MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Phan Văn Khải, "người tạo bước ngoặt" cho kinh tế Việt Nam

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhớ về vị nguyên Thủ tướng vừa qua đời hôm 17/3...

"Trong ký ức của tôi, dưới thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người ta nói đến một luồng sinh khí mới của kinh tế Việt Nam", ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhớ về vị nguyên Thủ tướng vừa qua đời hôm 17/3 tại quê nhà Củ Chi, Tp.HCM.

Ấn tượng sâu sắc

Luồng sinh khí mà ông nói đến là gì, thưa ông?

Dưới thời kỳ của mình, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam, khi thực hiện cải cách mạnh mẽ tự do hoá thị trường trong nước và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đây là giai đoạn quản lý kinh tế vĩ mô chuyển sang các công cụ thị trường.

Sau khi khắc phục được khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997, giai đoạn 2000-2006, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, đồng VND có lòng tin và người dân bắt đầu chuyền dần sang đồng nội tệ.

Trong khi đó, về mặt vi mô, nguyên Thủ tướng cũng đã tạo ra hai chuyển động căn bản trong nền kinh tế với việc tạo cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc ban hành Luật Doanh nghiệp và cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước.

Vì thế, sau này, người ta mới nói đây chính là hai tiền đề tạo ra luồng sinh khí cho kinh tế Việt Nam.

Luật Doanh nghiệp 1999 đưa ra quá nhiều cái mới trong bối cảnh kinh tế thời bấy giờ. Làm thế nào mà Luật Doanh nghiệp 1999 lại có thể "thuyết phục" được người đứng đầu Chính phủ thời đó thông qua, thưa ông?

Đến giờ, tôi vẫn giữ ấn tượng rất sâu sắc về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đó là một người lãnh đạo luôn lắng nghe và hành động quyết đoán nếu thấy đó là điều hợp cho dân, cho nước.

Vì thế mà rất nhiều tư tưởng mới được đưa vào Luật Doanh nghiệp 1999 đã được Thủ tướng Phan Văn Khải ủng hộ.

Tôi còn nhớ, sau 4 năm trải qua rất nhiều tay viết, đến năm 1996, tôi được giao tiếp quản Luật Doanh nghiệp, biên tập luật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM; ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu từ và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nhìn dự thảo dày nhưng đọc lại thấy không ổn vì cách tiếp cận của luật vẫn cũ. Vì thế, tôi thay đổi căn bản hết dự thảo và đưa vào luật rất nhiều cái mới.

Có thể lúc đó vừa đi du học trở về, hơn nữa tôi cũng đã từng tham gia làm Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty trước đó nên nhận ra rằng mình cần phải thay đổi.

Lúc đi du học, tôi thấy luật của họ rất dày trong khi hai luật của ta lại rất mỏng. Nhưng mỏng dày không quan trọng mà vấn đề ở chỗ luật họ dày mà thành lập doanh nghiệp lại dễ dàng thế.

Của ta thì quá phức tạp, muốn làm cái gì cũng phải đi xin, mà không phải đi xin một người mà là rất nhiều người, từ ông tổ dân phố trở đi...

Vì vậy, tư tưởng người dân, doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm đã được đưa vào trong Luật Doanh nghiệp 1999.

Nhưng thú thực, lúc đầu làm luật tôi cũng không nắm được nhiều, chỉ có tư tưởng chính là vậy thôi. Trong quá trình làm luật, dưới sự hỗ trợ của UNDP, Ban soạn thảo đã mời được 6 chuyên gia hàng đầu của thế giới về luật công ty.

Một chuyên gia người Canada, 1 người New Zealand, 2 chuyên gia người Mỹ ở trường Harvard, một chuyên gia ở trường Tổng hợp Berlin và một người là Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tư pháp Đức.

Họ cùng ban soạn thảo dành hàng tuần lễ để ngồi cùng thảo luận từng điều khoản. Quá trình soạn thảo này thực ra là quá trình vừa học vừa thực hành kéo dài suốt 4 năm xây dựng luật.

Thời đó, tư duy kinh tế vẫn là bao cấp nên tư tưởng này không dễ được chấp nhận. Ngay bản thân mình, sau khi viết xong tôi cũng không tin lắm.

Nhiều người "nói nhỏ" với tôi là nên từ bỏ vì chắc chắn là sẽ bị "chống đối" nhất là từ phía địa phương. Hơn nữa, luật có nhiều cái mới nên người ta khó chấp nhận. Họ nghĩ rằng cái gì cũng cho làm thì làm sao mà quản được...

Nhưng cuối cùng, những tư tưởng mới đó cũng đã được thông qua.

Kiên quyết khi cần

Dưới thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người ta có nhắc tới một quyết định "không chút do dự" loại bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi hơn doanh nghiệp, cắt bỏ nguồn thu của bộ, ngành, thưa ông?

Lúc đó, tình hình xin thành lập doanh nghiệp rất phức tạp và bức bách đã được báo cáo lên Thủ tướng. Ngay sau đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có ra một nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính.

Trong đó, chọn xin phép thành lập và đăng ký kinh doanh là một trong 5 ưu tiên cải cách. Dự trên nghị quyết đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành thông tư về đơn giản hoá thủ tục hành chính theo hướng những gì tháo bỏ được trong phạm vi Chính phủ đều được tháo bỏ hết. Những thứ khác sẽ chờ đợi Luật Doanh nghiệp.

Sau này, khi Luật Doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/1/2000, Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp đã được thành lập.

Tổ được ra đời nhằm kịp thời soạn thảo các văn bản thi hành hướng dẫn thực thi luật vì luật có hiệu lực chỉ sau 4 tháng được thông qua.

Sau đó, văn bản hướng dẫn kèm theo các biểu mẫu về thành lập doanh nghiệp được ban hành. Trong quá trình chuẩn bị hướng dẫn, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp có kiến nghị cắt bỏ giấy phép.

Bản báo cáo hàng trăm trang tài liệu về giấy phép con đã được tập hợp và trình lên Thủ tướng. Sự phản đối lúc này cũng dữ dội lắm vì nó đụng chạm đến nguồn thu của bộ, ngành.

Nhưng "cái hay" của ông Khải là sẵn sàng lắng nghe, thảo luận, cân nhắc và kiên quyết thực hiện.

Nếu không quyết đoán thì có lẽ lại phải đi tham vấn ý kiến bên này, bên nọ, rất mất thời gian và có khi chẳng được việc như vậy.

Nhờ đó, doanh nghiệp được cởi trói rất nhiều trong kinh doanh. Quyết định 108 của Thủ tướng về việc bãi bỏ 84 giấy phép thời đó là quyết định "long trời lở đất".

"Cái hay" của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn thể hiện ở việc lựa chọn người vào Tổ công tác. Đó đều là những người làm chuyên môn, không phân biệt thứ hạng nên đã tạo ra động lực để thúc đẩy mọi người bình đẳng, cùng làm việc vì cái chung.

Vì lẽ đó mà đã làm nên thành công của Tổ công tác đầu tiên của Luật Doanh nghiệp 1999.

Thưa ông, người ta còn nhắc tới nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bởi vì ông là người đặt nền móng cho cuộc gặp giữa người đứng đầu Chính phủ với đội ngũ doanh nhân hàng năm. Ông nghĩ sao về điều này?

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 mang dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, đội ngũ doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng.

Vì vậy, ông Vũ Quốc Tuấn và bà Phạm Chi Lan, thành viên Tổ Công tác bấy giờ đã có sáng kiến tôn vinh đội ngũ doanh nhân. Sáng viết "tờ sớ" lên Thủ tướng thì gần như ngay lập tức đã có quyết định.

Sau đó, Chính phủ công bố sự kiện Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp hàng năm.

Từ đây, cuộc gặp này đã trở thành kênh đối thoại quan trọng giữa Chính phủ và doanh nghiệp để hướng tới một môi trường đầu tư cải thiện hơn, thuận lợi hơn cho kinh doanh.

Theo Đặng Hương

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên