MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi”: Bố tôi cả đời sống ngay thẳng nhưng vẫn bị ghét bỏ, cố tình lãng quên

24-07-2019 - 17:40 PM | Sống

Người tốt chưa chắc đã gặt hái được kết quả tốt, như kiểu người xấu cũng có thể hạnh phúc cả đời vậy.

Tôi có quen một người đàn ông, công tác tại trường Đại học, từ nhỏ ông ấy đã rất cần cù, ngay thẳng, luôn cố gắng, nghiêm túc trong công việc. Lúc xử lý việc công của đơn vị, khi nào ông ấy cũng cương chính, cẩn thận, dùng một đồng một cắc cũng ghi lại tỉ mẩn, rõ ràng.

Có người qua nhờ ông ấy việc này việc nọ, ông thấy mình giúp được thì gắng giúp, nếu đối phương dúi cho chục trứng gà hay cân đậu phộng, ông liền tức giận, kêu người ta cầm đồ về.

Những lúc rảnh rỗi, ông thường sửa điện nước miễn phí cho mấy cụ cao tuổi neo đơn, không lấy một xu nào cả. Lần nọ, một cụ ngất xỉu trong nhà, cửa thì khoá trái, người thân cũng chẳng thấy ai, mặc cho nguy hiểm đến tính mạng, ông ấy vẫn nhảy từ cửa sổ nhà bên qua ban công nhà cụ để mở cửa, ấy là tầng 4 lận.

Sau này, bởi nhiều năm công tác trong nghề, ông ấy được thăng lên chức lãnh đạo nhỏ. Các khoản ăn uống công, phong bì trong đơn vị, rồi mỗi lúc liên hoan họp hành này kia hơi tý là gọi chai rượu cả chục củ mà chẳng ai uống... Ông ấy không uống rượu, sếp lớn mời rượu ông ấy cũng không uống.

Lâu dần, bị cô lập như một lẽ dĩ nhiên, ông ấy vô cùng tức giận, thế là từ chức trở về làm một người dân đen bình thường. Những người từng cười với ông ấy thường ngày giờ chẳng cười nữa, những người từng chào hỏi ông ấy lúc gặp gỡ trên đường thì giờ đây tỏ vẻ như chưa từng quen biết vậy. Ngay cả cậu học trò ông ấy coi trọng nhất, cùng đám cấp dưới ông từng tận tình chỉ bảo, cất nhắc giờ đây cũng gọi thẳng tên ông ấy, thậm chí còn chỉ tay năm ngón, ra lệnh cho ông.

Cả thế giới bỗng trở nên lạnh lùng với ông ấy, còn có kẻ chế giễu, cười nhạo sau lưng nữa. Mọi người lại tiếp tục guồng quay cuộc sống của mình, chỉ có bản thân ông ấy thấy buồn bực.

Rồi sau đó, ông ấy già đi, đám cấp dưới năm đó của ông giờ ai cũng có quyền có thế, mỗi lần gặp ông ấy, họ cũng chẳng thèm liếc mắt.

“Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi”: Bố tôi cả đời sống ngay thẳng nhưng vẫn bị ghét bỏ, cố tình lãng quên - Ảnh 1.

Ông ấy dạy dỗ tôi, dạy tôi trở thành một con người ngay thẳng, như ông ấy vậy. Khi còn bé, tôi gật đầu, ngước nhìn ông bảo vâng. Nhưng đến sau này, tôi nói không. Tôi với ông cãi nhau một trận thật to về vấn đề này. Phải mấy ngày liền ông ấy chẳng nói chuyện với tôi.

Ông ấy vẫn giữ cho mình sự ngay thẳng ấy. Lần nọ, chiếc xe đạp ông ấy dùng chạy ngang chợ mua thức ăn mỗi ngày bị mất, ông ấy tìm quanh đơn vị, mới thấy nó nằm dưới khuôn viên một toà nhà gần đó, ông chạy qua gô tên ăn trộm lại. Kẻ trộm là nhân viên tạm thời của đơn vị, đồng thời là người nhà của vị sếp nào đó. Lúc bị gô lại, tên trộm kia khinh thường thách ông: "Giỏi thì kiện đi, mời."

Nếu là người khác chắc đã nhịn cho qua rồi, nhưng ông ấy vẫn báo công an, gọi vị sếp kia đến đón người về.

Sếp ngồi xe bốn bánh qua đón, cũng chẳng xuống xe, mặt lạnh như tiền nói đôi câu giảng hoà, rồi rước người đi, không nhắc chi nữa.

Ông ấy tức giận, thấy bất công lại chẳng hay mình đã làm mích lòng người ta.

Sau này của sau này, tôi thấy tóc ông bạc trắng hơn xưa, thỉnh thoảng ông dắt chó đi dạo quanh nhà, có mấy cụ cao tuổi cất giọng hỏi thăm ông ấy, nói ông là người tốt, tốt nhất trong những người mấy cụ từng gặp. Ông ấy cười thật tươi.

Nhưng ngoài việc đó ra thì chẳng có thêm gì cả.

Sang năm 2019, rất nhiều người đến tuổi về hưu, ông ấy cũng vậy. Trường Đại học tổ chức buổi lễ tri ân những cán bộ về hưu, mỗi một người công nhân viên chức, giáo sư thuộc từng khoa đều được thông báo tham dự.

Ai lên sân khấu cũng được chính tay hiệu trưởng trao tặng một bông hoa đỏ rực, nó như là một minh chứng đầy vinh dự cho cống hiến cả đời của những con người ấy vậy.

Chỉ có ông ấy là không nhận được.

Lúc ông ấy biết đến việc này, buổi lễ tri ân ấy đã khép lại rồi.

“Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi”: Bố tôi cả đời sống ngay thẳng nhưng vẫn bị ghét bỏ, cố tình lãng quên - Ảnh 2.

Ai cũng nhận được thông báo, nhưng người phụ trách việc thông báo kia lại cố ý không nói với ông ấy.

Ông ấy nằm nhà phụng phịu, chẳng hiểu tại sao mình cần cù, chăm chỉ cả đời lại bị mọi người quên lãng thế kia.

Ông ấy là cha của tôi, mấy hôm nay ông ấy cứ buồn bực, ấm ức, rồi lại lắc đầu thở dài.

Tôi muốn bảo ông rằng, cha chưa từng bị lãng quên, chỉ là có vài người lòng dạ xấu xa ghim thói bướng bỉnh của cha, cho nên thỉnh thoảng sẽ ngáng chân cha rồi núp trong bóng tối cười đùa giễu cợt.

Cha luôn vững tin rằng chỉ cần chân thành đối xử với mọi người thì cuộc đời sẽ rực rỡ sắc hoa.

Cha chưa từng tin rằng những người áo quần phẳng phiu ngoài kia từ trước đến nay chỉ biết bắt nạt kẻ yếu, run sợ trước kẻ mạnh, nhiệt tình, nịnh bỡ a dua với bề trên, lạnh lùng, lòng muông dạ thú với người dưới.

Nhưng sao mà tôi có thể nói nên lời đây, tôi chỉ có thể dõi theo ông ấy, dõi theo 40 năm lao động miệt mài vậy mà ngay cả đoá hoa cài áo tượng trưng cho vinh dự cuối đời mà nhẽ ra ông phải nhận được cũng chẳng thể chạm vào.

Ông ấy là người ngay thẳng nhất, tốt nhất mà tôi biết.

Vậy nên cũng bị người ta ghét bỏ.

“Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi”: Bố tôi cả đời sống ngay thẳng nhưng vẫn bị ghét bỏ, cố tình lãng quên - Ảnh 3.

Người tốt chưa chắc đã gặt hái được kết quả tốt, như kiểu người xấu cũng có thể hạnh phúc cả đời vậy.

Tôi không biết tại sao đoá hoa kia không được cài trên áo ông ấy. Đây là cố ý của ai? Đây lại là sơ sót của ai?

Tôi cũng không biết nên gọi điện hỏi thăm phòng nào, đơn vị nào, mà gọi rồi cũng biết nói gì đây.

Tôi nghe ông kể, nghĩ tới nghĩ lui cũng chẳng nghĩ ra cách nào giúp ông.

Ông chỉ là một con người bé nhỏ, chuyện của ông cũng quá bé nhỏ, không có người nào quan tâm, để ý đến cả. Chỉ có chính ông cảm thấy đoá hoa kia là minh chứng cho những cống hiến trọn đời của ông ấy...

Theo Linh Lung Tháp

Trí thức trẻ

Trở lên trên