img
NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 1.

rong thị trường bão hòa với dòng chảy tân thời như hiện tại, Thủy Nguyễn là một nét lạ. Tư duy của chị lạ. Trường phái của chị lạ. Và từ cá tính đến ngoại hình của chị cũng lạ.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 3.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 4.

Người ta gọi chị là "Người đàn bà của Gấm". Nhiều người khen chị đẹp. Nhưng có vẻ chị chẳng ưa vẻ đẹp êm đềm ai cũng thuận mắt. Ở chị có mái tóc xù tơi như mây, mặt thường mộc với một lớp son phấn nhẹ bẫng, những chiếc đầm suông rộng trải đầy họa tiết tối màu chọi hẳn với mớ trang sức bật lên đủ sắc rực rỡ. Nôm na là ở chị có màu hoài niệm, gợi lên đôi nét thân quen trong tâm tưởng chúng ta nhưng được phô diễn bởi một cá tính vô cùng trội bật.

Cái lạ của Thủy Nguyễn với thời trang đương đại là ở chỗ, đôi tay chị đang thực hiện một hoài bão rất riêng: phục hưng thời trang truyền thống thông qua ngôn ngữ của thời trang hiện đại.

Đã từng có những hoài nghi về con đường chị đi, đặc biệt khi chị vốn là một họa sĩ tìm đến với vải vóc như một lối rẽ ngang. Thế nhưng, thời gian đã chứng minh rằng vải gấm, áo dài và những chiếc khuy xanh lá rất xinh của Thủy Nguyễn ắt đã thành công trong công cuộc bẻ ngược bánh lái của thời gian với công chúng tân thời. Người ta lại bắt đầu thích mặc áo dài ra phố, thích những sắc màu Đông Dương trên họa tiết gạch bông hay ký ức trẻ thơ từ tranh Đông Hồ.

Cái hay hớm đáng kể nữa là, những dấu ấn của Thủy Nguyễn đều khá nguyên bản. Qua từng mùa, giới mộ điệu ngóng trông những sáng tạo của chị chẳng kém lớp đàn anh như Công Trí hay Đỗ Mạnh Cường. Vậy, ma lực từ "Người đàn bà của gấm" khởi nguồn từ đâu?

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 6.

Từ họa sĩ đến thời trang, ngành nào cũng cần một đôi tay khéo


Để mô tả ban đầu về Thủy Nguyễn, ai không ưa thì nhận xét là "lì", ai thích thì khen nỗ lực.

Trước khi thành danh với thời trang, Thủy Nguyễn là một họa sĩ có tiếng. Chị từng 4 lần thi vào trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, trong đó có đến 3 lần trượt. Nhưng tranh của chị thì vẫn bán được đều như vắt chanh.

Rồi đến lúc kết hôn, sinh con đẻ cái, qua Ukraine định cư sẵn tiện cho việc học hội họa, chị lại đâm ra thích mày mò tự học, tự thiết kế và tự may quần áo cho chính mình. Đến bây giờ thì chị đã thành nhà thiết kế. Không ngoa khi nói rằng, mọi thứ chị có ngày nay đều từ "tự thân vận động".

Xuất thân từ một hoạ sĩ, chị là điển hình cho thấy bản thân mình là NTK tay ngang nhưng không hề tay mơ. Bí quyết nào để chị có thể thâu tóm cả hai lĩnh vực một cách thần kỳ đến như vậy?

Với Thủy, nghề họa sĩ cũng như thiết kế vẫn là công việc gắn liền với những mảng màu, bố cục hay câu chuyện. Cái khác ở đây là kỹ thuật. Nếu như hội họa là mặt phẳng 2D thì thiết kế thời trang là 3D, tạo nên các sản phẩm ứng dụng.

Thế nên Thủy thấy 2 nghề này quả thật không có gì khác nhau.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 7.

Thế chị mất bao lâu để lĩnh hội các kiến thức về thiết kế?

Mình phải tự học, tự tìm tòi trên chính bản thân của mình. Từ những kết cấu cử động, khám phá chất liệu cho đến kiến tạo phom dáng… cho đến tận bây giờ Thủy vẫn đang trau dồi bản thân.

Chị chọn đi theo con đường khai thác truyền thống chứ không tuân theo dòng chảy hiện đại như 90% các nhà thiết kế hiện nay. Điều này xuất phát từ đam mê hay đơn thuần là chị nhận ra nhu cầu của khách hàng?

Vì đam mê chứ.

Thời mới làm có biết khách hàng người ta thích gì, cần gì đâu. Thế nên thương hiệu của Thủy là tự phát hoàn toàn từ nhu cầu muốn cho người ta biết mình muốn nói lên điều gì.

Hiện tại, nhắc đến áo dài là nhắc đến Thủy Nguyễn. Những mẫu áo dài của chị "hot" đến mức bị nhái tràn lan. Đây là điều đáng vui hay nên buồn?

Rất là vui. Điều đó cho thấy có rất là nhiều sự đồng cảm.

Đứng trên cương vị người sáng lập một thương hiệu thì khó mà ưa nổi cái điều này vì nó khiến doanh thu bị tụt.

Còn đứng trên cương vị một nhà thiết kế thì rất là thích vì ai ai cũng thích cùng mình, đồng tình với những thứ mình tạo ra. Ai nói gì đi nữa thì Thủy cũng tự tin rằng mình đang là NTK bị nhái nhiều nhất hiện nay!

Từ "Lúng Liếng" đến "Cô Ba Sài Gòn", tất thảy đã thành trào lưu. Đẹp hay xấu với mình không quan trọng, khán giả mới là người quyết định điều đó.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 8.

Có người thân của một nhà thiết kế nọ tố rằng "Cô Ba Sài Gòn" của chị chỉ theo sau người ta. Chị có thể phản biện?

Nếu họ cần chứng minh thì mình chứng minh thôi.

Phải nói ngược lại là, BST "Cô Ba Sài Gòn" vốn được ra đời để dành cho bộ phim cùng tên. Lấy ý tưởng xuyên không, yếu tố thời trang trong phim phải là những thứ đã có trong quá khứ, được mang đến hiện tại và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Trong quá trình xúc tác tình cảm với tà áo dài, nhân vật Như Ý trong phim nhớ đến 2 điểm: gạch bông trong ngôi nhà của người mẹ và yếu tố graffiti. Điều này còn thể hiện một sự hội nhập.

Gạch bông nào chỉ có ở Đông Dương xưa, nó còn có ở Pháp, Tây Ban Nha… Điều này cho thấy tà áo dài cũng được hội nhập. Tôi không biết ai tố đạo nhái ra sao, nhưng ẩn chứa trong BST "Cô Ba Sài Gòn" là câu chuyện của cả một bộ phim.

Số lượng các NTK trẻ chọn đi theo con đường truyền thống như chị rất hiếm, quả đúng thực trạng trong phim "Cô Ba Sài Gòn". Phải chăng là do tân thời đang đè bẹp truyền thống?

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 9.

Rất khó nói. 

Truyền thống phải nảy sinh từ trong dòng máu, trong tâm trong thân. Không thể nào các bạn trẻ tân thời hiện đại lại bảo là à, tôi muốn làm thời trang truyền thống được.

Thủy thấy phần đa các bạn trẻ hiện tại đi theo xu hướng và sự phát triển hơn là hoài niệm. Thủy thì vẫn yêu, vẫn muốn lưu giữ những nét xưa. Có thể đây là một sự ám ảnh đối với những người gốc Hà Nội như Thủy.

Trong phim "Cô Ba Sài Gòn" cứ nhắc đi nhắc lại câu "áo dài là vĩnh cửu". Chị có thể giải thích rằng vì sao nó vĩnh cửu?

Đây là một mong muốn.

Nào đâu chỉ một tà áo dài, còn vô vàn những thứ có trong lịch sử đã được ghi nhận và tôn vinh là truyền thống. Tất thảy những điều đó mình đều mong muốn sẽ là mãi mãi.

Chẳng hạn như trong "Cô Ba Sài Gòn" bên Thủy cũng có nhắc đến một vài thuật ngữ về kỹ thuật cắt may áo dài, dù ít thôi, nhưng để khẳng định rằng làm ra một bộ áo dài chẳng hề dễ dàng.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 11.

Tiếp đến là nói về "Mẹ chồng". Phim có nhiều ý kiến trái chiều về trang phục. Người ta bảo là đông tây kim cổ hỗn tạp lại diêm dúa. Những lời chê này có khiến chị phật lòng?

Nếu "Cô Ba Sài Gòn" là tác phẩm mình và Ngô Thanh Vân cùng lên ý tưởng và sản xuất thì với "Mẹ Chồng", Thủy chỉ đơn thuần lo mục phục trang theo yêu cầu của đạo diễn.

Có lẽ mọi người đã áp đặt rằng "Mẹ Chồng" là bộ phim dựa trên bối cảnh có thật. Áo bà ba trong phim cũng đâu phải bà ba nguyên bản 100%, vì các cô người mẫu chân quá dài làm sao mặc được. Tất cả đều xuất phát từ sự tôn trọng với ý tưởng của đạo diễn.

Khán giả có người chê là diêm dúa thì Thủy vẫn nghĩ rằng mình đạt được tiêu chuẩn từ chính bản thân và tiêu chuẩn đạo diễn đòi hỏi. Thực sự thấy thỏa mãn.

Vấn đề chung của một bộ phận không nhỏ các nhà thiết kế trẻ làm đồ truyền thống là bị nhầm lẫn giữa văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Có phải do họ lười?

Có hai khía cạnh: một là đi sâu vào nghiên cứu, hai là cứ nôm na khơi khơi thôi. 

Nếu nghiên cứu rõ thì sẽ hiểu có thời kỳ Trung Quốc là Trung Quốc, Việt Nam là Việt Nam và cũng có lúc Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng từ Trung Quốc.

Nếu cứ khơi khơi thì đánh giá dựa trên hai gạch đầu dòng: hình hài và màu sắc. Phải công nhận rằng Trung Quốc có nhiều yếu tố sắc nét và bật hơn, trong khi Việt Nam mình thiên về sự nhu.

Với các bạn trẻ yêu thích truyền thống mà vẫn còn yếu khoản nghiên cứu thì mình khuyên chân thành là, các bạn nên "chất" hơn, có sự đầu tư nhất định chứ đừng đại khái.

Thủy cũng biết được một cái khó là khán giả thiên về cảm nhận hơn là nghiên cứu, nên với vị thế đứng ở giữa thì mình phải rất rõ ràng, hiểu rằng không chỉ tác phẩm mà cả cách đưa tác phẩm đến với công chúng cũng rất quan trọng.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 12.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 13.

Thu nhập chủ yếu của chị bắt nguồn từ nghề họa sĩ hay thiết kế thời trang?

Thú thực là phần lớn vẫn đến từ nghiệp hội họa. 2 năm đổ lại đây thì Thủy có thêm một khoản từ mảng thiết kế phục trang cho phim điện ảnh.

Hơn nữa, tham vọng của Thủy là tạo nên sự giao thoa giữa truyền thống và đương đại. Chỉ riêng chuyện tạo nên sự trôi chảy trong tác phẩm đã là một cái khó, gặp được người khán giả chấp nhận sự kết hợp này lại càng khó.

Công tác để tạo dựng hình ảnh thương hiệu, marketing… thế nên khoản thu vào và chi ra cũng gần tương đương nhau.





"Nếu như phải đánh đổi, Thủy vẫn luôn chọn gia đình"

Người ta thường bảo, đàn bà dễ có mấy tay. Xem ra câu này sai toét với Thủy Nguyễn.

Chị làm họa sĩ. Chị làm nhà thiết kế. Chị biết chơi đàn piano đến hơn 10 năm. Chị cũng là người vợ và làm mẹ của 4 đứa trẻ, 3 gái 1 trai. Chỉ ngần ấy cái gạch đầu dòng cũng đủ để người ta tò mò xem cô Thủy Nguyễn là thánh thần phương nào mà có thể ôm được cả thiên hạ trong lòng bàn tay.

Được biết chị có một gia đình khá đông con, làm sao để cân bằng được giữa vô vàn công việc lẫn chăm sóc con cái và hoà thuận vợ chồng? Có cái giá nào cần phải trả ở đây chứ?

Cái gì Thủy cũng tham, cũng muốn nên thành ra chẳng đổi chác gì. Có điều Thủy biết điều gì là quan trọng nhất. Luôn là gia đình. Đi đâu làm gì cũng nhớ về nhà. Nếu như phải đánh đổi thì Thủy sẽ luôn chọn gia đình.

Về sự cân bằng thì rất khó để nói, mấu chốt chỉ là động thái tích cực trong suy nghĩ.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 14.

Đặt mình vào vị thế của Ngô thanh vân trong "Cô Ba Sài Gòn" – có người con gái tài năng mà chỉ thích đồ tây, không thích truyền thống thì chị sẽ hành xử ra sao?

Thế hệ hiện tại đã rất phát triển rồi. Mình cũng thử đặt mình vào vị trí rằng nếu mẹ mình bắt phải làm một thứ mà bản thân không thích, chắc chắn Thủy làm không nổi.

Thế nên Thủy cũng không nghĩ rằng phải ép buộc đứa con mình làm điều gì trái với hạnh phúc của nó. Có chăng nó cũng chỉ cố được một thời gian rồi cũng buông xuôi thôi.

Thay vào đó thì mình nên giáo dục từ bé. Nếu đến ngưỡng cửa lựa chọn mà bé vẫn không thích thì chịu thôi.

Thế trong các bé nhà chị thì có ai hứng thú với nghiệp của mẹ?

Thủy có đưa khá nhiều hành trang cho các bé. Nhạc có. Họa có. Thể thao có. Đó là tất cả những gì tốt đẹp nhất trong khả năng của Thủy.

Nhưng khi bạn ấy trưởng thành thì lựa chọn ra sao là quyền con người của bạn ấy. Mình có một đứa con, không có nghĩa đứa con ấy là của mình. Nó là một cá thể độc lập.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 15.

"Cô Ba Sài Gòn" và "Mẹ Chồng" đều là những bộ phim thiếu vắng tầm quan trọng của người đàn ông. Cuộc đời của chị Thủy có như thế?

Không chứ, nhưng có mấy ai hỏi Thủy về chồng đâu. (cười)

Đời Thủy có hai người đàn ông quan trọng nhất: ba và chồng. Ba là nguồn cảm hứng, là người đàn ông hy sinh cho con cái. Tất cả những gì Thủy sở hữu hiện tại như tư duy, ứng xử thì Thủy đều học từ bố.

Với chồng thì Thủy rất trân trọng. Chẳng phải ông chồng nào cũng để cho vợ làm điều mình thích, 24/24 luôn toàn tâm toàn ý với vợ như anh ấy.

Dù mình có làm gì, sáng tạo thế nào thì bên Thủy vẫn luôn có 2 người đàn ông này kề bên.

Giữa một thế giới vải vóc mà toàn đàn ông lên ngôi, chị có nhận thấy phụ nữ như mình lẻ bóng và yếu thế?

Ngược lại, Thủy thấy mình rất được chiều chuộng. Hay chăng cũng chẳng có sự khác biệt gì giữa các nhà thiết kế nam và nữ.

Đang được biết đến như một nhân vật truyền cảm hứng, chị có muốn nhận học trò để truyền lửa đam mê với thời trang truyền thống?

Theo Phật Giáo thì vạn sự đều tùy duyên. Bảo Thủy là tìm đến nhau, gặp nhau thì biết… mò nhau ở đâu?

Thi thoảng Thủy nhận được một số tin nhắn qua Facebook mới ngớ ra rằng ở đâu đó, một góc nào đó, một câu nói nào đó của Thủy đã tạo nên sự ảnh hưởng đến với các bạn ấy. Trải nghiệm này mang đến niềm vui cho Thủy.

Nhưng điều quan trọng nhất là niềm cảm hứng mình khởi tạo cho những người xung quanh: các bạn trẻ cộng sự hay con cái của Thủy. Họ có thể noi theo đường hướng của Thủy, hoặc nhận ra rằng là à, tôi sẽ chọn con đường khác.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 16.

Cuối cùng, chị có nghĩ rằng mình là một người phụ nữ thành công?

Có chứ. Thành công hơn mong đợi. Trong đó thành công lớn nhất của Thủy là 1 ngôi nhà với 4 em bé – một thứ thành công có thật bên cạnh vô vàn ảo ảnh không đong đếm được, có nay mất mai.

Thủy không nghĩ mình sẽ lưu giữ được thứ thành công như thế lâu. Bây giờ ngọn lửa tự thân mình còn bùng cháy, rồi cũng đến lúc cũng tự mình thấy nguôi thì rút về thôi.

Khắc họa chân dung một con người vốn khó, lột tả sắc diện được một người nữ họa sĩ kiêm nhà thiết kế như Thủy Nguyễn ắt chẳng phải việc dễ dàng. Với một xã hội mà ai nấy đều muốn cưỡi lên ngọn sóng tân thời và hiện đại thì Thủy Nguyễn như một mảng màu hoài cổ nhưng nào có u buồn, dâng đến chúng ta cái hay cái đẹp của thời trang truyền thống tưởng chừng đã có lúc lụi tàn giữa vô vàn Chanel với Dior.

Chúng ta đều nhìn vào thành công trên phương diện vải vóc của Thủy Nguyễn, còn trong mắt chị chỉ thấy một gia đình ấm êm viên mãn. Đó chính là hạnh phúc.

NTK Thủy Nguyễn: “Thành tựu lớn nhất lại không đến từ những giá trị mà công chúng thường thấy” - Ảnh 19.


Long Ichi
Kwon Bi
5/1/2018

Long Ichi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên