MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Nhật đối diện với cuộc khủng hoảng thiếu trẻ con tồi tệ nhất trong lịch sử

03-06-2017 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Tỷ lệ sinh giảm và dân số già tăng nhanh sẽ tiếp tục khiến Nhật thiếu hụt thêm nhiều lao động nữa, chi phí an sinh xã hội tăng cao đột biến.

Trong tuần này, các báo lớn của Nhật đồng loạt đưa tin trong năm 2016, số trẻ em được sinh ra tại Nhật rớt xuống dưới mức 1 triệu lần đầu tiên từ khi số liệu được thu thập vào thế kỷ 19.

Nước Nhật đang đối diện với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học chưa từng có tiền lệ.

Bộ Lao động Nhật công bố trong năm 2016 ở Nhật, chỉ 976.979 trẻ em được sinh ra – con số này thấp nhất tính từ khi số liệu này bắt đầu được thu nhập và tính toán vào năm 1899.

Tỷ lệ sinh giảm và dân số già tăng nhanh sẽ tiếp tục khiến Nhật thiếu hụt thêm nhiều lao động nữa, chi phí an sinh xã hội tăng cao đột biến. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sinh của phụ nữ lên mức 1,8 trẻ em/phụ nữ để giúp dân số Nhật không giảm nhanh.

Tỷ lệ sinh năm 2016 của phụ nữ Nhật hiện ở mức 1,44 trẻ em/phụ nữ, dù có cải thiện hơn so với trước đây nhưng vẫn không đủ để giúp ngăn dân số Nhật giảm nhanh.

“Báo cáo mới nhất cho thấy những vấn đề nhân khẩu học của Nhật đang cực kỳ tồi tệ. Nhiều khả năng vấn đề dân số giảm sẽ vẫn tiếp tục và chính phủ Nhật sẽ rất vất vả để giải quyết vấn đề chi phí cho an sinh xã hội cũng như duy trì tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Meiji Yasuda Life Insurance ở Tokyo, ông Yuichi Kodama, nhận xét.

Khi mà vấn đề nhân khẩu học chưa thể giải quyết được trong một sớm một chiều, Nhật vẫn tiếp tục phải đối đầu với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Các số liệu thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật đang ở mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ bởi các ông chủ quá cần người làm. Lẽ ra thông thường người ta sẽ hiểu đây là tin tốt đối với nền kinh tế thế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo chưa phải lúc để mừng vui.

Họ chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp thấp chẳng qua vì dân số già, số người trong độ tuổi làm việc giảm mạnh. Ngoài ra, rất nhiều người dù được “tiếng” đang có việc nhưng thực chất chỉ được làm những công việc bán thời gian rất bấp bênh với mức lương thấp.

Thống kê mới nhất về tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 35 nền kinh tế thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy hiện nay Nhật và Iceland là hai nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất nhóm.

Trong tuần này, chính phủ Nhật công bố thông tin tỷ lệ thất nghiệp tại Nhât tính đến hết tháng Tư ở mức 2,8% đến tháng thứ 3 liên tiếp và như vậy ở mức thấp nhất tính từ năm 1994.

Ngoài ra, chỉ báo trên thị trường lao động cũng cho thấy tỷ lệ việc làm/ứng viên đang ở mức 1,48, có nghĩa là với 100 ứng viên có đến 148 việc làm. Tỷ lệ đó cao nhất trong nhiều thập kỷ, thậm chí còn cao hơn cả thời điểm kinh tế Nhật tăng trưởng thần kỳ thập niên 1980.

Tất nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe có thể tuyên bố chính phủ của ông đã thành công trong việc tạo ra thêm việc làm cho người Nhật. Khi ông lên làm Thủ tướng vào cuối năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp khi đó ở mức 4,4%.

Thế nhưng hẳn sẽ hơi quá nếu ai đó khẳng định rằng thị trường lao động dưới thời Abe đã hoàn toàn trở nên khỏe mạnh và tất cả những đối tượng tham gia trong đó đều đã được hưởng lợi.

Khắp nước Nhật giờ đây nơi đâu cũng thấy thiếu lao động. Nhiều nhà hàng trước đây từng hoạt động 24 giờ mỗi ngày nay phải giảm đi số giờ hoạt động bởi quá thiếu nhân viên. Hãng vận chuyển Yamato với hoạt động rộng khắp các “hang cùng ngõ hẻm” của Nhật cũng bị buộc phải giảm bớt số lượng dịch vụ.

Cho đến hiện tại, tâm lý của người Nhật vẫn cực kỳ ngại ngần với việc tiếp nhận ồ ạt lao động người nước ngoài, chính vì vậy chính phủ Nhật tập trung nhiều hơn vào việc thu hút thêm đối tượng người già và phụ nữ vào lực lượng lao động bởi hiện nay phụ nữ Nhật đa phần “biến mất” khỏi thị trường lao động ngay khi họ kết hôn.

Tình trạng thiếu nhân lực đã giúp mức lương của một số ngành nghề được điều chỉnh tăng, thế nhưng nhìn chung tác động của nó lên mức lương nói chung vẫn còn rất hạn chế.

Tháng Ba năm nay, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Nhật trong đó bao gồm Toyota và Panasonic thông báo tăng lương cho nhân viên, tuy nhiên mức tăng thấp nhất trong nhiều năm. Điều này đi ngược hoàn toàn với mục tiêu nâng lạm phát đạt mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật.

Năng suất lao động thấp cũng khiến cho tình trạng thiếu lao động ở Nhật trở nên tồi tệ hơn. Người Nhật thiếu lao động bởi cách sử dụng lao động của họ hiện rất thiếu hiệu quả.

Theo chia sẻ của chính nhiều nhân viên Việt Nam làm việc tại các cửa hàng, nhà xưởng của Nhật, phần đông trong số họ chỉ được phân vào vị trí với công việc quá đơn giản, ít thao tác và nhiều khi chẳng có việc gì để làm, ngồi chơi không cả ngày vẫn có lương đều.

Còn đối với nhiều du khách đến Nhật, họ choáng váng với tình trạng quá nhiều người dường như không cần phải làm gì cả. Theo quan điểm phục vụ khách hàng tận tình của người Nhật, họ luôn muốn khách có trải nghiệm dịch vụ tốt nhất nên nhân viên luôn phục vụ khách sát sao nhất có thể, chính vì vậy với cùng một công việc tương đương như ở phương Tây, ở Nhật cần nhiều người phục vụ hơn.

Rõ ràng, có nhiều việc làm trong xã hội rất tốt nếu chỉ nhìn vào những con số, nhưng khi xét đến bản chất công việc mà người lao động làm, người ta sẽ nhận ra rằng ở Nhật số lượng việc làm dù nhiều vị trí lương quá thấp và hàm lượng chất xám của công việc gần như không có gì.

Theo Trung Mến

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên