MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nữ hoàng" logistics Việt Nam: Công ty tôi có thể cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ ngoại

20-10-2016 - 17:36 PM | Doanh nghiệp

"Tôi khẳng định rằng Minh Phương Logistics không ngại cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Minh Phương có thể cạnh tranh ngang ngửa với công ty nước ngoài tại Việt Nam. Vì chúng tôi có sự khác biệt rõ ràng vì hơn họ ở chỗ là doanh nghiệp nội địa, hiểu văn hóa địa phương".

Đó là nội dung chia sẻ với chúng tôi của bà Đặng Minh Phương, CEO MP Logistics, người từng được báo Mỹ CNBC ca ngợi là "Nữ hoàng Logistics Việt Nam".

MP Logistics là do chính bà thành lập năm 1995. Ban đầu, MP chỉ có 18 người. Nay con số ấy đã lên trên 1.000 người. MP Logistics đã trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ logistics tại Việt Nam. Tuy nhiên, bà Phương vẫn còn nhiều tham vọng trong tương lai cho MP Logistics và cho ngành logistics của Việt Nam.

Giai đoạn nào là khó khăn nhất với bà và công ty? Công ty đã vượt qua như thế nào để có vị trí như ngày hôm nay?

- Minh Phương đã trải qua 2 cuộc khủng hoảng trong tình hình chung của kinh tế thế giới là 1997 – 1998 và 2007 – 2008, chúng tôi đã vượt qua một cách ngoạn mục và phát triển tốt hơn.

Trải qua 2 cuộc khủng hoảng, chúng tôi tích lũy được thêm kinh nghiệm để duy trì và đưa ra chiến lược phát triển. Khủng hoảng là khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua và nắm bắt được những cơ hội mới để phát triển bền vững như ngày hôm nay.

Kinh tế thế giới khủng hoảng. Minh Phương cũng không thể tránh được những ảnh hưởng nhưng chúng tôi đã có sự chuẩn bị trước. Chẳng hạn như ở cuộc khủng hoảng thứ nhất, Minh Phương chưa chuẩn bị nhiều nhưng sang khủng hoảng thứ 2, chúng tôi chuẩn bị tốt hơn.

Minh Phương không ngại cạnh tranh với các đối thủ ngoại tại Việt Nam

Căn cứ nào giúp chị tự tin đến vậy? Đâu là điểm nổi bật của công ty chị có thể chiến thắng đối thủ ngoại?

- Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân nội địa nên hiểu rất rõ văn hóa, phong tục, tập quán, các vấn đề liên quan đến con người Việt Nam.

Tôi khẳng định rằng Minh Phương Logistics không ngại cạnh tranh và có thể cạnh tranh ngang ngửa với công ty nước ngoài tại Việt Nam. Vì chúng tôi là doanh nghiệp nội địa, chúng tôi hiểu văn hóa địa phương. Trong quá trình làm việc, chắc chắn có những vấn đề trục trặc thì sự am hiểu văn hóa địa phương chính là sự khác biệt đáng kể so với các đối thủ ngoại.

Bà Minh Phương tại sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập MP Logistics.
Bà Minh Phương tại sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập MP Logistics.

Chị đánh giá thế nào về các doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam và doanh nghiệp nào đang khai thác tốt ở thị trường Việt Nam?

- Tôi không nêu được tên doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, theo tôi, các doanh nghiệp ngoại họ có mối quan hệ toàn cầu và ký hợp đồng toàn cầu. Nhưng đối với thị trường nội địa Việt Nam, họ không thể cạnh tranh lại với chúng tôi, lí do như tôi đã nói ở trên.

Hiện số doanh nghiệp logistics ngoại ít hơn nhiều so với doanh nghiệp nội nhưng lại chiếm thị phần lớn. Chị nghĩ sao về tình hình này và các doanh nghiệp nên làm gì?

- Các doanh nghiệp ngoại họ có sự hợp tác với nhau. Sự hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn hạn chế. Nên nếu có sự thúc đẩy hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam với nhau thì thị phần của các doanh nghiệp nội sẽ càng ngày càng tăng.

Khi tham gia TPP, kinh tế sẽ có những biến động và Việt Nam cũng không nằm ngoài sự biến động này. Điều đó dẫn tới việc các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam sẽ cân nhắc về chi phí. Khi họ quan tâm đến điều này thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thắng.

Đương nhiên không phải vì mình trả giá rẻ mà là giá hợp lý. Giá của các doanh nghiệp logistics nước ngoài thì thường cao hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp tại thị trường Việt Nam của các công ty Việt Nam cũng tối ưu hơn.

Quan tâm đến thị trường Myanmar

Chị đã có chiến lược gì ở thị trường nước ngoài chưa?

- Thực ra thì Myanmar là thị trường mới nổi và họ cũng rất chào đón doanh nghiệp Việt tới đất nước họ vì sự thân thiện.

Myanmar sẽ là thị trường rất tiềm năng. Dân số của họ khoảng 60 triệu thì cũng giống như Việt Nam mình cách đây khoảng 20 năm. Bản thân chúng tôi cũng muốn là cầu nối đưa hàng hóa của Việt Nam sang Myanmar, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng ở thị trường Myanmar. Ban đầu có thể không được nhiều nhưng đánh giá của tôi thì trong 5-10 năm tới thì tiêu dùng của họ tăng trưởng rất cao.

Chị nghĩ gì về cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp logistics khi TPP có hiệu lực?

- Chắc chắn là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Và đây là cuộc cạnh tranh không cân sức.

Không cân sức thứ nhất là vì ngành logistics của Việt Nam cũng mới phát triển được hơn 20 năm. Không cân sức thứ 2 là các tập đoàn quốc tế họ có hệ thống trên toàn cầu, tài chính cũng lớn mạnh.

Vậy nên khi tham gia sân chơi TPP, mà đặc biệt là các khối doanh nghiệp tư nhân, sẽ gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng giỏi lắm, họ sẽ tự rèn luyện mình để đối đầu với những thách thức, để trở nên lớn mạnh hơn.

Mặc dù nhiều thách thức nhưng nếu có thể vượt qua được những thách thức này thì mình sẽ lớn mạnh hơn nữa. Mình không tham gia thì làm sao biết rằng mình có khả năng hay không. Việc tham gia này tôi cho rằng có lợi. Quốc gia có lợi thì doanh nghiệp cũng có lợi. Tôi rất ủng hộ TPP.

Vụ công ty Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) phá sản có ảnh hưởng như thế nào đến ngành logistics và doanh nghiệp Việt Nam nói chung?

- Việc Hanjin tuyên bố phá sản thì chắc chắn có ảnh hưởng đến logistics, không nhiều thì ít. Các doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh hưởng nhiều nhất. Mùa này là mùa cao điểm, mùa xuân, các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa để bán trong các dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Tết dương lịch, Tết âm lịch..., đặc biệt là các nước châu Âu trước thềm Tết dương lịch.

Các thị trường Đông Nam Á xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ có sử dụng dịch vụ của Hanjin sẽ bị tác động, bởi Hanjin là công ty logistics lớn thứ 7 thế giới nên rất nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của họ

Logistics của Việt Nam thường theo hình thức FOB. FOB là một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Nó là một thuật ngữ trong thương mại quốc tế. Việc chuyển giao diễn ra khi hàng hóa vượt qua lan can tàu tại cảng xếp hàng. Về mặt quốc tế, thuật ngữ này chỉ rõ cảng xếp hàng, ví dụ "FOB New York" hay "FOB Hải Phòng". Các khoản chi phí khác như cước vận tải, phí bảo hiểm thuộc về trách nhiệm của bên mua hàng.

Vì vậy những người mua hàng từ Việt Nam sử dụng dịch vụ của Hanjin chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì từ trước tới giờ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thanh toán cước mà bên mua sẽ thanh toán .

Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài mua hàng tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng. Cụ thể, hàng hóa trong dịp này sẽ không đúng tiến độ.

Trong khu vực châu Á, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chịu tác động nhiều nhất vì họ là người sử dụng Hanjin nhiều nhất. Phía Việt Nam, các doanh nghiệp làm việc với Hàn Quốc cũng sẽ chịu tác động, chẳng hạn như các công ty nhập hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam mà sử dụng dịch vụ của Hanjin. Tiến độ giao hàng chậm sẽ tác động đến doanh thu.

"Ở công ty, không ai nghe lời tôi"

Theo chị, có những cách gì để doanh nghiệp có thể giữ chân nhân tài?

- Nhân sự làm cho Minh Phương đều được coi như thành viên trong gia đình lớn. Tôi cũng tự hào nói rằng tôi có dàn nhân sự đồng hành với công ty trong hơn 10 năm. Lãnh đạo dù là cấp cao, cấp trung hay cấp nhỏ thì mỗi người đều là con trong một gia đình lớn. Họ luôn có trách nhiệm của từng vị trí.

Tôi rất may mắn có dàn lãnh đạo, nhân sự các cấp tâm huyết như ngày nay. Đó là thành công của tôi, không phải tôi có bao nhiêu tiền hay công ty tôi lớn bao nhiêu, mà chính là những nhân sự của công ty, họ làm hết việc chứ không hết giờ.

Có những người theo bà rất lâu nhưng đến thời điểm họ không còn nhiều năng lượng như trước nữa. Bà sẽ ứng xử ra sao?

- Tôi nghĩ tôi sẽ nói chuyện với họ xem họ muốn gì. Có những người làm việc ở đây stress quá, tôi nói về nhà nghỉ 1 tuần rồi quay lại làm việc. Nhưng ở đây, không ai nghe lời tôi. Họ là người lớn hết rồi nên họ biết sắp xếp. Họ hiểu công việc họ làm. Nhân viên của tôi rất bận. Nhiều khi hẹn nói chuyện mà tôi phải đợi họ.

Là lãnh đạo của một công ty lớn, chị gặp khó khăn gì? Theo chị, nữ doanh nhân có thách thức gì so với nam giới?

- Thực sự thì có cái khó, có cái dễ. Nữ lãnh đạo thì thường phải sinh con, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn nam giới. Do đó, phụ nữ thường bận hơn đàn ông. Theo tôi, khi doanh nghiệp có nữ lãnh đạo thì tốc độ tăng trưởng không bằng nam nhưng về tính bền vững thì nữ sẽ cao hơn. Nữ ít dấn thân nhiều vào rủi ro. Nam họ chấp nhận rủi ro nhiều và mạnh tay hơn. Và khi xảy ra khủng hoảng thì CEO nữ cũng bền sức hơn.

Với những người đang muốn khởi nghiệp logistics, chị có lời khuyên nào cho họ?

- Tôi rất thích từ logistics vì nó bắt đầu bằng chữ logis. Tất cả mọi việc đều logic. Nếu bạn nào muốn tham gia logistics thì vẫn nên. Bánh xe quay tròn và không bao giờ ngừng. Ngành này sẽ luôn luôn phát triển. Mọi nền kinh tế đều cần logistics vì hàng hóa cần được vận chuyển. Tôi đã nhìn thấy điều này hơn 20 năm trước. Và bây giờ vẫn rất yêu nó.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên