MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

OceanBank 3 lần mất thanh khoản, nặng nhất là năm 2015 chông chênh như con thuyền mất lái

31-08-2017 - 17:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Đó là lời khai trước tòa của bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc khối Nguồn vốn OceanBank khi được hỏi về việc ngân hàng Đại Dương có khi nào mất thanh khoản hay không.

Phiên tòa sáng ngày 31/8, các bị cáo nguyên là giám đốc khối của OceanBank được tòa gọi lên hỏi về việc chi lãi suất ngoài sai với quy định của Ngân hàng Nhà nước, thuộc hành vi cố ý làm trái như trong cáo trạng của VKS.

Bị cáo Nam nói làm việc tại OceanBank từ tháng 12/2008, lúc đó là trưởng phòng nguồn vốn, khối nguồn vốn. 2009 là Phó giám đốc khối nguồn vốn, 2010 là Giám đốc khối nguồn vốn. Nhiệm vụ chính của bị cáo là đảm bảo thanh khoản hệ thống và kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng.

Và theo bị cáo, OceanBank là ngân hàng có thanh khoản tốt, ngân hàng huy động 10 đồng thì chỉ cho vay ra 5-6 đồng, còn lại thì kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng.

Khi hội đồng xét xử hỏi có bao giờ OceanBank rơi vào tình trạng mất thanh khoản không?, bị cáo Nguyễn Hoài Nam nói rằng có 3 lần lớn.

Lần thứ nhất là thời điểm năm 2008, là khủng hoảng kinh tế. Năm 2011, khi OceanBank dừng chi ngoài từ tháng 9/2011-12/2011, lúc đó chỉ có tiền rút ra, anh chị em đã phải vật lộn nhưng chưa mất thanh khoản, khi lượng tiền rút chạm mức nguy hiểm thì ban điều hành buộc phải tiếp tục chi ngoài.

Lần thứ ba là năm 2015, khi tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu bị bắt, OceanBank chông chênh giống như con thuyền mất lái, là cuộc khủng hoảng nặng nề nhất. "Dân chúng kéo đến phòng giao dịch gây náo loạn, thậm chí đánh giao dịch viên" - bị cáo Nam khai.

Liên quan đến việc chi lãi ngoài của ngân hàng, Bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên kế toán trưởng OceanBank cũng khai trước tòa rằng, TCTD không thể tách rời huy động và cho vay, tạo ra lợi nhuận thì không thể nói là gây thiệt hại cho ngân hàng và đề nghị HĐXX xem xét lại tội trong điều 165 cho các anh em vì bị cáo không tư lợi.

Và theo bị cáo Nga, NHNN ra Thông tư 02 là cái phanh quá gấp, gây khó khăn cho các TCTD. "Nếu như HĐXX nhìn khách hàng đến rút tiền như rút ruột của mình thì mới hiểu được lúc ấy các bị cáo không còn làm cách nào khác, cơ quan chức năng lại tạo ra cái bẫy đẩy nhân viên ngân hàng mà các bị cáo vẫn gọi chung là tù nhân dự bị" - bị cáo Nga nói.

Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch OceanBank khi được tòa gọi hỏi về việc chi lãi ngoài thì trả lời rằng nếu không hành động như vậy OceanBank sẽ bị tê liệt.

"Trong cáo trạng có nêu hoạt động chi ngoài lãi suất của OceanBank ảnh hưởng đến chính sách điều hành của NHNN, bị cáo không đồng ý. Lúc đó NHNN có thành lập nhóm G14, OceanBank không được tham gia. Lúc đó bị cáo mới biết G14 nắm 80% tổng huy động vốn, OceanBank không nằm trong nhóm này, chỉ nằm trong nhóm nắm 20% còn lại nên dù OceanBank có làm gì cũng không ảnh hưởng tới huy động vốn của thị trường Thống đốc cũng chỉ đạo không vượt trần với hội G14. Một số ngân hàng bị công bố chi vượt trần thì một số giám đốc chi nhánh bị phạt cách chức 2, 3 năm. Với ngân hàng nhỏ như OceanBank thì không những không làm ảnh hưởng thị trường mà ngược lại, bị ảnh hưởng theo" - Thắm khai.

Bị cáo Thắm còn nói thêm rằng, ngân hàng đi đêm với khách hàng là phản ứng phụ của liều thuốc chống lạm phát. Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng đổ bể, có lúc bị cáo có ra chỉ thị dừng chi lãi ngoài nhưng sau đó ngân hàng gần như bị tê liệt, bị cáo làm như vậy là giữ chính sách tiền tệ chứ không phải phá như cáo trạng.

Kim Tiền - Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên