MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh (SSI): Thị trường có thể đứng vững nếu không có thêm thông tin xấu

Phiên giao dịch ngày 24/6 của TTCK Việt Nam đã xuất hiện lực cầu bắt đáy lớn về cuối phiên. Theo một giám đốc phân tích của SSI, sự tự tin này là tiền đề tốt để thị trường đứng vững trong những ngày tới nếu không có thêm tin xấu ảnh hưởng tới tâm lý giới đầu tư.

Ngày 24/6, giới tài chính toàn cầu đã phải nín thờ chờ đợi kết quả cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh. Người dân Anh đã bất ngờ đưa ra quyết định của mình với tỷ lệ 51,8% người dân đồng ý Anh rời khỏi EU và 48,2% người dân bỏ phiếu cho Anh ở lại. Cơn rung lắc mạnh đến với gần như toàn bộ các thị trường tài chính, và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI) - xung quanh tác động lên thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam của sự kiện "thiên nga đen" chấn động ngành tài chính toàn cầu này.

Thưa ông, cuộc trưng cầu dân ý với kết quả chiến thắng thuộc về phe Brexit, qua đó người dân Anh quyết định lựa chọn rời EU có gây bất ngờ không?

Ngoài những người bỏ phiếu “đi” tại Anh, tôi nghĩ phần còn lại của thế giới đều mong muốn Anh “ở lại” với EU. Thế giới đang có quá nhiều bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị nên không ai mong muốn có thêm bất ổn mới. Các cuộc khảo sát gần với ngày trưng cầu dân ý nhất cho thấy một kết quả nghiêng về phía ở lại. Thị trường tài chính toàn cầu trong những ngày đầu tuần cũng diễn ra suôn sẻ với kỳ vọng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Chính sự kỳ vọng hay tự tin này đã làm cho giới đầu tư bất ngờ và sốc trước kết quả nước Anh chọn rời EU.

Chứng khoán Việt Nam đã có thời điểm giảm sâu trước thông tin Brexit. Theo ông, mức giảm này của thị trường Việt Nam có thái quá không? Sự phục hồi kèm theo đó là thanh khoản tăng vọt phản ánh điều gì?

Nếu chỉ nhìn diễn biến 1 phiên thì có thể thấy đã có lúc thị trường phản ứng rất mạnh với mức giảm tới 34 điểm, tương đương mức giảm của ngày 8/5/2014 khi xảy ra sự kiện Biển Đông. Tuy nhiên nếu như VN-Index ngày 8/5/2015 đóng cửa giảm 34 điểm thì ngày 24/6/2016 VN-Index đóng cửa chỉ giảm 11,5 điểm. Hai sự kiện xảy ra vào 2 thời điểm khác nhau, có bản chất và ảnh hưởng đến Việt nam khác nhau nên tâm lý của giới đầu tư cũng có phản ứng khác nhau. Lần này sự tự tin đã thể hiện rõ nét hơn nhiều.

Sự tự tin của giới đầu tư dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất là đánh giá ảnh hưởng từ Anh đến Việt Nam còn khá xa và mức độ là không lớn nếu so sánh với sự kiện Biển Đông. Thứ hai là nền tảng thị trường đang trong trạng thái tốt, VN-Index liên tục đi ngang ở vùng cao nhất 10 tháng, khác với thời điểm trước sự kiện Biển Đông là VN-Index trước đó đã giảm từ đỉnh gần 1 tháng.

Sự tự tin này dẫn đến hệ quả là lực cầu bắt đáy vào rất mạnh, làm thanh khoản tăng vọt và VN-Index hồi phục hơn 2/3 số điểm bị mất. Sự tự tin này là một tiền đề tốt để thị trường đứng vững trong những ngày tới với điều kiện không có thêm tin xấu làm hao mòn tâm lý giới đầu tư.

Ông đánh giá gì về thị trường trong các phiên tới?Hoạt động giải chấp liệu có nguy cơ xuất hiện không?

Với mức giảm chỉ 11,5 điểm, tương đương 1,82% thì áp lực giải chấp là không đáng kể. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào chính sách rủi ro của từng công ty chứng khoán. Nếu công ty chứng khoán nào dự báo tình hình còn xấu hơn thì họ có thể thu hẹp mức hỗ trợ, gây nên áp lực giải chấp bất ngờ lên người cầm cổ phiếu.

Tôi hy vọng các đơn vị sẽ không làm điều này vì nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý giới đầu tư một cách không cần thiết. Thị trường đã chứng kiến sự tự tin và lực cầu bắt đáy vô cùng mạnh mẽ nhưng tâm lý thị trường cũng có thể thay đổi. Nên để sự thay đổi đó xảy ra với các lý do thuần túy từ cơ bản chứ không nên xuất phát từ các điều chỉnh kỹ thuật, vì như vậy sẽ làm méo mó bản chất của thị trường.

Brexit sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Chúng tôi cho rằng những ảnh hưởng trực tiếp bao gồm thương mại và đầu tư từ Brexit đến Việt Nam là không đáng kể. Tuy nhiên những ảnh hưởng gián tiếp, bao gồm dòng vốn và tỷ giá sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến kinh tế Việt Nam.

Về dòng vốn, giới đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục cẩn trọng với những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Theo đó, họ sẽ có xu hướng chuyển dòng vốn từ các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu sang các tài sản rủi ro thấp hơn như vàng, trái phiếu hay đồng Yên.

Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn đổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu trên toàn cầu là 76 tỷ USD trong khi đó rút ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu là 114 tỷ USD. Trong tuần diễn ra cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, giới đầu tư tiếp tục rút vốn khỏi các thị trường mới nổi tại Châu Á với giá trị gần 1 tỷ USD. Giới đầu tư lo ngại sau Brexit sẽ còn có thể có những “exit” khác tại Châu Âu, làm cho tình hình trở nên phức tạp. Vì vậy xu hướng dịch chuyển vốn sang các tài sản an toàn có thể còn kéo dài.

Đồng Yên Nhật đã tăng giá mạnh khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Chỉ trong ngày thứ Sáu, đồng Yên đã tăng giá 3,8%. Còn tính từ đầu năm, đồng Yên đã tăng giá 17,6%. Với một quốc gia vay nợ bằng đồng Yên nhiều như Việt Nam (tương đương ~45 tỷ USD), việc lên giá quá mạnh của đồng Yên sẽ gây áp lực lớn đến nợ công.

Theo nhận định của ông, những doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ Brexit? Doanh nghiệp nào chịu tác động xấu?

Ảnh hưởng từ Brexit là rất rộng. Chỉ xét trong lĩnh vực tỷ giá thì thấy có 2 chiều hướng. Ví dụ doanh nghiệp xuất khẩu sang Anh bằng đồng bảng Anh sẽ chịu thiệt hại khi đồng bảng Anh mất giá, không những vậy kinh tế Anh tăng trưởng chậm lại cũng khiến nhu cầu hàng hóa có nguy cơ giảm sút. Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu hoặc vay nợ bằng đồng bảng Anh sẽ được lãi chênh lệch tỷ giá.

Có ảnh hưởng tương đương với đồng bảng Anh là đồng Euro, đồng tiền Việt Nam có giao dịch nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang vay nợ bằng Euro sẽ được hưởng lợi khi đồng Euro mất giá, trong đó có một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thuộc lĩnh vực năng lượng và vật liệu xây dựng.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên