MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Mỹ sẽ bớt đau hơn nếu kẻ thảm sát Las Vegas là khủng bố

04-10-2017 - 19:05 PM | Tài chính quốc tế

Có lẽ nước Mỹ sẽ bớt đau thương và dễ dàng đối phó hơn nếu Stephen Paddock, nghi can gây ra vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử quốc gia này, là một kẻ khủng bố.

Nếu Stephen Paddock là một người Hồi giáo…; nếu y hô vang “Allahu akbar” (Thánh Alla vĩ đại) trước khi siết cò; nếu người đàn ông này là thành viên của Lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hay nếu ai đó có bức ảnh chụp Paddock một tay cầm cuốn kinh Quran trong khi tay kia cầm khẩu súng trường tấn công…; nếu tất cả điều đó xảy ra, có lẽ sẽ chẳng ai cần nhắc nhở nước Mỹ đừng làm ảnh hưởng tới nhân phẩm các nạn nhân hay chính trị hóa vụ thảm sát. Họ chỉ cần nói về các biện pháp phòng ngừa.

Sau đó, chúng ta biết chắc mình sẽ làm gì. Chúng ta sẽ lên lịch cho những buổi điều trần ở Quốc hội ngay lập tức về vụ khủng bố tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện 11/9/2001. Sau đó, có le Tổng thống Trump sẽ lên Twitter và nói giống với những gì ông nói sau những vụ khủng bố tại châu Âu. Người ta sẽ tham vấn rồi đưa ra “mọi biện pháp cần thiết” để chống lại quốc gia nơi vụ tấn công bắt nguồn.

Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu vụ tấn công đó bắt nguồn từ chính nước Mỹ?

Điều gì sẽ xảy ra khi kẻ tình nghi là người Mỹ, được trang bị vũ khí tới tận chân răng với những khẩu súng kiểu quân sự mà anh ta mua hợp pháp hoặc sở hữu một cách dễ dàng bởi những đạo luật điên rồ về súng đạn?

Đây là những gì đã xảy ra. Một số người có trách nhiệm trong đảng Cộng hòa vội vã lên tiếng đảm bảo sẽ không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, họ khăng khăng rằng, không giống với những cuộc khủng bố liên quan đến IS, vụ thảm sát đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ sẽ không bị “chính trị hóa” bằng việc yêu cầu bất cứ ai, đặc biệt là bản thân họ, nhìn vào gương và suy nghĩ lại sự phản đối của mình đối với các đạo luật kiểm soát súng đạn.


Những khẩu súng nằm bên thi thể Stephen Paddock trong phòng khách sạn.

Những khẩu súng nằm bên thi thể Stephen Paddock trong phòng khách sạn.

Chống IS ở Syria, Mỹ dùng tới oanh tạc cơ B-52, tên lửa hành trình Tomahawk, Chiến đấu cơ F-15, F-22 và F-35 cùng với cả máy bay gián điệp U-2. Những quân nhân trẻ được lệnh truy quét toàn bộ những phần tử khủng bố bất chấp nhiều tổn thất về nhân mạng. Với IS, thất bại không phải lựa chọn, lòng thương xót không tồn tại.

Tuy nhiên, khi đương đầu với Hiệp hội súng trường Quốc gia Mỹ (NRA), nhóm ngăn cản mạnh mẽ nhất luật kiểm soát súng đạn, chiến thắng không phải lựa chọn, sự kiểm duyệt không tồn tại.

Không có sự ngăn cấm, những kẻ như Paddock có thể dễ dàng sở hữu cả kho vũ khí trong nhà, bao gồm tới 42 khẩu súng mà nhiều trong số đó được sử dụng để gây ra vụ thảm sát đẫm máu làm 59 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương. Thậm chí, một số khẩu súng còn được biến đổi để trở thành vũ khí hoàn toàn tự động, với tốc độ bắn lên tới 400 viên/phút.

Các nhà sản xuất và buôn bán súng cũng như người ủng hộ họ hiểu rằng, luật kiểm soát súng đạn không muốn lấy đi quyền mua súng đi săn hay để tự vệ của người Mỹ. Nó nhằm ngăn một người sở hữu cả kho vũ khí quân dụng và mang nó tới phòng khách sạn để điên cuồng bắn vào những người Mỹ vô tội chỉ vì anh ta đang giận dữ.

Chắc chắn sẽ khó có thay đổi lớn nào về kiểm soát súng đạn ở Mỹ sau vụ thảm sát tối 1/10. Hàng loạt sự việc đau lòng trong quá khứ đã chứng minh cho điều đó dù chúng xảy ra dưới thời kỳ Tổng thống Dân chủ Barack Obama, người hết lòng ủng hộ một đạo luật kiểm soát súng đạn nhưng bất thành.

Linh Anh

NY Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên