MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Dương Công Minh: Từ chủ soái Him Lam, Liên Việt đến người quyền lực nhất Sacombank

30-06-2017 - 14:31 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau một thời gian dài chờ đợi và trải qua muôn vàn khó khăn, đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) hôm nay đã thành công và tìm ra ông chủ mới – ông Dương Công Minh đến từ tập đoàn Him Lam.

Cụ thể, với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất tới hơn 198%, ông Minh đã chễm chệ bước vào Hội đồng quản trị ngân hàng. Và sau một cuộc họp ngắn, ông được bầu lên làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Những lo ngại bấy lâu nay của nhà đầu tư cũng những đồn đoán về ông chính thức chấm dứt, mở ra một “kỷ nguyên mới” của Dương Công Minh ở ngân hàng từng soán ngôi số 1 nhóm cổ phần Việt Nam.

Từ Minh Xoài đến Minh Him Lam

Sinh năm 1960, vị doanh nhân 57 tuổi gốc Bắc Ninh này từ lâu được biết đến với biệt danh “Minh Him Lam”. Nhưng trước đó từng có biệt danh “Minh Xoài”. Cái tên này bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.

Trong một phi vụ thua lỗ, ông Minh đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên CTCP Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam cho đến hiện nay.

Thành lập từ năm 1994, theo công bố từ Him Lam, công ty đã đầu tư và xây dựng cả trăm dự án nhà ở, khu du lịch và khu đô thị mới; tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Một trong những dự án “để đời” mà Him Lam đã thực hiện là khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng tại Phường Tân Hưng, Quận 7 với quy mô gần 60ha. Một hai năm trước, công ty bắt tay vào triển khai một loạt dự án mới như Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông…

Hiện Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, trong đó ông Minh sở hữu 99% cổ phần.

Từ lĩnh vực chính là phát triển nhà ở và khu đô thị, Him Lam nay đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác như Du lịch – nghỉ dưỡng, Đầu tư tài chính – Ngân hàng, Phát triển nguồn nhân lực và Nông Lâm thủy sản…

Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hệ thống Him Lam hiện sở hữu 2 sân golf có vị trí đắc địa ngay gần trung tâm của 2 đầu tàu kinh tế là Sân golf Long Biên và sân golf Tân Sơn Nhất do CTCP Đầu tư Long Biên trực tiếp triển khai. Năm ngoái Him Lam cũng khởi công 2 dự án khu du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, quy mô 50ha tại đảo Hòn Dấu tại quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.

Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là thiếu tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.

Cổ đông sáng lập LienVietPostBank nhưng phải dứt tình để sang Sacombank

Tại ngân hàng Liên Việt, Him Lam là cổ đông sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng nhưng vợ ông Minh, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.

Tuy nhiên để tránh sở hữu chéo, trước khi có tên trong Hội đồng quản trị Sacombank, Him Lam của ông Dương Công Minh đã phải công khai chính thức thoái vốn khỏi Liên Việt và ngày thực hiện vụ này là 23/6/2017, chỉ cách đúng 1 tuần so với thời điểm ông nhận chiếc ghế nóng nhất ở Sacombank.

Với giá cổ phiếu Liên Việt trên sàn OTC giao dịch quanh 12.000 đồng, ước tính vụ thoái vốn của Him Lam đã giúp ông Dương Công Minh thu về khoảng 1.200 tỷ đồng. Trước đó, hàng năm LienVietPostBank vẫn chia cổ tức đều đặn với tỷ lệ khá hấp dẫn.

Những khó khăn đón chờ ở Sacombank

Việc ông Minh gia nhập Sacombank nằm ngoài dự đoán của rất nhiều người, bao gồm cả giới đầu tư sừng sỏ. Vì trước ông Minh, mọi đồn đoán vẫn hướng về cái tên Đặng Văn Thành cùng các nhóm cổ đông khác.

Và trở thành người đứng đầu của ngân hàng thuộc diện nhất nhì hệ thống có lẽ cũng từng nằm ngoài mơ ước của ông chủ Him Lam. Nhưng tất cả, nói như một lãnh đạo cấp cao của Liên Việt, ngoài năng lực thực sự là có tiền thật, có kinh nghiệm trong cả lĩnh vực bất động sản lẫn ngân hàng - điều cốt yếu để được chấp thuận vào tái cơ cấu Sacombank theo yêu cầu từ cơ quan quản lý - thì ấy còn là nhờ cái duyên.

Ông Minh hay người khác vào Sacombank đều được cho là sẽ khó khăn vô cùng khi ngân hàng này đang trải qua giai đoạn “đại phẫu” vì những “u nhọt” do Southern Bank đem đến sau khi nhận sáp nhập vào năm 2015. Theo đề án đã được NHNN phê duyệt hồi tháng 5 năm nay thì phải mất 3-5 năm Sacombank mới xử lý xong nợ xấu và 6-7 năm nữa mới trở về như trước.

Tuy nhiên, với những nút thắt đang dần được gỡ bỏ tại đề án tái cơ cấu với cơ chế riêng cùng với chính sách của Nhà nước là Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu vừa được thông qua, ông Minh về Sacombank sẽ nhẹ gánh hơn rất nhiều.

Giới quan sát nhận định, khó khăn khó tránh khỏi, thậm chí là rất lớn, nhưng với sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước và các cơ chế hiện hành, Sacombank sẽ nhanh chóng vượt qua gian khó để trở về thời hoàng kim trong tương lai không xa.

Ngọc Toàn - Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên