mẽ. Gần đây, những biến động của kinh tế Trung Quốc như phá giá đồng nhân dân tệ cộng với tình trạng “bong bóng” chứng khoán gây hoang mang, lo lắng cho cả DN và các nhà làm chính sách.

Đối với cà phê, giá cà phê Arabica (cà phê chè) của Brazil và Colombia giảm mạnh nhờ phá giá đồng tiền cũng gây sức ép lớn với XK cà phê Robusta (cà phê vối) của Việt Nam. Liên quan tới mặt hàng cao su, tồn kho cao su thế giới đang tiếp tục tăng lên và giá cao su giảm do giá dầu giảm. Trung Quốc là thị trường XK cao su rất lớn của Việt Nam nhưng hiện nay kim ngạch NK giảm cả lượng và giá trị do chính sách khuyến khích sử dụng cao su nhân tạo làm giảm nhu cầu. Mặt hàng thủy sản cũng không khá hơn khi hiện tại tôm XK của Việt Nam đang có giá bán cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

“Dự kiến thời gian tới, một trong những vấn đề nổi cộm đối với XK nông, lâm, thủy sản Việt Nam là đã bị suy giảm năng lực cạnh tranh về giá với các mặt hàng do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan; cà phê là Brazil, Colombia; tôm là Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và cao su là Indonesia và Malaysia”, ông Kiên nói.

Theo nhóm nghiên cứu của Ipsard, trước mắt, để tháo gỡ khó khăn trong XK nông, lâm, thủy sản nói chung, cần tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD còn có mức giá cao, đẩy mạnh XK các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Cùng với đó, phải nối kết nhanh chóng để có các hợp đồng XK gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt cung trong năm nay. Đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển chính ngạch thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể XK như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm.

Xây dựng chuỗi giá trị ổn định

Ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, về trung và dài hạn, một trong những “lời giải” cho XK nông, lâm, thủy sản là phải hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường XK. Ví dụ gạo là thị trường Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ, Malaysia... Cà phê là thị trường Hàn Quốc, Ailen, Nga, Úc, Thái Lan…; cao su là Ailen, Thổ Nhĩ Kỳ; thủy sản là Úc, Trung Quốc…

Đưa ra cái nhìn tổng thể, cặn kẽ về tình hình XK nông, lâm, thủy sản nói chung, mặt hàng chè nói riêng, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhấn mạnh: Chiều sâu của “bức tranh” phải xem xét theo chuỗi giá trị. Hiện nay đã có nhiều đề tài nghiên cứu về chuỗi giá trị nông sản nhưng chỉ nghiên cứu khi sản phẩm đi đến cửa khẩu là dừng lại, trong khi đó DN cần cái nhìn tường tận khi hàng hóa tới tận tay khách hàng cuối cùng. Do đó, quan trọng là phải nghiêm túc nghiên cứu hệ thống chuỗi giá trị của nông sản Việt Nam để hình thành các chuỗi ổn định từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ. Như vậy, nông sản Việt Nam mới  tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Tài đưa ra dẫn chứng, trong ngành chè có DN quy mô nhỏ một năm XK khoảng 1.000 tấn nhưng chỉ bán cho hai khách hàng trên thế giới. Tuy nhiên, điểm khác biệt là DN này bán tới tận khách hàng cuối cùng mà không qua kênh trung gian nào. Nhờ vậy, trong bối cảnh XK chè khó khăn, DN vẫn bán được mức giá cao, thậm chí còn được đối tác ứng tiền cho sản xuất trước.

“Bên cạnh xây dựng chuỗi giá trị ổn định, vấn đề của sản xuất nông, lâm, thủy sản Việt Nam còn là năng suất lao động quá thấp và chất lượng không ổn định. Các sản phẩm thường được sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên thiếu đồng nhất. Hướng thay đổi là tổ chức lại sản xuất, vẫn duy trì các hộ nhưng phải đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm đồng bộ. Làm tốt các khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất rồi mới bàn tới thị trường”, ông Tài nói.

Xung quanh vấn đề này, chuyên gia cà phê Đoàn Triệu Nhạn bổ sung: Với nhiều mặt hàng nông sản nói chung, cà phê nói riêng khâu xác định nhu cầu thị trường cũng như xúc tiến thương mại rất quan trọng. Hiện nay, cà phê làm ra quá nhiều, cà phê đang chất đầy trong kho, trong khi đó chỉ tháng 10 tới, vụ thu hoạch cà phê mới lại bắt đầu. Một trong những giải pháp có thể tính đến là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa một cách bài bản, có chiến lược.

Theo ông Nhạn, đối với XK, xúc tiến thương mại cần phải thay đổi theo hướng xác định cụ thể, rõ ràng đối tượng và cách thức xúc tiến. Hiện nay, Đức, Italia, Mỹ là các thị trường NK cà phê truyền thống của Việt Nam thì không cần năm nào cũng tiến hành đi xúc tiến thương mại theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Việt Nam cũng đã hướng tới mở rộng thị trường XK mới, thậm chí có đi khảo sát nhưng khảo sát chưa thực sự đến nơi đến chốn để hình dung rõ thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu cho phù hợp.

Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo giá các mặt hàng như gạo, cà phê, tôm, bình quân năm 2016 đều sẽ giảm so với năm 2015 với các mức giảm lần lượt là 13%, 10%, 3%. Riêng các mặt hàng cao su, gỗ tròn và gỗ xẻ có mức giá trung bình tăng lần lượt là 8,7%, 3% và 1% so với trung bình năm 2014.

Còn theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB): Giá gạo cố định tiếp tục khuynh hướng giảm 2-3% năm 2016-2017, đến năm 2020 giảm 7% so với 2015. Giá cà phê Robusta cố định giảm 3% năm 2016, 5% năm 2017, giảm sâu 13% năm 2020 so với năm 2015. Giá cao su chạm đáy năm 2015 rồi dần tăng trở lại nhưng rất khó quay lại mức giá trước năm 2013. Giá tôm năm 2016 giảm 4%, năm 2017 giảm 7%, năm 2020 giảm 13% so với năm 2015.

 

Theo Nguyễn Thanh

Báo hải quan

Trở lên trên