MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ông chủ” chuỗi FoodcoMart chuẩn bị IPO, đấu giá 33% vốn

12-07-2016 - 09:08 AM | Doanh nghiệp

Với 38 cửa hàng tiện ích, doanh số bán bình quân 50 tỷ đồng/tháng, hệ thống FoodcoMart là một trong các chuỗi siêu thị lớn tại Tp.HCM. Ngoài chuỗi này, Food.cosa còn quản lý quỹ đất lớn. Một số dự án bất động sản dự kiến được hợp tác triển khai với đơn vị khác.

Theo thông báo từ Sở GDCK Tp.HCM, Công ty TNHH MTV Lương thực Tp.HCM (Foodcosa) sẽ tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào ngày 15/7/2016.

Sau khi thực hiện cổ phần hóa, vốn điều lệ của Foodcosa dự kiến là 294,5 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước, CTCP Lương thực miền Nam (Vinafood II) sẽ nắm giữ 65% vốn, tương đương 19,1 triệu cổ phần. Cùng với đó, 595.600 cổ phiếu, tương đương hơn 2% vốn sẽ được sử dụng để bán ưu đãi cho CBCNV. Số cổ phần bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong nước là 9,71 triệu cổ phần, tương ứng 32,978%, trong đó bao gồm 22% chào bán cho NĐT chiến lược và 10,978% vốn chào bán đấu giá.

Mặc dù, Foodcosa không đấu giá trọn lô số cổ phần này nhưng khá bất ngờ khi CTCP Đầu tư SFC đã chào mua công khai toàn bộ lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp này đấu giá công khai. Với mức giá khởi điểm 12.000 đồng/cp, tổ chức này phải chi ra tối thiểu hơn 116,5 tỷ đồng.

Đầu tư SFC có trụ sở đặt tại Tp. Hồ Chí Minh với vốn điều lệ hiện đạt 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, các tiêu chí đề ra đối với cổ đông chiến lược khá ngặt nghèo như doanh thu xuất khẩu trực tiếp 03 năm gần nhất tối thiểu 1.500 tỷ đồng, không lỗ lũy kế , không có nợ xấu,.. SFC khó có thể đạt được các tiêu chí để có thể tham gia mua 22% vốn của NĐT chiến lược.

Xét về tài sản chìm và nổi, Foodcosa cũng có thể coi là một doanh nghiệp nhà nước khá hấp dẫn. Công ty này đang hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu gạo, hiện đang sở hữu chuỗi cửa hàng FoodcoMart cùng với đó là quỹ đất rộng lớn được thuê lại với thời hạn một số mảnh lên tới 50 năm. Quyết định nhận sáp nhập một công ty thua lỗ vào năm 2013 đã khiến Foodcosa nặng gánh lỗ lũy kế. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, nhờ đánh giá lại tài sản, vốn điều lệ của công ty đã giảm từ gần 340 tỷ đồng xuống còn 294,5 tỷ đồng.

Kho tài sản "khủng" của Foodcosa

Foodcosa được thành lập năm 1980, theo quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động mang về nhiều doanh thu nhất cho doanh nghiệp này là thu mua, chế biến mặt hàng gạo rồi xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Foodcosa là Malaysia, Indonesia, Philippine, Trung Quốc. Sau ba năm liên tiếp gặp nhiều khó khăn do áp lực cạnh tranh gay gắt, Foodcosa cho biết xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam có khởi sắc hơn trong những tháng đầu tiên của năm 2016 nhờ lượng tồn kho thấp và hợp đồng thương mại còn nhiều và tác động tiêu cực của ElNino. Hiện Công ty có 7 xí nghiệp lương thực với tổng công suất thiết bị 412.000 tấn/năm.


Doanh thu ngàn tỷ nhưng khoản lợi nhuận Foodcosa thu về vẫn rất khiêm tốn

Doanh thu ngàn tỷ nhưng khoản lợi nhuận Foodcosa thu về vẫn rất khiêm tốn

Cùng với đó, Foodcosa đang quản lý hệ thống FoodcoMart gồm 38 cửa hàng tiện ích trải dài khắp quận, huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh và 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Cùng với Co-op Mart , Big C, FoodcoMart cũng là một trong những hệ thống bán lẻ hàng đầu thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, con số lại mà Focosa thu về hàng năm lại khá khiêm tốn. Kết quả kinh doanh năm 2015 "khởi sắc" nhất, nhưng cũng chỉ đạt vỏn vẹn gần 7,5 tỷ đồng. Riêng năm 2014, do sáp nhập nên doanh nghiệp này phải báo lỗ.

Cụ thể, tổng số cơ sở nhà đất công ty đang quản lý và sử dụng là 79 cơ sở với tổng diện tích gần 27,7 ha. Trong đó, hơn 17,1 ha gồm 67 thửa đất thuê trả tiền hàng năm, 3,56 ha đất được giao có thu tiền sử dụng đất tại quận 6 và quận 8; 2,58ha đất trả địa phương, 500,5 m2 đất thuộc loại bán tài sản trên đất và chuyển quyền sử dụng đất, 3ha chuyển quyền thuê đất cho ngƣời mua tiếp tục thuê và 1,35 ha đất đang chờ xử lý.

“Gánh” Bình Tây, chịu lỗ 103 tỷ đồng

Hai khu đất có diện tích 3,56 ha được giao có thu tiền sử dụng đất gồm hai thửa tại quận 6 và quận 8 dự kiến sẽ hợp tác kinh doanh để xây dựng dự án BĐS. Trong đó, dự án tại 1610 Võ Văn Kiệt, P7, Q6, TP.HCM với diện tích 2,17 ha dự kiến hợp tác với Nguyễn Kim, triển khai dự án Nhà ở cao tầng, kết hợp với thương mại dịch vụ; dự án 400 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8, TP.HCM với diện tích 1,4 ha hợp tác với Bến Thành Land.

Hai khu đất này cùng một số khu đất khác thuộc sở hữu của Foodcosa liên quan ít nhiều đến Công ty TNHH Bình Tây, một đơn vị mà Foodcosa chấp nhận sáp nhập vào cuối năm 2013 theo quyết định của Vinafood II (công ty mẹ của Foodcosa). Chính việc sáp nhập này đã khiến công ty phải “gánh” về khoản lỗ 106 tỷ đồng lỗ lũy kếcủa Bình Tây dẫn đến kết quả Công ty lỗ hơn 70,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế tổng cộng 177 tỷ đồng.

Được biết, thời điểm 30/9/2013 Bình Tây lỗ lũy kế là 87,8 tỷ đồng và lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính, không có năng lực để trả các khoản nợ vay ngân hàng khi đáo hạn. Foodcosa với tư cách bên nhận sáp nhập phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Bình Tây.

Tính đến thời điểm hiện tại, lỗ lũy kế của Foodcosa gần 170 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty bị ăn mòn, bởi vậy giảm vốn chủ sở hữu xuống còn 192,3 tỷ đồng. Nợ vay của doanh nghiệp này hiện chiếm 58% nguồn vốn. Các khoản vay này chủ yếu nhằm bổ sung vốn kinh doanh, vốn lưu động, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên