MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ôm cổ phiếu Petrolimex từ OTC, "tạm lãi" rất đậm, nhà đầu tư sẽ bán được cổ phiếu này giá cao khi niêm yết?

Tranh mua cổ phiếu ngày mai, có thể bạn sẽ lãi lớn nhưng cũng có thể, bạn đang "đổ vỏ" cho những người đã "ăn ốc" từ trước đây.

Doanh nghiệp số 1 ngành xăng dầu sẽ niêm yết ngày mai, 21/4

Ngày mai 21/4/2017, 1,29 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức chào sàn HOSE. Với giá niêm yết 43.200 đồng/cp, vốn hoá PLX sẽ đạt 55.890 tỷ đồng, và lọt vào top 10 cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất 3 thị trường chứng khoán hiện nay.

Sự kiện PLX chào sàn có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung đang có những dấu hiệu suy yếu, và kỳ vọng vào việc tăng giá của một cổ phiếu siêu bluechips sẽ giúp thị trường trụ vững và đi lên, bên cạnh đó nó cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của những nhà đầu tư đã mua trước cổ phiếu PLX từ trên sàn OTC.

Chính những ý nghĩa đó, Petrolimex trở thành một hiện tượng trên thị trường niêm yết trong năm nay. Được nhà đầu tư quan tâm lớn.

Nhìn lại biến động giá cổ phiếu Petrolimex từ thuở IPO

Còn nhớ hồi cuối tháng 7/2011, Petrolimex thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng 27,4 triệu đơn vị, giá bình quân 15.000 đồng/cp.

Trong một thời gian dài kể từ sau cổ phần hóa, thị giá cổ phiếu Petrolimex hầu như đi ngang mức 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, những giao dịch này rất ít, chưa có cơ sở coi đó là giá giao dịch cổ phiếu PLX.

Mãi đến năm 2016, sau 5 năm cổ phần hóa, cổ phiếu PLX của Petrolimex bắt đầu giao dịch mạnh nhờ kế hoạch rục rịch niêm yết. Trên sàn OTC, do nhiều nhà đầu tư muốn "đón đầu" cổ phiếu PLX trước khi chào sàn HOSE chính thức, kỳ vọng sẽ cổ phiếu này sẽ tăng trần mấy phiên đầu nên giá cổ phiếu Petrolimex đã được đẩy lên mức xấp xỉ 50.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, chỉ chưa đầy một năm, giá cổ phiếu Petrolimex đã tăng hơn gấp đôi.

Chào sàn niêm yết cùng số liệu đẹp chưa từng thấy

Để chuẩn bị cho công tác lên sàn HOSE, năm 2016 công ty tung ra báo cáo kết quả kinh doanh lãi kỷ lục, theo đó Petrolimex đạt 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2.000 tỷ đồng (49%) so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 5.166 tỷ đồng, tăng 50% so với 2015. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 4.665 tỷ đồng, tương ứng với EPS đạt 4.050 đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của tập đoàn này.

Cùng với đó, PLX cũng đề xuất một phương án chi trả cổ tức rất ấn tượng chưa từng thấy trong lịch sử PLX lên đến 32,24% bằng tiền mặt. Điều này đồng nghĩa với việc PLX sẽ phải chi ra hơn 3600 tỷ đồng, chiếm 78% lợi nhuận của PLX.

Tuy nhiên, những người cẩn trọng đã cảm thấy có băn khoăn khi lợi nhuận của công ty tăng cao không kèm theo việc tăng doanh thu. Và họ cũng nhận thấy, từ một doanh nghiệp bình thường, Petrolimex như thể biến thành thiên nga cho năm 2016. Nhìn lại kết quả kinh doanh những năm trước đó, nhiều người lo ngại rằng, chú chim thiên nga đó có thể chỉ đẹp ở bộ lông mới sắm.

Giai đoạn 2011-2016, KQKD của Tập đoàn có nhiều biến động, đặc biệt là trong giai đoạn 2014-2016, với diễn biến doanh thu giảm mạnh CAGR = -23.8%, trong khi lợi nhuận thuần tăng mạnh lên gấp 25 lần. Doanh thu đi xuống, trong khi lợi nhuận cải thiện mạnh mẽ nhờ những quy định chính sách liên quan đến giá bán xăng dầu của Nghị định 83/2014.

Riêng trong năm 2016, Tập đoàn ghi nhận doanh thu sụt giảm 17% yoy trong khi lợi nhuận tăng trưởng 68% yoy.

Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận tăng trong khi doanh thu giảm: (1) giá vốn hàng bán giảm tốc độ cao hơn doanh thu (tức là giá bán) khiến lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 8,7% lên đến 11,5% (so với cùng kỳ năm trước tại thời điểm 31/12/2016), trong khi doanh thu tài chính của tập đoàn này đạt 935 tỷ đồng trong cả năm 2016, tăng 16,7% so với năm trước. (2) chi phí tài chính giảm đáng kể do rủi ro tỷ giá thấp hơn năm 2015. Chi phí tài chính giảm 66% cả năm, chỉ ở mức 875 tỷ so với mức hơn 2.577 tỷ của năm 2015. Năm 2015 công ty hạch toán khoản lỗ tỷ giá lên tới hơn 1.075 tỷ đồng trong khi năm nay con số này chỉ ở mức 276 tỷ.

Tình hình tỷ giá thuận lợi trong 2016 giúp công ty tiết kiệm được 800 tỷ so với 2015. Nếu loại trừ ảnh hưởng của chi phí tài chính, tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi của PLX trong năm 2016 chỉ đạt 9,5% yoy.

Đầu tư dài trải và ngoài ngành

Tính đến cuối năm 2016, PLX có 70 công ty con, 1 công ty liên doanh và 12 công ty liên kết.

Theo báo cáo thanh tra chính phủ năm 2016, thì PLX thực hiện tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty CP Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng vốn kinh doanh 231,9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với Nghị quyết của HĐQT.

Petrolimex còn ủy thác cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án 414,6 tỷ đồng từ vốn chiếm dụng trong thanh toán, chưa bố trí được nguồn vốn cho đầu tư xây dựng. Chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Một số khoản đầu tư của Công ty mẹ hiệu quả thấp: Đầu tư 178,5 tỷ đồng vào Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex và Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả; đầu tư 38,8 tỷ đồng vào Công ty CP Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN và CTCP Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức…

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ vi phạm nghiêm trọng trong việc hợp tác đầu tư tại Công ty Vipco; Công ty Xăng dầu Khu vực III và Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 360 m2 đất trái thẩm quyền, làm phát sinh công nợ 540 triệu đồng, nguy cơ mất vốn.

Cũng theo báo cáo này, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Trong đó, có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định, như việc rót thêm 400 tỷ đồng vào PG Bank, hơn 171 tỷ đồng vào bảo hiểm hay đầu tư 51 tỷ đồng vào bất động sản không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó Tập đoàn này còn sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh hơn 646 tỷ đồng, cho các đơn vị thành viên vay dài hạn. Petrolimex cũng có một số khoản đầu tư vào các DN khác cũng có nguy cơ thua lỗ và mất vốn

Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng

Trên thị trường xăng dầu hiện nay, Petrolimex đang giữ vị thế số 1, với thị phần khoảng 48-50%, hệ thống kho cảng 2,2 triệu m3, đường ống vận chuyển xăng dầu 570km, là đơn vị duy nhất có kho ngoại quan tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn.

Nếu so với năm 2010 thì Petrolimex đã dần co hẹp thị phần từ mức 54-55% trong năm 2010 về mức 48% hiện nay.

Petrolimex hiện có hơn 5.200 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên tổng số 14.000 cửa hàng xăng dầu của cả nước.

Mặc dù vậy, nếu so với năm 2010 thì Petrolimex đã dần co hẹp thị phần từ mức 54-55% trong năm 2010 về mức 48% hiện nay.

Bênh cạnh đó, Nhà máy Nghi Sơn hoạt động kéo theo sự tham gia của CT TNHH Xăng Dầu Idemitsu Q8, là liên doanh 50-50 giữa Kuwwait Petroleum International (KPI) và Idemitsu Kosan, 2 cổ đông lớn đang cùng nhau nắm giữ 70,2% dự án lọc dầu Nghi Sơn. Idemitsu sẽ là liên doanh nước ngoài đầu tiên được phép tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu.

PV Oil, đối thủ lớn nhất của Petrolimex cũng đang có tham vọng bành trướng trong tương lai khi muốn tăng thị phần lên tới 35% trong vòng 5 năm tới thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập.

Hoàng Đức Tân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên