MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Mỹ chứng kiến thế hệ doanh nghiệp mới "ngại" IPO và lên sàn

12-01-2018 - 12:49 PM | Tài chính quốc tế

Một xu hướng lớn đang chi phối giới doanh nghiệp Mỹ hiện nay là sự sụt giảm trong số lượng các doanh nghiệp được niêm yết, hiện đang ở mức 3.671, chưa bằng một nửa con số ghi nhận năm 1996 dù TTCK Mỹ bùng nổ.

Airbnb là website cung cấp dịch vụ chia sẻ phòng được giới đầu tư tư nhân định giá ở mức 31 tỷ USD. Thế nhưng, khi được hỏi về ý định đưa gã startup khổng lồ này lên Sàn giao dịch chứng khoán New York, thì Brian Chesky, nhà đồng sáng lập Airbnb, lại tỏ ra lưỡng lự và cho rằng đây không phải là việc làm cấp thiết.

Và Airbnb không phải là doanh nghiệp duy nhất tỏ ra không mặn mà với ý tưởng "lên sàn". Một xu hướng lớn đang chi phối giới doanh nghiệp Mỹ hiện nay là sự sụt giảm trong số lượng các doanh nghiệp được niêm yết, hiện đang ở mức 3.671, chưa bằng một nửa con số ghi nhận năm 1996. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là thị trường chứng khoán cũng đang suy thoái, khi giá trị các doanh nghiệp được niêm yết đã tăng từ 105% GDP vào năm 1996 lên mức 136% tại thời điểm hiện giờ.

Các sàn giao dịch đang chịu sự thống trị của một số lượng ngày càng ít các "ông lớn". Trong khi đó, số doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) đã giảm hơn một nửa từ con số hơn 400 thương vụ năm 2000 xuống còn 174 vụ trong năm 2017, theo báo cáo gần đây của Công ty kiểm toán Ernst & Young. Nhiều startup được định giá cao, như Lyft, một công ty kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe, và Pinterest, một trang chia sẻ hình ảnh, vẫn lựa chọn đứng ngoài sàn.

Ông Michael Mauboussin, hiện đang làm việc cho Ngân hàng Credit Suisse và giảng dạy tại Đại học Columbia Business School ở New York, cho rằng lý do đầu tiên đứng sau sự sụt giảm số lượng các công ty được niêm yết là tình trạng "hạn hán" IPO. Trong khi số lượng doanh nghiệp ở Mỹ vẫn tăng đều, thì xu hướng "lên sàn" lại đang chuyển động nghịch chiều, một phần do tâm lý ngại các thủ tục lằng nhằng, dù sự thoái trào của hoạt động IPO đã bắt đầu diễn ra trước cả khi Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 được ban hành. Đạo luật này vốn nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm của các chủ doanh nghiệp khi siết chặt các quy định đối với các công ty niêm yết.

Vậy kênh nào sẽ đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp? 

Giờ đây khi nền kinh tế đang phát triển theo hướng ngày càng thâm dụng công nghệ thì các doanh nghiệp không nhất thiết phải đầu tư nhiều vốn như trước vào những tài sản như nhà máy và trang thiết bị. Trong khi đó, các thị trường tư nhân lại ngày càng chứng minh được khả năng của mình trong việc cung cấp các nguồn vốn mà doanh nghiệp thực sự cần. Nhiều tập đoàn quản lý quỹ tư nhân "có máu mặt", như Fidelity và T. Rowe Price, đang rót tiền vào các unicorn, cái tên mà người ta dùng để gọi các công ty tư nhân được định giá trên 1 tỷ USD.

Airbnb là ví dụ điển hình cho xu hướng nói trên. Website chia sẻ phòng này đã gần 10 năm tuổi song vẫn chưa chịu "lên sàn", trong khi Amazon lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng chỉ ba năm sau khi thành lập. Thế nhưng Airbnb vẫn có thể thu được hàng tỷ USD vốn đầu tư từ các thị trường tư nhân và hiện có 26 nhà đầu tư bên ngoài. Trong quyển sách "The Airbnb Story", tác giả Leigh Gallagher cho biết tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Airbnb trong năm 2017 được dự đoán ở mức 450 triệu USD. Bên cạnh đó, tại vòng gọi vốn hồi mùa thu năm 2016, các nhân viên của Airbnb đã có thể bán được lượng cổ phiếu trị giá 200 triệu USD. Vậy mới thấy rằng IPO không phải là lựa chọn duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Nhân tố thứ hai khiến đội hình các doanh nghiệp được niêm yết ngày càng thưa thớt là việc ngày càng nhiều các công ty có tên tuổi lựa chọn rút khỏi thị trường chứng khoán. Khoảng 1/3 trong số này là "bất đắc dĩ", khi các doanh nghiệp phá sản hay bị "teo" lại đến mức không còn đáp ứng được điều kiện để có thể tiếp tục trụ lại trên sàn. Phần còn lại là kết quả của các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Nhiều doanh nghiệp được các quỹ đầu tư PE (thường được hiểu là đầu tư vào công ty chưa niêm yết dưới hình thức đầu tư góp vốn tư nhân) mua lại, nhưng phần đông là bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp khác, thường là các doanh nghiệp đã được niêm yết. Các quy định chống độc quyền lỏng lẻo tồn tại hàng chục năm đã khiến cho hầu hết các ngành nghề phát triển theo hướng tập trung hơn.

Tuy nhiên, xu hướng sụt giảm số lượng các công ty được niêm yết có thể sẽ không kéo dài. Năm 2017 đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp nổi tiếng "lên sàn", trong đó có Snap, một công ty truyền thông xã hội, và Canada Goose, công ty chuyên sản xuất các loại áo khoác mùa đông đắt tiền. Nếu cơn sốt xoay quanh các công ty công nghệ dần hạ nhiệt thì các unicorn có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc gọi vốn từ thị trường tư nhân. Số lượng các công ty được niêm yết nếu cứ tiếp tục lao dốc sẽ là "điềm xấu", khi nó là dấu hiệu của xu hướng tập trung hóa, tức nền kinh tế bị chi phối mạnh bởi một bộ phận các doanh nghiệp lớn, vốn là yếu tố sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế trong dài hạn.

Bên cạnh đó, các unicorn không nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn được áp dụng với các doanh nghiệp niêm yết về kế toán và tính công khai minh bạch, vậy nên sẽ rất tốn kém nếu muốn theo dõi các công ty này một cách sát sao. Nhiều unicorn không muốn tốn tiền cho khâu này, và đã phải chịu "trái đắng", điển hình là bi kịch của Theranos, một startup về xét nghiệm máu, khi công ty này năm 2015 đã trở thành tâm điểm chỉ trích của truyền thông vì sự khuất tất và thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, không có sự kiểm soát chặt chẽ như khi được niêm yết, nhiều doanh nghiệp dường như đang bị "mắc cạn" trong chính sự quản lý của mình. Và Uber, "gã khổng lồ" trong dịch vụ chia sẻ xe vốn đang lâm vào cảnh thua lỗ, và Travis Kalanick, vị cựu CEO đầy tai tiếng của công ty, này là một minh chứng rõ nét.

Tình trạng nền kinh tế bị tập trung hóa vào tay ngày càng ít doanh nghiệp là một vấn đề đối với các nhà quản lý chống độc quyền. Còn việc các công ty có "lên sàn" hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào những người đứng đầu doanh nghiệp. Nhiều "ông trùm" công nghệ như Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla, và Jeff Bezos của Amazon đã làm chủ được nghệ thuật vận hành các doanh nghiệp niêm yết. IPO có thể là động cơ để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh cũng như văn hóa doanh nghiệp của mình..

Khánh Ly

Economist

Trở lên trên