MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trương Đình Tuyển: Nhà đầu tư nước ngoài lập mạng lưới buôn bán xăng dầu là không được phép nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận

Lĩnh vực phân phối xăng dầu là “vùng cấm” đối với các nhà đầu tư nước ngoài, theo các hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển cho biết Việt Nam vẫn phải chấp nhận việc khối ngoại sở hữu hệ thống phân phối xăng dầu để thu được những lợi ích khác.

Mạng lưới phân phối xăng dầu trong nước đang bị thâu tóm?

Đầu năm 2017, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức lên sàn. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn là JX Nippon Oil & Energy Vietnam (JXVE), một công ty thuộc Tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn vào lĩnh lực xăng dầu, thậm chí sở hữu mạng lưới phân phối xăng dầu của Petrolimex – điều vốn không được cho phép.

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu khi tham gia WTO và 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhà đầu tư nước ngoài không được phép lập mạng lưới buôn bán xăng dầu của họ tại Việt Nam. Tuy nhiên doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể sở hữu hệ thống phân phối xăng dầu hợp pháp theo quy định trong Luật chứng khoán.

“Nhà đầu tư nước ngoài có quyền mua cổ phần, mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo quy định của Luật chứng khoán. Chúng ta mở đến 49%, thì vốn nước ngoài trong một công ty đã lên sàn chứng khoán có thể chiếm đến 49%. Đấy là bất cập rất lớn trong thực thi chính sách” – ông Tuyển nói.

Bên cạnh đó, việc quy định doanh nghiệp nước ngoài có quyền triển khai mạng lưới bán buôn xăng dầu, khi họ đầu tư nhà máy lọc dầu cũng đang là việc đi ngược với các cam kết trong FTA. Theo ông Trương Đình Tuyển, đây là điều không mong muốn, nhưng “buộc phải chấp nhận”.

“Những nhà đầu tư vào lọc hóa dầu, họ có quyền thiết lập mạng lưới phân phối của họ tại thị trường Việt Nam. Nghi Sơn có quyền tổ chức mạng lưới phân phối xăng dầu tại Việt Nam, hoặc nay mai có nhà máy lọc dầu nào của nước ngoài có đầu tư thì có quyền thiết lập mạng lưới xăng dầu vào Việt Nam. Điều này hơi ngược với cam kết, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận. Bởi có như vậy, người ta mới có thể đầu tư vào lọc dầu, cái mà chúng ta đang cần” – ông Tuyển cho biết.

Khoản chênh lệch thuế đáng chú ý

Khó khăn không chỉ dừng lại ở đầu ra cho xăng dầu, các doanh nghiệp trong nước cũng đang bị làm khó ngay từ phía nhập khẩu.

Theo quy định mới ban hành năm 2016 của Bộ Tài chính Thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được Bộ Tài chính áp dụng với mọi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Mức thuế này được tính trên cơ sở trung bình cộng mức thuế của tất cả lượng xăng dầu nhập về nước ở mọi thì trường. Trong khi đó, theo các FTA, thuế suất nhập khẩu xăng dầu ở từng thị trường là khác nhau. Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, việc này đang dẫn đến một vấn đề lớn, đó là các doanh nghiệp trong nước phải “bôi trơn” cho đối tác nước ngoài để được mua xăng dầu.

“Đây có một vấn đề rất lớn và cần xử lý. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đi vào các thị trường có thuế nhập khẩu thấp, không loại trừ khả năng bị ép giá. Một khả năng xấu hơn là doanh nghiệp sẵn sàng trả thêm tiền để được hưởng mức thuế thấp. Mức tiền nó ghê gớm lắm, cho nên người ta sẵn sàng trả thêm. Tất nhiên, khi người ta trả thêm thuế thì khi tính thuế nhập khẩu theo giá nhập thực thì nhà nước cũng có thu thêm. Nhưng vẫn không thể nào bù đắp nổi phần chênh lệch thuế” – ông Tuyển lấy ví dụ.

Nhằm giải quyết vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển đề xuất lấy mức thuế nhập khẩu thấp nhất tại thời điểm để áp dụng cho tất cả các nguồn nhập khẩu xăng dầu. Theo ông, nếu làm như vậy, doanh nghiệp sẽ không bị ép giá, còn tiền sẽ không rơi vào tay của các doanh nghiệp nước ngoài bán xăng dầu cho Việt Nam.

“Nên lấy mức thuế nhập khẩu thấp nhất tại thời điểm để áp dụng cho tất cả. Anh mua ở thị trường nào, tôi không biết nhưng tôi lấy mức thuế thấp nhất để tính thuế. Như vậy sẽ không bị ép giá. Trước sau các doanh nghiệp sẽ nhảy vào đấy và doanh nghiệp cũng không phải trả thêm tiền cho người nước ngoài hưởng lợi” – ông Tuyển đề xuất.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên