MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đào Hồng Tuyển lấy tiền đâu làm siêu đô thị 65.000 tỷ đồng ở Củ Chi?

15-03-2017 - 08:41 AM | Bất động sản

"Đừng lo là không có tiền đầu tư, chỉ sợ chúng ta có ý tưởng dự án quá tồi. Như đã báo cáo lên Tp.HCM, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn, nhân lực để triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra sau khi nhận được chủ trương đầu tư và bàn giao đất".

Đó là chia sẻ của ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu với chúng tôi trong một cuộc trao đổi mới đây. Gần đây, thông tin về tập đoàn Tuần Châu đề xuất đầu tư một siêu dự án gồm Đại lộ ven sông dài 59km nối quận 1 với Củ Chi, khu đô thị mới ở Củ Chi, Sài Gòn Marina ở Cần Giờ,...có tổng mức đầu tư lên tới 65.000 tỷ.

Siêu dự án tại Tp.HCM do Tuần Châu đang đề xuất nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới chuyên môn, người dân. Để hiểu rõ hơn về kế hoạch này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu:

Thưa ông, vì sao Tuần Châu lại có sự chuyển hướng đầu tư vào TP.HCM và hiện tại dự án này đã được triển khai được những gì?

Tôi có chuyển hướng đầu tư gì đâu, đó là các lãnh đạo TP.HCM đích thân mời tôi vào đấy chứ! Ban đầu, lãnh đạo thành phố mong muốn chúng tôi hiến kế để nơi này có những dự án đầu tư hiệu quả, tạo điểm nhấn cho thành phố ngày một hiện đại.

Sau một thời gian cân nhắc, chúng tôi đã lập tức bắt tay vào xây dựng đề xuất nghiên cứu dự án với 5 công ty tư vấn hàng đầu thế giới, 25 chuyên gia nghiên cứu, 9 đoàn bay flycam và 10 kiến trúc sư giỏi nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã trải qua 10 ngày đêm mất ngủ, riêng tôi đã trải qua 7 ngày không ngủ để tìm ra những điều tốt nhất đưa vào bản thiết kế.

Còn vì sao chúng tôi lại chọn Củ Chi và Cần Giờ để khảo sát, nghiên cứu đầu tư? Bởi đây là hai vùng đất cuối cùng còn lại có diện tích lớn của TP.HCM, có thể phát triển được những khu đô thị quy mô. Hai địa phương vẫn còn nghèo sau khi trải qua hàng chục năm chiến tranh.

Do vậy, chúng tôi muốn hiến kế cho TP.HCM những ý tưởng sáng tạo mới nhất để biến nơi đây thành một siêu đô thị. Chúng tôi cũng giống như hàng trăm, hàng nghìn nhà đầu tư khác muốn đầu tư vào thành phố, nhưng tôi sẽ đi sâu hơn từ những kinh nghiệm thực tiễn của mình.

Chỉ trong 10 ngày thức trắng để làm thiết kế, như vậy có quá vội vã so với một siêu dự án như thế này không thưa ông?

Thực ra có phải bây giờ chúng tôi mới bắt đầu dự án này đâu mà ý tưởng đã hình thành từ rất lâu. Tuy nhiên, khi nhận được lời mời của lãnh đạo TP.HCM, sau đó chúng tôi gửi một tâm thư thay lời đề xuất đến lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố về mong muốn phát triển các dự án như thế.

Ngay sau khi nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương cho lập đề xuất dự án, chúng tôi lập tức nghiên cứu để hoàn thiện những gì đã có, từ những chi tiết nhỏ nhất để trình thành phố bản thiết kế này. Đã trình các cấp lãnh đạo Trung ương và TP.HCM thì mọi thứ phải hết sức rõ ràng, minh bạch và chuẩn đến từng con số.

Tuy nhiên, dư luận nhiều ngày qua vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của siêu dự án này, đặc biệt quá trình đền bù giải toả. Vậy ông nói gì về điều này?

Trước hết, khi thành phố mời thì chúng tôi vào với một bản thiết kế được coi là khá chỉnh chu nhờ tận dụng được chất xám của một đội ngũ chuyên gia làm việc không kể ngày đêm. Bài toán mà thành phố đặt hàng là làm sao không phải thực hiện đền bù giải toả nhiều mà đẩy nhanh tiến độ thi công, bởi chúng ta không thể di dời hàng nghìn hộ dân đang sinh sống ở đây được.

Để làm một đoạn đường với hàng chục căn nhà, nhiều khi chúng tôi đã phải mất đến hàng chục năm, nên với trường hợp dự án ở Củ Chi và Cần Giờ có thể nói là không tưởng trong việc di dời giải toả.

Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã đưa ra giải pháp, đó là tại sao chúng ta không xây dựng những dự án như ở Hàn Quốc, Ý, Canada... đã làm. Sông Sài Gòn đẹp như vậy mà không có một đại lộ ven sông như những nước phát triển là chúng ta đã bỏ qua những tiềm năng quá lớn này. Phương án tránh tối đa đền bù, giải toả là phải xây dựng tuyến đường này trên mặt nước, chỗ nào tắc thì làm trên cạn. Trong phương án đầu tư đề xuất, tiền đền bù giải toả là từ ngân sách thành phố nhưng nay chúng tôi sẽ dùng tiền của mình để thực hiện luôn để rút ngắn thời gian.

Theo tính toán của chúng tôi tổng mức đầu tư cho dự án đại lộ ven sông Sài Gòn là khoảng 1,2 tỷ USD. Tôi khẳng định rằng ngay sau khi dự án này hoàn thành thì hơn 15.000ha đất của Cần Giờ và Củ Chi sẽ đạt giá trị gia tăng cao nhất, TP.HCM có thể thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Vậy về tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng cho các dự án theo đề xuất của ông sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?

Tôi cũng nói thêm rằng, không chỉ có những dự án đã được đề xuất với lãnh đạo TP.HCM, chúng tôi còn đang tính đến chiến lược xây dựng thêm dự án cầu Bình Khánh nối TP.HCM với Cần Giờ để tối ưu hoá giá trị gia tăng khu vực này.

Chúng ta chỉ sợ không có ý tưởng tốt chứ đừng lo là không có tiền đầu tư. Với tổng tài sản hiện tại của tập đoàn Tuần Châu trị giá hàng tỷ USD, tổng nợ chỉ chiếm 1%, chúng tôi có nguồn tài chính ổn định. Cho đến thời điểm hiện nay, đã có một số ngân hàng ký cam kết tài trợ, góp vốn đầu tư trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, hai tập đoàn thép và xi măng lớn cũng vừa ký cam kết tại trợ hàng triệu tấn thép, xi măng trị giá hàng chục nghìn tỷ.

Chúng tôi cũng đã thành lập 3 công ty cổ phần gồm nhiều đối tác để chuẩn bị làm dự án. Thời gian qua cũng đã có một số tập đoàn tài chính nước ngoài ngỏ ý hợp tác với chúng tôi. Theo tính toán ban đầu, nguồn vốn để thực hiện siêu dự án này đến nay đã vượt con số 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng trước giờ Tuần Châu có một số dự án quy mô lớn nhưng triển khai kéo dài, với 15.000ha đất này ông sẽ mất bao nhiêu lâu?

Tôi xin khẳng định lại là trong tương lai TP.HCM sẽ có hơn 15.000ha đất giá trị gia tăng, chứ không phải tôi đầu tư vào hết diện tích đất này. Chưa có một văn bản nào nói chúng tôi sẽ đầu tư dự án trên 15.000ha đất này.

Nếu sau khi xây xong cầu, nhà nước cho phép thu phí thì thôi, còn nếu trong trường hợp đổi đất thì chúng tôi sẽ xin làm dự án tại Củ Chi và Cần Giờ mới sử dụng hết lượng vốn trên, vì vậy mà đã có những bản phác thảo trình lãnh đạo thành phố.

Sau này, dựa trên bản thiết kế đề xuất, thành phố có thể kêu gọi đầu tư, giao cho ai làm gì đều phù hợp với quy hoạch đề ra. Trọng tâm của chúng tôi là đầu tư xây dựng con đường, sau này nhà nước có thể cho thu phí hoặc đổi đất tại Củ Chi và Cần Giờ để phát triển các dự án khác.

Được biết, Tuần Châu cũng đã triển khai nhiều dự án ở phía Bắc, trong đó có dự án Tuần Châu Hà Nội mất tới 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Lý do tại sao, thưa ông?

Sự chậm trễ này có phải do chúng tôi đâu! Căn nguyên của mọi vấn đề xuất phát từ câu chuyện quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Sau khi sáp nhập Hà Tây về Thủ đô, chúng tôi phải chờ đợi ròng rã gần 5 năm để thực hiện một loạt các điều chỉnh quy hoạch của thành phố, quy hoạch lại dự án...

Chẳng hạn như, sau khi Hà Tây trở thành Hà Nội mở rộng, một phần dự án của chúng tôi lại được quy hoạch làm vành đai xanh, chúng tôi phải gõ cửa từng nơi một để xin điều chỉnh quy hoạch.

Ngày 11/3, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1668/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các lô đất HT3, CX7 đến CX10, MN3 đến MN6, CV3 và CV4 tại khu A của dự án này. Từ đây, chúng tôi sẽ dốc nguồn lực để hoàn thành dự án, dự kiến ngày 30/4 tới sẽ đưa vào hoạt động một phần.

Xin cám ơn ông!

Đăng Khải (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên