MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Dương Công Minh - Doanh nhân tuổi Tý nổi bật giới ngân hàng

26-01-2020 - 10:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Nổi danh từ bất động sản nhưng ông Dương Công Minh ngày càng để lại những dấu ấn sâu đậm trên thị trường tài chính - ngân hàng.

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 (Canh Tý) tại Bắc Ninh, là Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank – ngân hàng niêm yết lớn thứ 4 trong hệ thống về tổng tài sản và mạng lưới giao dịch.

Ít ai biết, ông Dương Công Minh có xuất thân là thiếu tá quân đội, từng có 14 năm làm quản lý trong các doanh nghiệp của Bộ Quốc Phòng.

Cơ duyên đến với kinh doanh của ông bắt đầu từ những năm 1990. Ông chia sẻ "Ngày trước, tôi làm xuất nhập khẩu trái cây qua Trung Quốc, tôi xuất khẩu xoài. Bạn tôi muốn làm chung thì tôi đồng ý chia sẻ với cam kết lời cùng chia nhưng lỗ tôi chịu. Vì giữ lời hứa này mà sau một lần kinh doanh mà bạn tôi tự quyết thì tôi phải gánh lỗ khá nhiều nên quyết định bán nhà đang ở để trả nợ cho người bạn".

Trong khi bán nhà, ông Minh đã nảy ra ý tưởng kinh doanh bất động sản, và là tiền đề để thành lập Him Lam Group vào năm 1994. Xuất thân từ quân đội, ông Minh đã chọn cái tên Him Lam vì đây là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, với mong công ty của mình cũng gây được tiếng vang như thế trong tương lai.

Doanh nghiệp bất động sản của ông Minh nhanh chóng phát triển và trở thành những tập đoàn địa ốc lớn nhất thị trường. Tính đến nay, Him Lam đã tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, Khu đô thị mới, hầu hết các dự án đều ở vị trí gần trung tâm thành phố. 

Ông Minh từng chia sẻ: "Cuộc đời tôi không có thất bại. Tôi chỉ toàn thấy thành công may mắn trong cuộc đời. Việc tôi thua lỗ khi đi buôn xoài, bán nhà cửa và vay tiền nặng lãi để kinh doanh, tôi không xem đó là thất bại mà là may mắn. Nếu không có sự việc đó, thì không thể có Minh Him Lam ngày hôm nay". 

Song tham vọng của Him Lam không dừng ở bất động sản. Năm 2008, Him Lam lấn sân sang mảng tài chính bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng Liên Việt, nắm giữ 15% cổ phần tại ngân hàng. Ông Dương Công Minh giữ ghế Chủ tịch HĐQT.

Dưới sự lãnh đạo của ông Dương Công Minh cùng 2 người bạn thân là ông Nguyễn Đức Hưởng và ông Nguyễn Đình Thắng, Liên Việt để lại nhiều dấu ấn trên thị trường, đặc biệt là cuộc sáp nhập với Công ty dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện, giúp ngân hàng thừa hưởng được hơn 10.000 điểm giao dịch ở khắp các tỉnh thành trên cả nước chỉ trong một thời gian ngắn. 

Tuy nhiên, đến năm 2017, Him Lam và cả ông Minh đã thoái toàn bộ vốn khỏi ngân hàng này. Điểm đến mới của ông Dương Công Minh là ngân hàng Sacombank.

Giữa năm 2017, ông Dương Công Minh chính thức giữ ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank, bắt tay vào công cuộc tái cơ cấu ngân hàng. Kể từ khi về Sacombank, ông cũng liên tục mua vào cổ phiếu của Sacombank. Đến hiện tại, ông Minh nắm giữ hơn hơn 62 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 3,5% vốn điều lệ ngân hàng, tương đương với gần 700 tỷ đồng tính theo vùng giá hiện tại trên thị trường chứng khoán.

Thời điểm ông Minh gia nhập Sacombank, ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sau sáp nhập với Southern Bank khi khối nợ xấu lớn nhất nhì hệ thống. Lợi nhuận năm 2015, 2017 của Sacombank liên tục sụt giảm, từ hàng nghìn tỷ đồng xuống chỉ còn vài trăm tỷ. 

Để tập trung cho quá trình tái cơ cấu Sacombank, đầu năm 2018, ông Minh cũng đã từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty, trong đó có Him Lam.

Là chủ của một công ty địa ốc lớn, lại tham gia vào Sacombank vào đúng lúc ngân hàng ở tình trạng rối ren nhất, không ít người cho rằng ông Minh muốn nhắm đến khối tài sản bất động sản "khủng" của Sacombank. Tuy nhiên, ông Minh nhiều lần khẳng định, bản thân ông cũng như Him Lam đã và sẽ không mua bất cứ một tài sản nào của Sacombank và không sử dụng vốn của Sacombank.  

Trong 3 năm ông Dương Công Minh lãnh đạo Sacombank, ngân hàng đã có bước chuyển mình ấn tượng. Năm 2019, lợi nhuận Sacombank đạt hơn 3.200 tỷ, vượt 20% kế hoạch năm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 1,75%. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã xử lý gần 39.400 tỷ đồng nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu.

Nhiều dự án bất động sản lớn, giá trị hàng nghìn tỷ của Sacombank được thanh lý nhanh chóng trong thời gian qua. Trong đó có thể kể đến 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị 9.200 tỷ đồng, dự án Khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ với giá trị hơn 3.400 tỷ đồng. 

Không thể phủ nhận, sức ảnh hưởng của ông Dương Công Minh tại Sacombank ngày càng lớn. Tuy nhiên, trong một buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập ngân hàng mới đây, ông Minh cho rằng, thương hiệu Sacombank vẫn luôn gắn chặt với tên tuổi của người sáng lập ngân hàng – ông Đặng Văn Thành – hiện là ông chủ của tập đoàn Thành Thành Công. "Đặng Văn Thành vẫn là Thành Sacombank, còn tôi chỉ là Minh Him Lam", ông chia sẻ.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên