MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Shinzo Abe từ chức: Chân dung vị thủ tướng Nhật nhiều thiện cảm với Việt Nam

29-08-2020 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Từ chức vì lý do sức khỏe ở tuổi 65, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để lại nhiều bất ngờ và cả nuối tiếc cho những người luôn theo dõi ông trên hành trình chèo lái nước Nhật.

Vị Thủ tướng dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam

Trong chia sẻ công khai trên trang Facebook cá nhân, Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã có những chia sẻ về Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người vừa tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Theo cựu thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, ông Abe là người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam.

"Khi thân tình, ông (Abe) có kể với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc câu chuyện ông đã thăm Việt Nam lần đầu tiên với tư cách Thủ tướng vào tháng 11/2006. Sau khi thôi làm Thủ tướng, ông Abe vẫn đến Việt Nam một lần vào tháng 9/2007. Mỗi lần ông tới thăm Việt Nam, ông vẫn được các lãnh đạo Việt Nam đón tiếp thân tình như một người bạn thân vậy. Ông ngẫm ra rằng người Việt Nam chúng ta rất chân tình, thủy chung với bạn bè", cựu Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản lần thứ 2 vào tháng 12/2012, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên mà ông Shinzo Abe đi thăm trên cương vị Thủ tướng vào tháng 1/2013. Trong nhiệm kỳ 2, ông Abe đã thăm Việt Nam thêm 3 lần, riêng năm 2017 thăm 2 lần. Ông Abe cũng đã đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sang thăm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 4 lần công du Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe từ chức: Chân dung vị thủ tướng Nhật nhiều thiện cảm với Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay sau buổi họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 16/1/2017. Ảnh: AP

Ông Abe đã thay đổi Nhật Bản thế nào?

Trong thời gian đảm trách cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã thực hiện rất nhiều cải cách đáng chú ý. Cụ thể như việc cho phép lao động nước ngoài ở Nhật Bản trong 5 năm, ủng hộ các khoảng đầu tư kích thích lớn, thay đổi chính sách tiền tệ, cải cách ngành du lịch của quốc gia.

Mike Green, một chuyên gia về Nhật Bản tại châu Âu cho biết: "Mặc dù các chính sách của ông Abe không phải lúc nào cũng có hiệu quả, nhưng thành tích tổng thể của ông đã bù đắp được cho những thiếu sót đó. Ông đã không hoàn thành hết mọi điều mà Nhật Bản cần, nhưng ông đã hoàn thành nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào trong nhiều thập kỷ qua".

Theo Green, trên hết, ông Abe đã chứng minh được rằng Nhật Bản có thể dẫn đầu. Bất chấp những sai lầm của mình, Thủ tướng Abe đã đưa Nhật Bản từ một quốc gia "nhút nhát" trên thế giới trở thành một quốc gia "tự tin" hơn khi đương đầu với những thách thức toàn cầu.

Shinzo Abe tái đắc cử vào năm 2012 đúng lúc Nhật Bản đang phải đối mặt với những vấn đề ngày càng sâu sắc, bao gồm nợ quốc gia gia tăng, thâm hụt thương mại ngày càng tăng và dân số già nhanh.

Khi ấy, ông đã tuyên bố sẽ giúp đỡ nền kinh tế đang suy thoái bằng cách nhanh chóng thông qua dự luật chi tiêu kích thích mới khổng lồ, coi việc chấm dứt giảm phát là ưu tiên hàng đầu lúc bấy giờ.

Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu của quốc gia với hành động quyết liệt hơn để giảm giá đồng yên, làm cho các sản phẩm của Nhật Bản rẻ hơn ở nước ngoài.

Con nhà "nòi" với những bài học chính trị đắt giá

Gia đình ông Shinzo Abe xuất thân từ thành phố Nagato, thuộc tỉnh Yamaguchi trên bờ biển Nhật Bản. Ông là con nhà nòi trong một gia đình có truyền thống chính trị đáng nể phục. Ông ngoại Shinzo Abe là Nobosuke Kishi, Thủ tướng Nhật vào cuối những thập niên 1950. Cha của ông, Shintaro Abe, từng làm bộ trưởng Ngoại giao và từng ứng cử cho cương vị Thủ tướng Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe từ chức: Chân dung vị thủ tướng Nhật nhiều thiện cảm với Việt Nam - Ảnh 2.

Gia sư của Shinzo Abe đã từng cho biết: "Ngày bé, Abe là một đứa trẻ rất ngoan, thích đọc truyện tranh, luôn lắng nghe người khác một cách cận trọng và dễ dạy bảo. Gia đình của Shinzo Abe không phải là gia đình giàu có. Shinzo Abe luôn mặc quần áo vá khi ở nhà".

Trước đó, Abe đã học chính trị tại Đại học Seiki Tokyo và Học viện Nam California vào năm 1978. Với tác phong thoải mái, vốn tiếng Anh lưu loát, Shinzo Abe được bạn bè đồng trang lứa đánh giá cao. Ngày còn là sinh viên, bạn bè ông cho biết ông không bao giờ bỏ một buổi học nào. Ông Shinzo là thành viên câu lạc bộ bắn cung, thích chơi golf và quần vợt....

Ông Abe đã học được rất nhiều bài học từ cha mình. "Tôi đã học được rằng trở thành một chính trị gia không phải là một công việc dễ dàng. Cha tôi đang cố gắng đạt được tiến bộ trong hiệp ước hòa bình với Liên Xô. Lúc đó ông đang bị ung thư giai đoạn cuối nhưng ông đã đến thăm Moscow trong cái lạnh buốt giá. Tôi học được từ cha mình rằng bạn có thể phải mạo hiểm mạng sống của mình để đạt được thành tích lịch sử như vậy", ông Abe chia sẻ.

Khi nói về ông ngoại của mình, Nobusuke Kishi - một thành viên trong Nội các thời chiến của Nhật Bản, người bị quân Đồng minh nhốt và sau đó trở thành Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe chia sẻ: "Ông tôi đã phải đối mặt với những chỉ trích rất gay gắt lúc bấy giờ vì ông đã sửa đổi Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ. Ông cũng đã thông qua hiệp ước và từ chức Thủ tướng cùng lúc. Tôi đã học từ mỗi thành viên trong gia đình rằng đôi khi, chính trị gia phải đối mặt với việc đưa ra các quyết định quan trọng một mình".

Người vợ "độc nhất vô nhị"

Phu nhân Thủ tướng Nhật Abe, bà Akie Abe gây chú ý với những tuyên bố thẳng thắn, đôi khi công khai mâu thuẫn với chồng. Bà kêu gọi xóa bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima, tích cực vận động cho quyền của người đồng tính ở Nhật Bản, nơi rất ít xảy ra các tranh luận chính trị về việc hợp pháp hôn nhân đồng tính.

Bà Akie Abe cũng là một nhân vật thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Khi ông Abe nhậm chức vào năm 2006, nhiều đánh giá cho rằng phong cách của bà là "quá tự do".

Các bài phát biểu của bà Akie Abe tại Mỹ chủ yếu nhằm thúc đẩy chồng bà mở rộng vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động. Nhật Bản được coi là "tụt hậu" so với hầu hết các quốc gia phát triển trong việc trao quyền cho phụ nữ. Bà khẳng định, phụ nữ với "bản năng làm mẹ, lòng tốt và sự sáng tạo" sẽ giúp ích cho nền kinh tế Nhật Bản nếu số lượng phụ nữ đóng góp vào lực lượng lao động lớn hơn".

Ông Shinzo Abe từ chức: Chân dung vị thủ tướng Nhật nhiều thiện cảm với Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Shinzo Abe và vợ, bà Akie Abe.

Thủ tướng với rất nhiều cái "nhất"

Thủ tướng Abe Shinzo (Đảng Dân chủ Tự do) là người đảm nhiệm chức vụ thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản: Nhiệm kỳ I từ tháng 9/2006 đến 9/2007, nhiệm kỳ II từ 12/2012 đến 12/2014, nhiệm kỳ III từ 12/2014 đến 11/2017 và bắt đầu nhiệm kỳ IV từ 1/11/2017 đến khi từ chức ngày 28/8/2020.

Một điều thú vị khác về Thủ tướng đó là ông từng đoạt giải thưởng Người ăn mặc lịch sự nhất lần thứ 31 do Hiệp hội Thời trang nam Nhật Bản trao vào năm 2002. Điều này đã khiến giới truyền thông Nhật Bản từng đùa rằng: "Chỉ cần Shinzo Abe giơ tay tuyên bố ra tranh cử là tức khắc đắc cử!".

Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Times vào tháng 4/2014, ông Abe đã chia sẻ: "Tôi là một người yêu nước. Tôi nghĩ rằng sẽ không có chính trị gia nào không yêu nước cả. Vì tôi là một chính trị gia, tôi thường bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên, nếu cứ bận tâm đến những lời chỉ trích như vậy, làm sao tôi có thể bảo vệ tính mạng của người dân".

"Khi tôi nhậm chức, về ngoại giao và an ninh quốc phòng, cũng như kinh tế, Nhật Bản đang ở trong tình trạng rất nghiêm trọng. Chính sách kinh tế mà tôi đang thực hiện hiện nay là chiến lược tăng trưởng, bao gồm nới lỏng tài chính triệt để, chính sách tiền tệ linh hoạt và khuyến khích đầu tư tư nhân", ông Abe chia sẻ.

Q.L - Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên