MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Robert Alan Willett: “Bách Hóa Xanh không phải là cuộc đua mù, mà Thế giới Di động biết rõ mình đang làm gì”

18-03-2018 - 14:53 PM | Doanh nghiệp

Ban lãnh đạo Công ty cũng đang "đau đầu" khi ở thời điểm hiện tại, Bách Hóa Xanh đang đối mặt với 2 khó khăn nan giải.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2018 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), ông Robert Alan Willett – Thành viên HĐQT khẳng định Bách Hóa Xanh không phải "cuộc đua mù" trước câu hỏi của cổ đông về mảng này.

Cụ thể, chuỗi Bách Hóa Xanh theo ông Robert Alan Willett thì MWG đang thử và sửa sai nên cần thời gian để đạt được thành công. "Bách Hóa Xanh không phải là cuộc đua mù, mà Thế giới Di động biết rõ mình đang làm gì", vị đại diện nước ngoài này khẳng định.

Tại Đại hội lần này, cổ đông Công ty đã chính thức thông qua việc tăng vốn cho chuỗi Bách Hoá Xanh nhằm đưa chuỗi cửa hàng lên 1.000 điểm bán, mục tiêu cuối tháng 6 sẽ cán mốc 500 cửa hàng. Và để đầu tư cho "lĩnh vực cốt lõi trong năm 2018", MWG dự kiến huy động 3.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn tự có, lợi nhuận giữ lại và vốn vay trung - dài hạn.

Được biết, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư trước đó, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG từng chia sẻ hiện Công ty có nguồn vốn từ trái phiếu khoảng 50 triệu USD, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2017 MWG còn chuyển dịch nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn, cũng như phát sinh vay dài hạn tại Ngân hàng Standard Chartered, theo đó hiện MWG đang có 1.200 tỷ đồng nợ dài hạn.

Chia sẻ thêm về vốn, theo ông Tài, trước đây vốn đăng ký Bách Hóa Xanh là 600 tỷ - với con số này hiện nay không thể "set up" 1.000 cửa hàng bởi chi phí cho việc mở mới một điểm bán đâu đó đã 1 tỷ đồng. "Và 3.000 tỷ là mốc dài hạn của chúng tôi, chứ không phải là tăng vốn ngay. Tức, Bách Hóa Xanh sẽ làm đến đâu tiếp tục tăng vốn đến đó", ông Tài nói.

Bách Hóa Xanh đang vấp phải 2 khó khăn lớn về hệ thống và doanh thu/cửa hàng

Tiếp tục Q&A liên quan đến mảng thực phẩm này, cổ đông đặt nghi vấn "Nếu 500 cửa hàng Bách Hóa Xanh đến cuối tháng 6/2018 vẫn không hiệu quả thì Công ty có nước cờ nào lui không?".

Giải đáp, ông Trần Kinh Doanh – CEO Công ty cho biết mô hình kinh doanh của Bách Hóa Xanh là tập trung hàng về một trung tâm phân phối. Còn về chiến lược để phát triển, theo ông Doanh thì điều này rất rộng, trong đó giá trị mà Công ty hướng đến đầu tiên là chất lượng sản phẩm, rau quả phải tươi tốt. Đồng thời, một giá trị mà ngay từ ban đầu Công ty muốn hướng đến chính là cung cấp cho thị trường một nơi "đi chợ" tiện lợi, mát mẻ.

Mặt khác, ban lãnh đạo Công ty cũng đang "đau đầu" khi ở thời điểm hiện tại, Bách Hóa Xanh đang đối mặt với 2 khó khăn nan giải. Trong đó, "Khó khăn lớn nhất là hệ thống quản trị của chúng tôi chưa đáp ứng được thực tế, khi mà càng ngày càng phát sinh nhiều vấn đề mới", ông Doanh cho biết. Như vậy, MWG đặt mục tiêu là đến tháng 6 sẽ xử lý dứt điểm những khúc mắc trên, từ đó vận hành hệ thống trơn tru trở lại. Khó khăn thứ 2 được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm chính là doanh thu trung bình của cửa hàng, thời gian qua do mở rộng độ phủ nên con số này rơi từ vùng 800-900 tỷ về 400-600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, "với những hành động triệt để nhằm xử lý 2 khó khăn lớn nhất hiện nay, thì 500 cửa hàng Bách Hóa Xanh phải thành công", ông Doanh nhấn mạnh giọng.

Tiêu chuẩn lựa chọn mặt bằng khắt khe của Bách Hóa Xanh – Không chọn trục đường lớn mà len lỏi vào đường nhỏ

Phân tích sâu hơn, ông Doanh cũng tiết lộ quy tắc mở cửa hàng khá khắt khe mà Bách Hóa Xanh đang áp dụng, nhằm ghi nhận được doanh số.

Ông Robert Alan Willett: “Bách Hóa Xanh không phải là cuộc đua mù, mà Thế giới Di động biết rõ mình đang làm gì” - Ảnh 1.

Một cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Cụ thể, mặt bằng của Bách Hóa Xanh rất khác so với 2 "đàn anh" Thế giới Di động và Điện máy Xanh. Tức, nếu với Thế giới Di động và Điện máy Xanh, nhà đầu tư chỉ có thể bắt gặp trên các trục đường lớn như Trường Chinh, Phan Xích Long… thì Bách Hóa Xanh hoàn toàn ngược lại, các cửa hàng sẽ len lỏi vào các con đường nhỏ nơi mật độ dân cư đông.

Không chỉ dừng lại ở tiêu chí phải đông người, mặt bằng Bách Hóa Xanh còn đặt ra yêu cầu tại con đường cửa hàng được "set up" phải đạt lưu lượng xe 300 lượt trong vòng 5 phút, đồng thời xét trong bán kính từ 300-500 m thì phải đảm bảo có ít nhất 10.000 nóc nhà…

Được biết, hiện Công ty đang dồn lực để tìm kiếm quỹ đất phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh mà trước mắt sẽ tập trung trong Tp.HCM, chưa "đánh" về các tỉnh lẻ.

Không phải cuộc đua mù, song có chắc sẽ thành công?

Về chuỗi Bách Hóa Xanh, trước đó Công ty nhiều lần khẳng định với các nhà đầu tư đây sẽ là động lực tăng trưởng từ 2019 sau khi chuỗi Thegioididong.com tăng trưởng chậm lại. MWG đã hoàn tất thử nghiệm chuỗi này vào năm 2016 và bắt đầu triển khai mạnh từ giữa năm 2017. Và tính đến quý 1/2018, số cửa hàng Bách Hoá Xanh đã tăng lên mức 316 cửa hàng, doanh thu trong kỳ đạt hơn 200 tỷ đồng trong tháng qua. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ khoảng 400 tỷ trong năm 2018.

Được biết, biên lợi nhuận gộp hiện nay của chuỗi thực phẩm này khá thấp chỉ khoảng 10-11%; các cửa hàng vẫn "trễ hẹn" chưa đạt điểm hòa vốn, khi doanh thu trung bình mới dừng tại mức 400-600 triệu đồng/tháng. Mặt khác, do còn khá mới mẻ nên Công ty tương lai gần vẫn chưa áp KPIs; tuy nhiên vẫn kỳ vọng biên lợi nhuận mỗi cửa hàng sẽ đạt khoảng 18% và doanh thu mục tiêu từ 1-1,2 tỷ đồng, lợi nhuận ròng ước đạt khoảng 200 triệu đồng vào cuối quý 4/2018.

Liên quan đến điểm hòa vốn thì hiện ban lãnh đạo Công ty chưa có câu trả lời chính xác, song "với MWG thì khi nào doanh thu Bách Hóa Xanh tạo ra đủ bù đắp cho chi phí là thành công rồi", theo quan điểm của người cầm cương là ông Doanh. Đồng thời, về giá sản phẩm, trong tương lai, ông Doanh khẳng định Bách Hóa Xanh sẽ không bán mắc hơn chợ.

Không chỉ biên lợi nhuận thấp, Bách Hóa Xanh còn đang phải chịu tỷ lệ hư hao 3% trên tổng doanh thu. Chi tiết, mỗi ngày sẽ có khoảng 10% số sản phẩm không bán được hết, như vậy Công ty sẽ để sang hôm sau và bán với giá thấp hơn 15%. Thời gian đến, MWG cho biết sẽ thay đổi cách xử lý thực phẩm thừa bằng cách sơ chế cho tăng tính hiệu quả.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên