MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

OPEC sẽ mất thị phần vào tay đối thủ nếu tiếp tục cắt giảm sâu

26-06-2017 - 15:26 PM | Thị trường

"Mức hạn ngạch 1,8 triệu thùng/ngày sẽ được nâng lên"- ý kiến đề xuất vốn bị từ chối tại thời điểm cuộc họp OPEC sắp bắt đầu hồi cuối tháng 5, có vẻ như vẫn chưa thể thành hiện thực.

Thị trường dầu thô đang trải qua những tháng ngày tăm tối khi giá liên tiếp giảm, mặc cho nỗ lực của nhiều nước. Tháng trước OPEC và một số nước xuất khẩu dầu thô khác dẫn đầu là Nga đã quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm khai thác thêm 9 tháng nữa nhằm rút lượng dầu thừa trên thị trường. Tuy nhiên, động thái này dường như có vẻ không mấy hiệu quả khiến OPEC và các nước đồng minh rơi vào trạng thái "bí", khó khăn trong việc đẩy giá dầu lên.

Trong khi Ả-rập Saudi, Nga và các nước đồng minh liên tục cắt giảm sản lượng thì Mỹ, Libya và Nigeria lại làm điều ngược lại, phá vỡ nỗ lực khắc phục tình trạng dầu thừa của các nước khác. Giá dầu đã hạ xuống mức trước thời điểm OPEC và các nước xuất khẩu dầu khí khác lần đầu tiên ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm ngoái.

"Mức hạn ngạch 1,8 triệu thùng/ngày sẽ được nâng lên"- ý kiến đề xuất vốn bị từ chối tại thời điểm cuộc họp OPEC sắp bắt đầu hồi cuối tháng 5, có vẻ như vẫn chưa thể thành hiện thực. Ít nhất lúc này, những cam kết của Ả-rập Saudi rằng "sẽ làm mọi thứ có thể" để ổn định giá dầu dường như thưa thớt hơn.

Bộ trưởng dầu khí Iran ông Bijan Namdar Zanganeh hôm thứ Tư cho biết việc cắt giảm sâu hơn nữa có thể là rất cần thiết nhưng để đạt được sự đồng thuận là một điều không hề dễ dàng. Tại một cuộc họp ủy ban tuần trước tại Vienna, các đại biểu chỉ đề cập qua về khả năng nâng hạn ngạch cắt giảm mà thay vào đó chủ yếu tập trung vào tình hình sản lượng của các nước Libya, Nigeria và Mỹ liên tục tăng. Một đại biểu cho biết, Nga thậm chí đưa ra rất nhiều trường hợp nước này có thể từ chối kéo dài cắt giảm hoặc cắt giảm sâu hơn nữa.

Theo chuyên gia phân tích Hasan Qabazard cho biết "Nếu cắt giảm sâu hơn nữa thì điều này sẽ rất tốt để tháo gỡ những khó khăn của OPEC. Tuy nhiên, về lâu dài thì sẽ không có lợi cho thị phần của tổ chức này. Họ có muốn mất thị phần phần không? Tôi nghĩ là không bởi gần đây các nước đang đầu tư để tăng nâng công suất khai thác".

Nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của các nước thành viên ký thỏa thuận cắt giảm dường như không còn hiệu quả khi nguồn cung của các nước đối thủ như Mỹ, Libya và Nigeria không ngừng tăng.

Tại Mỹ, sản lượng khai thác dầu đá phiến tăng liên tiếp. Họ cho rằng nếu tăng sản lượng thì họ vẫn có thể thu lời ngay cả khi giá dầu ở mức thấp. Tuần trước, sản lượng khai thác dầu đá phiến cùa Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2015 là 9,35 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay.

Cùng lúc đó, sản lượng khai thác của 2 nước thành viên OPEC không ký thỏa thuận cắt giảm là Libya và Nigeria cũng tăng. Theo một quan chức thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya cho biết nước này bơm khoảng 900.000 thùng dầu/ngày, mức cao nhất trong vòng 4 năm. Cùng lúc đó, hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nigeria cũng vừa bắt đầu trở lại sau 15 tháng tạm hoãn. Dự kiến trong tháng này, Nigeria sẽ xuất khẩu khoảng 250.000 thùng/ngày.

Theo David Fyfe, giám đốc nghiên cứu toàn cầu thuộc công ty Gunvor Group Ltd. nhận định "OPEC cần phải cắt giảm sâu hơn nữa để bù vào lượng dầu thô tăng ở các nước Nigeria và Libya".

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán, năm sau, sản lượng khai thác của Mỹ sẽ còn tăng hơn nữa. Kết quả là nhu cầu dầu thô nhập khẩu từ OPEC sẽ giảm khoảng 200.000 thùng so với năm nay.

Nâng hạn cắt giảm không phải là điều dễ dàng. Bất cứ thay đổi nào trong thỏa thuận cắt giảm vào lúc này cũng có thể trở nên phức tạp hơn do những bất ổn về chính trị và ngoại giao. Bộ trưởng dầu khí Algeria vừa bị sa thải khỏi nội các trong khi Qatar vẫn đang phải chịu lệnh cấm vận của Ả-rập Saudi.

Trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm do tình trạng thừa dầu trên thị trường, tập đoàn an ninh cảng biển Seaport Global Securities dự báo giá dầu có thể giảm xuống 40 USD/thùng trong nửa đầu năm 2018.

Theo ông Mike Kelly, trưởng bộ phận nghiên cứu thăm dò và khai thác dầu khí thuộc công ty Seaport Global Securities dự đoán, sản lượng khai thác dầu thô trong năm tới sẽ bùng nổ. Sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng thêm 1,8 triệu thùng/ngày, gần gấp đôi so với ước tính của Tổ chức Năng lượng Quốc tế. Cùng lúc đó, sản lượng khai thác của các quốc gia khác cũng sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày.

Theo ông, về lâu dài, nếu tình hình này vẫn tiếp diễn thì giá dầu có thể giảm xuống còn 40 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích tại ngân hàng Danske, ông Jens Pederse cho biết "Thị trường đang hy vọng OPEC sẽ hành động tích hơn nữa nếu không giá dầu sẽ còn giảm."

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên