MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PAPI 2016: Người dân không muốn vì kinh tế mà hy sinh môi trường

Môi trường đã trở thành một vấn đề được quan tâm ở cấp độ quốc gia, bảo vệ môi trường cần được ưu tiên dù phải hy sinh tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI 2016) vừa được công bố sáng nay.

Một trong những câu hỏi quan trọng trong khảo sát PAPI thường niên là đánh giá của người dân về ba vấn đề hệ trọng nhất của đất nước trong năm vừa qua. Từ đánh giá của hơn 14.000 người dân Việt Nam cho thấy vấn đề quan ngại nhất trong năm 2016 là vấn đề môi trường.

Môi trường trở thành vấn đề cấp độ quốc gia

So với kết quả khảo sát năm 2015, tỷ lệ người trả lời cho rằng vấn đề môi trường là đáng quan ngại nhất tăng hơn 10%, một mức gia tăng rất đáng kể. Sự gia tăng đột biến này phản ánh mối quan tâm của dư luận sau sự kiện cá chết hàng loạt tại khu vực duyên hải miền Trung do xả thải công nghiệp, hạn mặn ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và đồng bằng sông Hồng.

Mối quan tâm tới môi trường của người dân đặc biệt tăng lên ở những địa phương bị ảnh hưởng lớn từ sự cố, song mối quan tâm đó còn được ghi nhận ở nhiều địa phương khác. Điều đó cho thấy môi trường đã trở thành một vấn đề được quan tâm ở cấp độ quốc gia.

Không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường

Kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy Việt Nam đứng ở thứ bậc cao trên bảng xếp hạng toàn cầu về tỷ lệ người trả lời cho biết bảo vệ môi trường cần được ưu tiên cho dù phải hy sinh phần nào kết quả tăng trưởng kinh tế. Có tới 77% số người được hỏi ở Việt Nam cho rằng bảo vệ môi trường cần được ưu tiên trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 82%, ở Nhật Bản là 64% và ở Indonesia là 47%. Trong đó những người trả lời thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung gồm Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế để bảo vệ môi trường.

Lo ngại về nguồn nước và không khí

Những vấn đề môi trường được người dân đặc biệt quan tâm là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí, trong đó theo kết quả khảo sát chỉ có 7% cho rằng nước từ các nguồn gần nơi sinh sống là đủ sạch để ăn uống, 25% cho rằng nước đủ sạch để giặt giũ và 28% cho rằng nước đủ sạch để bơi lội. Ngoài ra có tới 67% người trả lời sống gần sông ngòi cho biết chất lượng nước từ những nguồn này kém hơn trước.

Với chất lượng không khí có 36% cho rằng chất lượng không khí kém hơn so với 3 năm trước trong đó khu vực đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ người trả lời cho biết chất lượng không khí đi xuống cao nhất toàn quốc, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là phàn nàn nhiều nhất về chất lượng không khí với 58% số người trả lời ở Hà Nội và 42% số người trả lời ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết chất lượng không khí năm 2016 kém hơn nhiều so với ba năm trước.

Từ kết quả khảo sát trên, PAPI đưa ra hàm ý chính sách, các cơ quan hữu trách cần thực hiện giám sát tốt hơn việc tuân thủ các tiêu chuẩn và chính sách bảo vệ môi trường, đồng thời minh bạch hóa những tiêu chuẩn đó để cộng đồng và người dân cùng theo dõi, giám sát các cơ sở sản xuất và khu vực dân sinh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Chỉ số PAPI được cấu thành từ việc tính toán, tổng hợp từ hơn 5.700 biến số cấu thành chỉ tiêu, nhóm thành hơn 1.370 biến số cấu thành chỉ số thành phần và hơn 370 biến số cấu thành sáu lĩnh vực nội dung.

Trần Dũng

PAPI

Trở lên trên