MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nuôi con kiểu "trực thăng": Bố mẹ đang quan tâm hay đang làm hại con?

11-08-2018 - 20:20 PM | Sống

Việc cha mẹ muốn giám sát con cái chặt chẽ là điều hoàn toàn tự nhiên. Thực tế thì việc bố mẹ không chăm sóc, giám sát con cái mới là chuyện lạ. Tuy nhiên việc quan tâm con một cách thái quá lại là một kiểu dạy con không được khuyến khích tý nào. Kiểu dạy con này được những nhà khoa học gọi là phong cách dạy con kiểu trực thăng.

Thuật ngữ này ám chỉ các bậc cha mẹ luôn "bay lượn" ngay trên đầu các con họ, giám sát chặt chẽ các con để nhanh chóng hỗ trợ mỗi khi chúng gặp khủng hoảng. Bố mẹ trực thăng luôn chăm sóc con mình một cách thái quá. Luôn có một sự hối thúc khiến họ luôn luôn phải bên cạnh con, để mắt đến con. Ví dụ, ngồi ở sân chơi cả ngày để trông chừng cậu nhóc 10 tuổi chơi với đám bạn. Mặc dù ở tuổi này, cậu bé hoàn toàn có thể chơi đùa một cách độc lập. Hoặc có thể nhói lên cảm giác khó tả trong tim khi nghe con nói: "Con có thể làm được mà!". Vậy có nghĩa là… con không cần mẹ sao?!

Nuôi con kiểu trực thăng: Bố mẹ đang quan tâm hay đang làm hại con? - Ảnh 1.

Nhưng bạn có biết, kiểu dạy con này không thể khiến con phát triển toàn diện. Khoa học chứng minh rằng, trẻ con được dạy theo phong cách này khó học được những kỹ năng quan trọng cần thiết cho cuộc sống sau này.

Tất nhiên ai cũng muốn con mình được an toàn nhưng vấn để ở đây là đứa trẻ không thể học được như thế nào là an toàn khi chúng còn không có cơ hội khuất khỏi tầm mắt bố mẹ.

Kiểu dạy con này có thể gây ra những hậu quả đối với con sau này:

Giảm sự tự tin và lòng tự trọng. "Vấn đề chính với việc làm cha mẹ trực thăng chính là sự phản tác dụng", Tiến sĩ Dunnewold nói "sự quan tâm quá mức của cha mẹ" ngầm đưa ra thông điệp rằng "cha mẹ tôi không tin tôi có thể tự làm điều này một mình" và chính nó khiến trẻ đánh mất sự tự tin của bản thân.

Kỹ năng giải quyết vấn đề kém: Nếu cha mẹ luôn luôn sẵn sàng giải quyết "hậu quả" của con hoặc thậm chí là không để tình huống tiêu cực xảy ra thì làm sao đứa trẻ có thể học được cách đối mặt với mất mát, sự thất vọng hay thất bại? Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng kiểu dạy con trực thăng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy khó đối mặt với các cảm xúc tiêu cực.

Tăng lo âu. Một nghiên cứu từ Đại học Mary Washington đã chỉ ra rằng bố mẹ quan tâm thái quá có liên quan đến mức độ lo lắng và trầm cảm cao ở trẻ em.

Theo một nghiên cứu gần đây của đại học Minnesota, đại học North Carolina và đại học Zurich, thói quen của nhưng những bố mẹ trực thăng thậm chí còn có thể tác động tồi tề hơn đến con cái so với việc không cho con được học tập tử tế.

Nuôi con kiểu trực thăng: Bố mẹ đang quan tâm hay đang làm hại con? - Ảnh 2.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã mời 422 đứa trẻ 2 tuổi cùng mẹ của chúng đến phòng thí nghiệm để chơi với đồ chơi và sau đó bỏ chúng ra chỗ khác. Trong khi đó các nhà khoa học sẽ theo dõi xem các bà mẹ sẽ cố gắng giúp đỡ con mình tới mức độ nào. Ba năm sau đó, họ sẽ được mời quay trở lại phòng thí nghiệm để nghiên cứu tiếp. Lần này, những nhà nghiên cứu sẽ quan sát phản ứng của đứa trẻ khi được chia phần kẹo không công bằng so với những đứa trẻ khác và yêu cầu chúng giải một câu đố trong một khoảng thời gian giới hạn. Cuối cùng, họ sẽ theo dõi những đứa trẻ này khi chúng đến trường khi chúng ở độ tuổi 5 và 10 bằng cách hỏi giáo viên và bạn bè về hành vi cũng như thái độ của chúng.

Chắc bạn có thể đoán được rằng những đứa trẻ có mẹ kiểm soát và quan tâm nhiều hơn khi chúng 2 tuổi sẽ khó kiểm soát cảm xúc hơn khi lớn lên. Cũng từ nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng những đứa trẻ 5 tuổi không thể kiểm soát tốt cảm xúc và hành vi đều cho thấy kỹ năng xã hội kém cũng như thành tích học tập không tốt bằng những đứa trẻ bình thường.

Tiến sĩ Nicole Perry chia sẻ trên trờ The Guardian: "Để nuôi dưỡng cảm xúc và phát triển các kỹ năng kiểm soát hành vi, bố mẹ cần cho phép con của mình trải nghiệm đầy đủ tất cả những cung bậc cảm xúc và tạo ra một không gian để con có thể thực hành và cố gắng quản lý những cung bậc cảm xúc độc lập này đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ con khi chúng gặp phải vấn đề không thể tự giải quyết".

Nếu muốn con có thể phát triển toàn diện, đã đến lúc bạn phải từ bỏ phong cách dạy con này hoặc ít nhất là hạn chế sự quan tâm quá mức dành cho con. Hãy để con được tự do, được trải nghiệm những thứ mới và tự giải quyết vấn đề của riêng mình, đồng thời hãy để bản thân được nghỉ ngơi khi lúc nào cũng phải để mắt đến con. 

Theo Curiosity

Theo Diệu Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên