MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ

Sự chênh lệch trong lợi tức đầu tư cho phép Mỹ tiêu thụ nhiều hơn lượng hàng mình xản xuất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa của sự thật. Một nửa sự thật kia là tài sản của Mỹ vẫn trên đà giảm từ năm 1970, và đã giảm đáng kể.

Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ - Ảnh 1.
Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ - Ảnh 2.

Năm 2017, thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ vào khoảng 35%. Sau khi Trump cải cách thuế, con số này đã được giảm xuống vào khoảng 21% bắt đầu từ năm 2018. Để trốn mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ - một trường hợp điển hình là Apple - đã thực hiện nhiều chiến dịch chuyển lợi nhuận ra các thiên đường thuế (Ireland!). Điều này vô tình khiến cho một phần đáng kể xuất khẩu và lợi nhuận của Mỹ không được đếm vào cán cân thanh toán của Mỹ. Do đó, rất có thể phần còn lại của thâm hụt thương mại chỉ là một ảo giác do các doanh nghiệp trốn thuế tạo nên.

Năm 2013, một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ dẫn đầu bởi Thượng Nghị Sĩ (TNS) John McCain và TNS Carl Levin đã giúp làm rõ hơn quá trình chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ.

Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ - Ảnh 3.

Để hiểu rõ hơn quy trình trốn thuế, hãy thử lấy ví dụ của Apple.

Theo số liệu thống kê từ IHS Markit, mỗi chiếc iPhone X được sản xuất với chi phí khoảng 370,25 USD, với phụ kiện đến từ nhiều nước châu Á, cuối cùng được lắp ra ở Trung Quốc. Chiếc iPhone này sẽ được bán lại cho 1 công ty Apple ở Ireland (dưới tên Apple Sales International (ASI)) với giá bằng chi phí sản xuất. Về mặt thống kê, hoạt động sản xuất chiếc iPhone đến nay tạo ra được 370,25 USD cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Công ty ASI sẽ bắt đầu phân phối những chiếc iPhone này lại cho người tiêu dùng ở châu Âu và châu Á với giá gần 1,000 USD/chiếc. Do đó, Ireland sẽ xuất siêu khoảng 600 USD (400 USD nhập khẩu để bán lại với giá 1.000 USD) cho mỗi chiếc iPhone.

Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ - Ảnh 4.

Đóng neo lợi nhuận ở Ireland giúp Apple chỉ phải đóng thuế khoảng 0.5-2% mỗi năm so với mức thuế 35% ở Mỹ

Công ty này có thể bán iPhone - được bảo vệ tác quyền tại Mỹ - mà không bị đánh thuế Mỹ nhờ vào một "hợp đồng chia sẻ chi phí". Theo đó, ASI sẽ chỉ cần trả 60% chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của Apple Mỹ, vào khoảng 6 tỉ USD mỗi năm, để thu được hầu hết lợi nhuận bán iPhone của Apple trên thế giới, vào khoảng 75 tỉ USD.

Điều đáng nói là, phần lợi nhuận này chỉ phải chịu thuế rất thấp (0.5-2%) ở Ireland so với mức thuế 35% ở Mỹ.

Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ - Ảnh 5.

Trên sổ sách, hoạt động bán iPhone ở nước ngoài của Apple sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu khoảng ~ 35 tỉ USD, Ireland xuất siêu khoảng $34 tỉ USD (=75 - 35 - 6 tỉ USD), còn Mỹ chỉ bán được 6 tỉ USD công nghệ. Đáng ra, nếu Apple sản xuất ở Trung Quốc rồi nhập vào Mỹ để bán lại, thì Mỹ đã có thể xuất siêu được 40 tỉ USD, thay vì chỉ 6 tỉ USD.

Việc trốn thuế của Mỹ có thể thấy khá rõ qua mục tích lũy thu nhập tái đầu tư (cumulative reinvested earning) ở các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ. Ví dụ như, công ty ASI là một công ty con sở hữu bởi 2 người Mỹ (luật sư của Apple). Phần lợi nhuận của ASI không mang về Mỹ sẽ được tính vào thu nhập tái đầu tư (tiền để lại ở công ty con).

Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ - Ảnh 6.

Lấy dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA), tổng mức tái đầu tư tích lũy của Mỹ hiện vào khoảng 18% GDP. Con số trốn thuế thực sự có thể sẽ thấp hơn 18%, nhưng ít ra ước tính này cho biết đây là một kênh quan trọng.

Nói đến đây, xin khẳng định lại rằng thâm hụt thương mại không phải do Mỹ bị đối tác dắt mũi, càng không phải do người Mỹ tiêu hoang vượt khả năng chi trả. Thực tế, nước Mỹ không phải "nghèo đi" như Donald Trump tuyên bố. Đầu tiên, Mỹ kiếm thêm được thu nhập cao từ việc đầu tư rủi ro ở các nước khác. Thứ hai, vì các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế, một phần không nhỏ lượng xuất khẩu không được ghi vào sổ sách thương mại của Mỹ.

Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ - Ảnh 7.

Sau cải cách thuế của Trump năm 2017, các công ty Mỹ rút lợi nhuận từ nước ngoài về Mỹ

Thống kê chính thức về thâm hụt thương mại và tài sản ngoại của Mỹ vẽ nên một bức tranh u ám. Nhưng hiểu rằng thực trạng nền kinh tế có u ám như thế không là hết sức cần thiết để đưa ra chính sách đúng đắn. Nhiều nhà kinh tế, các think-tank, và quốc hội Mỹ đã lên tiếng. Câu hỏi còn lại là: chính quyền hiện tại có lắng nghe hay không?

Rất có thể cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hoàn toàn là để chống Trung Quốc ăn cắp công nghệ Mỹ như Trump nói, còn thâm hụt thương mại chỉ là cái cớ. Tuy nhiên, những dấu hiệu sụt giảm trong thị trường chứng khoán Mỹ cũng như nguy cơ ngày càng cao của một cuộc khủng hoảng không những ở Trung Quốc, mà sẽ có tác động lên toàn cầu có vẻ như là một cái giá đắt phải trả.

Châu Thanh Vũ, NCS Tiến sĩ Đại học Harvard
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Châu Thanh Vũ

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên