MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô nhiễm không khí nhìn từ góc độ kinh tế

Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn đối với người dân. Gần đây, chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp ở mức kém, ở ngưỡng cao của thang cảnh báo.

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
42 bài viết

Trong bối cảnh này, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí cần được triển khai ngay nhằm đạt hiệu quả giảm thải, cải thiện sức khỏe người dân, đồng thời bền vững và hiệu quả về kinh tế.

Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về một số nội dung liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm không khí và các chính sách kinh tế nhằm giảm thiểu một cách cơ bản và bền vững. 

PV: Gần đây, các số liệu quan trắc không khí cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở một số đô thị lớn đã vượt ngưỡng an toàn và nhiều thời điểm đã ở mức nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay. Các cảnh báo về tác động nguy hại đến sức khỏe đã được đưa ra. Vậy tác động của ô nhiễm không khí trên phương diện kinh tế thì sao thưa Giáo sư?

GS.TS Trần Thọ Đạt: Ô nhiễm không khí chính là một trong những rủi ro môi trường lớn nhất mà loài người phải đối mặt, đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội. Tác động rõ nhất và dễ nhìn thấy nhất của ô nhiễm không khí là đến sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới đã ước tính khoảng 4,5 tỷ người trên toàn thế giới bị phơi nhiễm với nồng độ vật chất hạt trong không khí (PM) cao gấp hai lần so với mức được cho là an toàn. Ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu tính toán số ca tử vong tăng lên do ô nhiễm PM10 từ giao thông còn lớn hơn cả số ca tử vong do tai nạn giao thông, hoặc khi hàm lượng PM10, PM2.5 tăng lên thì số ca nhập viện liên quan đến đường hô hấp của trẻ em tăng tương ứng.

Những tác động của việc hít thở không khí ô nhiễm không chỉ để lại hệ lụy về sức khỏe đơn thuần, mà cũng đã có những nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí làm giảm kỹ năng nhận thức và hiệu suất công việc người của người lao động. Nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Ô nhiễm ozon trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Một thủ đô, hay đô thị lớn, điểm du lịch của một đất nước nếu bị xếp hạng mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng thì khó có thể thu hút được khách du lịch và cả các nhà đầu tư.  

Cụ thể về lượng hóa được tác động về kinh tế của ô nhiễm không khí sẽ như thế nào, thưa ông?

Trong kinh tế học, ô nhiễm không khí được xem là một ngoại ứng tiêu cực, trong đó các công ty đưa ra các phương án sản xuất kinh doanh, nhưng đã không tính đến thiệt hại do phát thải gây ô nhiễm không khí và gây ra chi phí bên ngoài hệ thống thị trường, đến người dân. Nếu chính phủ không thực hiện các biện pháp gì thì rất nhiều người ngoài cuộc bị tổn hại bởi những chất ô nhiễm đó. Giống như khi ai đó hút thuốc, những người ngoài cuộc cũng bị ảnh hưởng, nhưng người hút thuốc không trả chi phí thiệt hại cho người hít phải khói thuốc.

Do phần lớn chi phí phát thải gây ô nhiễm không khí là kết quả của các tác động đến sức khỏe, cụ thể là đến tỷ lệ mắc bệnh và đặc biệt là tử vong, các nhà kinh tế đã sử dụng các mô hình, trong đó có thể lượng hóa bằng tiền các tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra và tính toán chi phí xã hội của việc, chẳng hạn, phát thải thêm một tấn (hoặc đơn vị khác) một loại chất ô nhiễm nhất định. Chi phí xã hội bằng tiền này sau đó được sử dụng để tính toán tổng thiệt hại bằng tiền do một lượng phát thải nhất định trong một khoảng thời gian gây ra. Ví dụ, ô nhiễm không khí chỉ do sản xuất năng lượng ở Mỹ đã gây ra thiệt hại ít nhất là 131 tỷ đô la trong năm 2011, so với con số này của năm 2002 là 175 tỷ đô la. Thiệt hại giảm đi này cho thấy sự thành công của các quy định phát thải nghiêm ngặt hơn đối với ngành năng lượng và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc phát thải các chất ô nhiễm không khí, đã được chứng minh là có hiệu quả ở Mỹ. Điều này cũng chứng tỏ bài toán ô nhiễm không khí là có lời giải nếu có chính sách phù hợp.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5-7% GDP hàng năm. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí ở nước ta đã tạo ra thiệt hại kinh tế khoảng 9,86-12,45 tỷ USD vào năm 2013 và tăng lên đáng kể những năm gần đây. Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2000 tỷ đồng/năm.

Ô nhiễm không khí nhìn từ góc độ kinh tế - Ảnh 1.

Hà Nội đang trong những ngày ô nhiễm nhất trong năm

Tác động của ô nhiễm không khí là đến tất cả mọi người, nhưng đến những nhóm người khác nhau liệu có giống nhau?

Chắc chắn là không giống nhau. Nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sẵn các bệnh lý mạn tính… Về lâu dài, mọi người đều bị ảnh hưởng cả. Về phạm vi chịu tác động của ô nhiễm không khí, người ở gần các khu vực có phát thải độc hại, gần trục đường giao thông lớn chịu ô nhiễm không khí nhiều hơn. Tác động ô nhiễm không khí cũng có sự bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập, đặc biệt dễ quan sát thấy ở các nước đang phát triển. Nhóm người thu nhập cao có khả năng tài chính mua thiết bị phòng ngừa, hạn chế độc hại từ hít thở không khí, có thời gian ở nhà và trong văn phòng tiện nghi nhiều hơn, trong khi người thu nhập thấp ít có điều kiện hơn. Một cuộc điều tra đã ước tính rằng nhóm người thu nhập cao dành 80% thời gian trong nhà, nơi chất lượng không khí tốt hơn nhiều so với ngoài trời. Sự phát triển của các phương tiện phòng ngừa ô nhiễm không khí trên thực tế đã mở rộng sự bất bình đẳng về môi trường giữa người nghèo và người giàu.

Trên phương diện quốc gia, giữa các nước khác nhau cũng có khoảng cách về bất bình đẳng về ô nhiễm không khí. Rõ ràng quốc gia nào cũng đều đồng thời có những mối quan tâm đến chất lượng không khí và môi trường, cũng như quan tâm đến thu nhập và tăng trưởng. Như vậy, tùy vào từng giai đoạn phát triển, mỗi nước có thể đưa ra các tiêu chuẩn không khí cần đáp ứng, một mức độ điều tiết cân đối tối ưu giữa tốc độ tăng trưởng và mức độ an toàn về không khí chấp nhận được. Chúng ta không thể đưa ra các quy định quá nghiêm ngặt về ô nhiễm không khí gây ra mức tổn hại quá lớn đến cơ hội tăng trưởng và việc làm trong nền kinh tế. Đồng thời, cũng không thể để tiêu chuẩn này ở mức quá thấp khiến thành quả của tăng trưởng có thể lại không bù đắp được tổn hại về điều trị các loại bệnh tật do bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Về lâu dài, khi khoảng cách thu nhập của các nước trên thế giới được thu hẹp thì cũng là lúc có thể thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về ô nhiễm không khí giữa các quốc gia.

Qua nghiên cứu, Giáo sư có thể cho biết một số kinh nghiệm các nước giải quyết vấn đề này?

Có khá nhiều kinh nghiệm từ các nước, ví dụ ở Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế đã rất quan tâm đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc trong thời kỳ Thế vận hội Olympic 2008, và họ yêu cầu phải cải thiện tình trạng này. Trong một khoảng thời gian thực sự ngắn, hơn một năm, rất nhiều quy định của chính phủ Trung Quốc liên quan đến việc giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm đã được thực hiện, mang đến một sự cải thiện rất ấn tượng. Chất lượng không khí trong Thế vận hội tốt hơn khoảng 30% so với năm trước đó. Các nhà khoa học khi đó đã có một nghiên cứu xem xét liệu cải thiện chất lượng không khí trong Thế vận hội có ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người hay không, và kết quả cho thấy đã có sự cải thiện lớn về sức khỏe người dân, ngay cả trong ngắn hạn: số người chết vì bệnh tim mạch và các bệnh về đường hô hấp giảm ngay.

Điều này không chỉ xảy ra ở Bắc Kinh mà còn thấy rõ ở các thành phố khác. Tuy nhiên, khoảng thời gian sau Thế vận hội, từ năm 2010 đến 2013, chất lượng không khí ở Trung Quốc lại xấu đi. Và đến năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm khởi xướng một cuộc chiến chống ô nhiễm không khí với các quy định rất chặt chẽ. Trong gần 6 năm qua, chất lượng không khí ở các thành phố phía bắc Trung Quốc vốn rất ô nhiễm, đã được cải thiện hơn 35%. Vì vậy, nếu so sánh Bắc Kinh ngay bây giờ với 6 năm trước, có thể thấy chất lượng không khí hiện tại thậm chí còn tốt hơn so với mức độ trong Thế vận hội Olympic.

Ông nhận định như thế nào về triển vọng cuộc chiến chống ô nhiễm không khí trên toàn cầu?

Phải thừa nhận chi phí giảm ô nhiễm không khí là rất cao, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, vốn đang phải nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng để thu hẹp khoảng cách về thu nhập với các nước khác. Tuy nhiên, về lâu dài, từ nỗ lực thực tế của một số nước, có thể hy vọng giảm được ô nhiễm khí thải để đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới trên toàn cầu nếu có sự quyết tâm, đồng thuận và nỗ lực của chính phủ các nước. Hiện tại có rất nhiều tổ chức phi chính phủ đã cố gắng công bố dữ liệu ô nhiễm và khí thải trực tuyến, cung cấp thông tin cho công chúng và từ đó tạo áp lực lên các cơ quan quản lý. Vì vậy, chúng ta hy vọng nếu có sự hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và công chúng thì có thể giải quyết được tốt hơn vấn đề này. Chính phủ các nước, tùy vào bối cảnh và chiến lược phát triển cụ thể của mình, cần triển khai cách thức hiệu quả kinh tế nhất để giải quyết tối ưu bài toán cân đối giữa yêu cầu cần đạt được của tăng trưởng kinh tế với mức độ chấp nhận được ở mức an toàn của ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí nhìn từ góc độ kinh tế - Ảnh 2.

GS. TS.Trần Thọ Đạt

Ông khuyến nghị các giải pháp chính sách cụ thể và cấp bách cần lưu ý thế nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí ?

Cũng giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa thường có sự chậm trễ tương đối trong các tiêu chuẩn môi trường, nước ta trong giai đoạn đầu tăng trưởng đã ưu tiên gia tăng nguồn lực sản xuất, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, hệ lụy là đã có nhiều dự án trả giá đắt về ô nhiễm môi trường.

Nhìn tổng thể, để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí. Ở nước ta các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí là do quá trình đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng cao, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến do các hoạt động chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn thường tăng cao vào giờ cao điểm do gia tăng các phương tiện giao thông, chẳng hạn từ 60% đến 70% bụi mịn là do ôtô, xe máy thải ra.

Việc càng có nhiều thông tin về những nguồn gây ô nhiễm, đối tượng phát thải, nơi phát thải thì sẽ càng có nhiều khả năng đưa ra các chính sách can thiệp có mục tiêu và được thiết kế tốt. Do ô nhiễm không khí trên phương diện kinh tế là một ngoại ứng tiêu cực nên các can thiệp của chính phủ là khá rõ ràng về nguyên tắc: đánh thuế nguồn phát thải và trợ cấp các đối tượng chịu thiệt. Tuy nhiên, các chính sách kinh tế cụ thể thì phải linh hoạt theo không gian và thời gian mới đạt được hiệu quả cao. Chẳng hạn, vào những khung giờ khác nhau có thể thu những mức thuế khác nhau đối với các phương tiện giao thông vào nội đô. Hay không nên áp dụng cùng một mức thuế phát thải trên quy mô toàn quốc vì chẳng hạn sản xuất điện đốt than của nhà máy nhiệt điện gần khu đông dân cư sẽ có tác động hơn nhiều lần so với khu vực ít dân cư. 

Chính quyền các cấp cần nhìn ngay vào các nguồn nguồn gây ô nhiễm không khí ở địa phương mình: do nhà máy, do phương tiện vận tải, hay do tiêu dùng than tổ ong, do đốt rơm rạ,…mà đề xuất hoặc triển khai các giải pháp cấp bách ngay hoặc cơ bản và lâu dài như: dừng sản xuất hay di chuyển nhà máy ra bên ngoài, phát triển phương tiện giao thông công cộng, thu phí phương tiện giao thông vào nội đô giờ cao điểm, trợ cấp giá điện cho khu vực dân cư nghèo đang dùng than tổ ong, trợ cấp cho nông dân tái chế rơm, trông thêm cây xanh,… 

Từ kinh nghiệm của nhiều nước, khác với các thất bại thị trường của biến đổi khí hậu (như nhiệt độ tăng, nước biển dâng gặp nhiều thách thức do cần có sự nỗ lực rất lớn ở quy mô toàn cầu), cuộc chiến chống ô nhiễm không khí hoàn toàn có thể mang lại kết quả tích cực nếu chính phủ một nước có quyết tâm cao và triển khai ngay các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí nhằm đạt hiệu quả giảm thải, cải thiện sức khỏe cộng đồng và đồng thời bền vững và hiệu quả về kinh tế.

Xin cảm ơn ông những chia sẻ của ông!


Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên