MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Vinh Phú: Cần đặc biệt lưu ý hiện tượng doanh nghiệp bán lẻ ồ ạt báo lỗ

Vụ Metro Việt Nam bị truy thu 500 tỷ đồng hồi năm 2015 được chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội dẫn ra như một trường hợp điển hình cho việc doanh nghiệp báo lỗ giả để trốn thuế.

Chia sẻ tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả nhân dịp đầu năm, ông Vũ Vinh Phú cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam rất giàu tiềm năng, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng luôn trên 2 con số. Tuy nhiên, ông cho biết cuộc cạnh tranh để xâm nhập và phát triển hệ thống phân phối này của các doanh nghiệp FDI rất mạnh mẽ và quyết liệt, có nhiều ưu thế hơn so với doanh nghiệp Việt.

Dẫn ra số liệu Bộ Công thương, ông Phú nói rằng cho tới nay, các doanh nghiệp FDI đã chiếm 17% thị phần siêu thị và trung tâm thương mại, 50% bán hàng trực tuyến, 15% siêu thị mini, 70% cửa hàng tiện lợi.

Còn ghi nhận từ các chuyên gia lại chỉ ra thị phần của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp FDI đã chiếm hơn 50%.

Tuy nhiên, bên cạnh sự xâm nhập này, cũng có những doanh nghiệp trụ vững và phát triển được như Saigon Coop, Vingroup...

"Điều cần lưu ý là trong các cuộc cạnh tranh này, xuất hiện nhiều hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, điển hình như vụ Metro vài năm trước đây đã bị truy thu các khoản, ước tính 500 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước", ông Phú nói.

Theo ông, hiện tượng báo lỗ chưa được kiểm tra và kết luận đang diễn ra khá phổ biến, cả nhà sản xuất và phân phối bán lẻ diễn ra ở cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, điển hình như BigC, Lotte,...

Lotte Mart hiện dẫn đầu danh sách với khoảng lỗ lũy kế gần 800 tỉ đồng kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam năm 2008 đến nay, bằng một nửa vốn chủ sở hữu. Đại diện CTCP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam cho biết cuối năm 2017, doanh thu công ty đạt 5.268 tỷ đồng. Nhưng trong 10 năm, doanh nghiệp đã chi gần 9.000 tỷ đồng dành cơ sở hạ tầng, mặt bằng... của 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị cũng như các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo...

Metro Cash & Carry Việt Nam lỗ luỹ kế gần 600 tỷ đồng cho đến thời điểm chuyển nhượng cho tập đoàn Thái Lan năm 2015. Dưới bàn tay người Thái, mảng kinh doanh bán lẻ của 19 trung tâm này đến nay vẫn chưa sinh lãi.

Hệ thống Big C từng đạt doanh thu trên 10.000 tỷ đồng/năm trước đây nhưng từ khi Tập đoàn Central (Thái Lan) mua và tái cơ cấu đến nay doanh thu có phần đi xuống.

Chuỗi siêu thị Fivimart và Citimart sau khi hợp tác với Aeon cũng liên tục báo lỗ. Năm 2015, năm đầu tiên hợp tác, Fivimart đã báo lỗ hơn 60 tỷ đồng, đến năm 2016 lỗ 96 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 23 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Fivimart đã về tay Vingroup. Citimart cho biết lỗ 91 tỷ đồng năm 2015 và 33 tỷ đồng năm 2016. Đến cuối năm 2016, chuỗi này lỗ luỹ kế 157 tỷ đồng.

"Rõ ràng Việt Nam rất cần thu hút đầu tư vào một lĩnh vực, song điều cần hơn là một thị trường phát triển nhanh và bền vững. Muốn vậy cần phải minh bạch và có một môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng", ông Phú nói và cho biết cần kiểm toán, thanh tra, làm rõ những hiện tượng báo lỗ này.

"Nếu lỗ thì phải tìm nguyên nhân, là khách quan hay chủ quan. Theo quan sát của tôi, có những doanh nghiệp lỗ thật nhưng không ít là lỗ giả lãi thật. Chúng ta cần phải tìm hiểu rõ ràng và công khai minh bạch. Nếu cứ nói chung chung sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác cũng kêu lỗ", ông Phú nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Phú còn lưu ý đến hai kênh phân phối khác là online và bán lẻ truyền thống (chợ, các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ...).

Đối với kênh bán hàng trực tuyến, ông nhận định thị trường đang rất sôi động, cạnh tranh giữa các đơn vị trong và ngoài nước như Lazada, Amazon, Alibaba, Adayroi, Sendo... Theo ông, mặc dù thị phần bán hàng qua mạng mới chiếm khoảng 5% doanh số bán lẻ trong năm 2018 nhưng triển vọng là rất lớn.

Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các nhà bán lẻ trực tiếp. Nghĩa là họ không còn "một mình một chợ" trên thị trường, do vậy, cần có sự thay đổi trong phong cách dịch vụ, chất lượng hàng hoá, thanh toán... để cạnh tranh. Ông cũng đề xuất các doanh nghiệp nên hướng đến bán hàng đa kênh.

Còn với bán lẻ truyền thống, hiện đang chiếm đến 75% thị phần, ông Phú cho biết kênh phân phối này đang tăng trưởng chậm lại. Một phần lý do theo ông là đến từ phát triển mạnh mẽ, sôi động của bán lẻ hiện đại, một phần là do khâu đầu tư, cải tạo cho kênh này đang bị hạn chế.

Ví dụ tại Hà Nội, ông Phú nhấn mạnh "cả 1 năm không có đồng nào để cải tạo chợ". Do vậy, nhiều chợ ở ngay trung tâm thành phố còn nhếch nhác, hạ tầng kém, an toàn phòng chống cháy nổ không đảm bảo...

Hoặc những chợ được cải tạo như Hàng Da, Ô Chợ Dừa, Cửa Nam lại không hiệu quả. "Tầng trên là các đại gia, tầng hầm vẫn còn nhiều điều kiện thiếu thốn lại dành cho các tiểu thương trong khi chính những người này lại phải chi rất nhiều tiền đóng góp xây dựng

"Nhiều người đã bán sạp, kiot", ông Phú nói và cho biết Hà Nội đã phải công nhận sự thất bại trong cải tạo chợ, phải dừng lại một vài năm để tìm mô hình khác.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên