MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Phước Vũ: Chưa bao giờ cộng đồng DN cần điểm tựa vào Chính phủ như bây giờ

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 29/4 tới nhận được nhiều sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen thấu hiểu rất rõ “nỗi đau” của ngành công nghiệp, khi không đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Tôi là người sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hơn 300 triệu USD đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngành tôn thép Tôn Hoa Sen là số 1 Việt Nam và hàng đầu Đông Nam Á. Nhưng những ý kiến từ diễn đàn Quốc hội hay chuyên gia kinh tế hàng đầu, nói về vai trò của kinh tế tư nhân còn rất ít” – ông Vũ thẳng thắn nói.

Nói về kinh tế tư nhân còn ít

Trong khi đó, hoạt động của DN đầu tư trực tiếp nước ngoài thì ngày càng lớn mạnh, khi đóng góp tới khoảng 70% xuất khẩu còn DN nội chỉ nắm khoảng 30%, chủ yếu ở các lĩnh vực gia công quy mô nhỏ, nông nghiệp….

Chủ tịch của Tôn Hoa Sen nói: Theo chủ trương, Hội nhập được đẩy mạnh buộc các DN phải cạnh tranh, đó vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức nếu DN không tỉnh táo nỗ lực. Bởi thực tế hiện nay, những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đều đang được các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng rất thành công.

“Nhiều DN nước ngoài đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Trong môi trường như vậy, mọi nguồn lực được FDI hút hết vào thì DN Việt Nam sẽ không còn lợi thế và cuối cùng chỉ là sự thất thế của DN nội” – ông Vũ lo ngại.

Dẫn chứng được Chủ tịch của Tôn Hoa Sen đưa ra, gần đây một số tập đoàn Thái Lan đã nhảy vào và thâu tóm nhiều DN Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, một số tập đoàn lớn thâu tóm các siêu thị và nhiều DN sản xuất phản hồi không thể đưa hàng vào kênh phân phối này

Không có chính sách, khó lật ngược thế cờ

Ông Vũ đặt ra câu hỏi đầy trăn trở: “Làm sao để cộng đồng DN Việt Nam cạnh tranh được trong tương quan luôn ở thế bất lợi? Kinh tế Việt Nam như một cơ thể mà cộng đồng DN trong nước như chân phải, cộng đồng FDI như chân trái. Chỉ khi nào chân phải thực sự mạnh và đi đều với chân trái thì mới có thể mạnh được. Còn giờ thì hình như, chân phỉa đang khá bị “teo”."

Do đó, vị lãnh đạo DN này cho rằng nếu các chính sách vĩ mô không ý thức rõ được điều này, thì nguy cơ cạnh tranh ngày càng cao và khả năng lật ngược thế cờ để đuổi kịp FDI, tạo lợi thế tương xứng ngày càng khó khăn hơn.

Nhìn ra thế giới, ông Vũ cho rằng các nước phát triển đều cần FDI để thúc đẩy kinh tế và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cần có thái độ không nên phân biệt DN Nhà nước, tư nhân hay DN FDI, thì mới tạo sân chơi bình đẳng cho DN phát triển.

"Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần điểm tựa của Chính phủ như bây giờ! Chúng tôi cần điểm tựa, không phải chỗ dựa. Chúng tôi muốn có sự thông thoáng, không bị níu kéo bởi các cơ chế hành chính như hiện tại” – Chủ tịch Tôn Hoa Sen khuyến nghị.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên