MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trương Đình Tuyển: "Ở trong trường hợp ấy, tôi cũng tranh thủ!"

Kinh doanh chụp giựt không chỉ là lỗi của doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Trương Đình Tuyển, thể chế không ổn định cũng góp phần khiến doanh nghiệp thích nghi kịp và buộc phải chạy theo mục tiêu ngắn hạn.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức sáng nay (26/4) tại Hà Nội, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại nêu lên 3 điểm yếu của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cụ thể:

Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân trong nước sinh sau đẻ muộn, tiềm lực công nghệ, tài chính, kinh nghiệm đều yếu.

Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân trong nước không biết đặt lợi ích khách hàng vào vị trí trung tâm.

Thứ ba, doanh nghiệp tư nhân trong nước thường kinh doanh chụp giựt, theo kiểu cơ hội.

Đối với đến điểm yếu thứ ba của doanh nghiệp tư nhân trong nước, ông Trương Đình Tuyển cho rằng phần lỗi không chỉ nằm ở doanh nghiệp. Bởi lẽ, thể chế không ổn định khiến doanh nghiệp không thể đưa ra chiến lược dài hạn, và họ bị buộc phải chụp giựt.

“Làm sao đưa ra chiến lược kinh doanh dài hạn khi không biết trước ngày mai như thế nào? Tôi ở trong trường hợp ấy, tôi cũng tranh thủ” – ông Trương Đình Tuyển nói.

Theo ông Trương Đình Tuyển, việc phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước là có thật trong thực tế. Đây chính là một khó khăn đối với các doanh nghiệp tư nhân dù mọi văn bản pháp luật đều nhấn mạnh việc đối xử bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, ông Tuyển đã thấy nhiều chuyển biến trong tư duy về kinh tế tư nhân của các lãnh đạo sau nhiều năm là thành viên tổ tư vấn cho Thủ tướng.

“Đảng và Nhà nước đã bước đầu coi doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng. Đầu tiên là doanh nghiệp nhà nước, sau đó ít quá thì coi doanh nghiệp tư nhân là động lực và nay là động lực quan trọng” – ông Trương Đình Tuyển kể lại.

Tháng 5/2017, Hội nghị trung ương 5 khóa XII có thể sẽ ra nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nghị quyết này nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết Nghị quyết tới đây sẽ đưa ra được những quyết sách lớn, tập trung giải quyết 4 nhóm vấn đề: định hướng phát triển kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân.

Chia sẻ đánh giá cá nhân, ông Nguyễn Văn Bình nhận thấy kinh tế tư nhân có nội lực còn yếu, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên