MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ôm mộng lớn nhưng vì đâu Khải Toàn đành buông VNE sau 2 năm?

27-03-2017 - 10:20 AM | Doanh nghiệp

Mua vốn VNE từ SCIC, Khải Toàn đã có rất nhiều dự định. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đầu tư thì đành phải ngậm ngùi rời bỏ.

Bức tranh đẹp trước khi SCIC thoái vốn

Hưởng lợi từ nhu cầu sử dụng điện tăng cao từ quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam, Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (HOSE: VNE) đã có những năm tháng thăng hoa nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng điện.

Trong suốt giai đoạn 2010-2015, doanh thu của VNE đã có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Đặc biệt, trong năm 2014, trước khi SCIC quyết định thoái vốn, VNE đã có sự nhảy vọt về lợi nhuận tăng gấp 4 lần năm 2013.


Nguồn: BCTC VNE

Nguồn: BCTC VNE

Hoạt động kinh doanh khá thuận lợi, sở hữu một số dự án bất động sản tiềm năng, không lạ khi các nhà đầu tư tìm đến VNE. Và ngay khi SCIC thoái toàn bộ gần 30% vốn tại VNE vào đầu năm 2015, các nhà đầu tư đã rót vốn mua cổ phần mặc dù đó không phải là thời điểm mà thị trường chứng khoán có sức hút như bây giờ.

Bên mua gồm có CTCP Khải Toàn đã mua gần 11 triệu cổ phiếu VNE, tương đương với tỷ lệ 17.17% vốn và CTCP Bảo Phước đã mua gần 8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 12.48%. Ngoài ra, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cũng mua 7.89% vốn và PYN ELITE FUND cũng liên tục mua vào để nâng sở hữu lên 8.76% vốn VNE.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm đầu tư vào Công ty này, dường như các nhà đầu tư đã tính toán sai.

Nhiều bất cập cùng lộ diện

Sau khi đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong 2 năm 2014-2015, kết quả kinh doanh năm 2016 sau kiểm toán của VNE đột ngột sụt giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ VNE đã giảm 93 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 90% so với năm 2015.

Hơn nữa, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán đã bốc hơi thêm 4,2 tỷ đồng so với con số tự lập, giảm xuống chỉ còn 10 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 7 năm kể từ 2009 của VNE.

Với kết quả kinh doanh bết bát trong năm 2016, VNE không chỉ quản lý kém hiệu quả tại các khoản đầu tư liên doanh liên kết mà dường như, VNE đã ‘ném tiền qua cửa sổ’thông qua quyết định đầu tư của mình trong thời gian trước đó.

Sau khi SCIC thoái vốn thì trên báo cáo tài chính hợp nhất cuối năm 2015 đã bắt đầu xuất hiện những khoản nợ xấu lớn.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015 của VNE cho thấy khoản phải thu đã tăng lên 755 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Và đến báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2015, VNE đã xuất hiện khoản nợ xấu lên đến 351 tỷ đồng. Con số này đến báo cáo kiểm toán năm 2016 là 332 tỷ đồng, chiếm hơn ½ vốn cổ phần. Bên cạnh đó, VNE cũng còn những khoản phải thu 263 tỷ đồng.


Nợ xấu - Nguồn: BCTC Kiểm toán VNE năm 2016

Nợ xấu - Nguồn: BCTC Kiểm toán VNE năm 2016

Trong đó, có những khoản trả trước có giá trị lớn và đổi lại là các giấy tờ quyền sử dụng đất mà trong báo cáo kiểm toán năm 2016, kiểm toán viên của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra ý kiến ngoại trừ như sau: “Như trình bày tại thuyết minh báo cáo tài chính số 6 và số 8, VNE đang nắm giữ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng của những BĐS có giá trị làm tài sản đảm bảo, tuy nhiên chúng tôi không đủ cơ sở để định giá giá trị khối tài sản đảm bảo này so với khoản nợ gốc đang thu hồi.”

Giải trình vấn đề này, VNE cho rằng Công ty đang nắm giữ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng của nhiều bất động sản có giá trị tại Trung tâm Tp. HCM để làm đảm bảo cho khoản tiền đã ứng, liên quan đến giao dịch mua các bất động sản này. Trong phạm vi của một cuộc kiểm toán thông thường, Kiểm toán viên không thể xác định giá trị trường của khối BĐS này có giá bao nhiêu nên đã đưa ra ý kiến nêu trên.

Dù vậy, liệu rằng các BĐS mà VNE nêu ra có đủ để bù đắp các khoản nợ gốc đang thu hồi ?


Các khoản phải thu - Nguồn: BCTC Kiểm toán VNE năm 2016

Các khoản phải thu - Nguồn: BCTC Kiểm toán VNE năm 2016

Ngậm ngùi rời khỏi VNE

Còn nhớ sau khi Khải Toàn nắm phần lớn vốn cổ phần tại VNE ít lâu thì đến ngày 25/05/2015, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, ông Đặng Trọng Ngôn, Chủ Tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Khải Toàn đã nắm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Khi đó, ông Đặng Trọng Ngôn đã nói rằng quyết định đầu tư vào Tổng CTCP Xây Dựng Điện Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển dài hạn và tầm nhìn của Khải Toàn trong định hướng trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á về sản xuất, kinh doanh thiết bị điện và bất động sản.

Được biết, Khải Toàn là doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm thiết bị điện như nhóm sản phẩm cơ điện trong một dự án xây dựng, từ ống luồn dây điện, thiết bị điện (ổ cắm, tủ điện, thiết bị chiếu sáng…) đến thang máy cáp điện, đồ gia dụng…Do đó, đầu tư vào một doanh nghiệp xây lắp công trình điện như VNE dường như là cơ hội tốt để Khải Toàn mở rộng thị trường cung cấp thiết bị điện công nghiệp.

Tuy nhiên, theo như giải trình của VNE về lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2016, nguyên nhân có liên quan đến việc các đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị chậm cung ứng vật tư. Phải chăng, điều này có liên quan đến việc Khải Toàn đã tính đường rút khỏi VNE kể từ năm 2016?

Thực tế thì Khải Toàn đã cùng với CTCP Bảo Phước đăng ký bán ra hơn 6,2 triệu cổ phần VNE từ tháng 7/2016, chỉ bán được vỏn vẹn 815 ngàn cổ phiếu trong số 6,2 triệu đăng ký bán. Đến tháng 10/2016, Khải Toàn đã bán thêm 3 triệu cổ phiếu VNE.

Mặt khác, khi đầu tư vào VNE, Khải Toàn cũng nhắm đến việc phát triển các bất động sản của VNE sở hữu. Thế nhưng, hầu hết các dự án Bất động sản của VNE mặc dù có từ rất sớm song triển khai rất chậm. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là dự án Khu đô thị mới Mỹ Thượng - Huế đang nằm dở dang và sẽ hết hạn đầu tư vào năm 2017.


Tài sản dở dang dài hạn (Nguồn: BCTC Kiểm toán VNE năm 2016)

Tài sản dở dang dài hạn (Nguồn: BCTC Kiểm toán VNE năm 2016)

Ngoài ra, dự án căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại tại Sơn Trà đến nay vẫn chưa được phép mở bán. Sau những lùm xùm bất động sản tại Đà Nẵng, thì giữa tháng 2/2017, UBND TP này đã ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án không được phép tổ chức chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, căn hộ dưới mọi hình thức cho người dân khi dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý về quy hoạch, đất đai, nhà ở nhằm chấn chỉnh việc giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, căn hộ trên địa bàn thành phố.


Tài sản dở dang dài hạn tiếp theo (Nguồn: BCTC Kiểm toán VNE năm 2016)

Tài sản dở dang dài hạn tiếp theo (Nguồn: BCTC Kiểm toán VNE năm 2016)

Trong khi đó, sau 1 năm lao dốc kể từ khi công bố các khoản nợ xấu. Cổ phiếu VNE đã có sự phục hồi 'thần kỳ' kể từ tháng 12/2016. Những tưởng, VNE đã có những chuyển biến tích cực hơn trong việc thu hồi nợ và triển khai các dự án đã phản ánh đến giá cổ phiếu.

Thế nhưng, những thông tin mới đây lại không ủng hộ điều đó. Chưa đầy 2 năm tại vị, ngày 23/3/2017, ông Đặng Trọng Ngôn đã có đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch và thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.

Tiếp đó, CTCP Khải Toàn cũng thông báo sẽ bán ra toàn bộ hơn 11,45 triệu cổ phần VNE trong khoảng thời gian từ 29/3 đến 27/4/2017. Mục đích thoái vốn Khải Toàn đưa ra để cơ cấu danh mục đầu tư.

Theo Hoàng Trung

Người đồng hành

Trở lên trên