MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Petrolimex lên sàn ngày 21/4 giá 43.200 đồng/cp: Sự soán ngôi trong top 10 DN lớn nhất TTCK Việt Nam

15-04-2017 - 07:19 AM | Doanh nghiệp

Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu PLX là ngày 21/4/2017, giá khởi điểm ngày đầu giao dịch là 43.200 đ/cổ phiếu. Với mức giá này, phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu PLX sẽ dao động trong biên độ 20%, từ 34.560 đồng/cp - 51.840 đồng/cp.

Ngày 14/4/2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chính thức chấp thuận cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) niêm yết 1.293.878.081 cổ phiếu trên Sở GDCK Tp.HCM với mã PLX.

Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu PLX là ngày 21/4/2017, giá khởi điểm ngày đầu giao dịch là 43.200 đ/cổ phiếu. Với mức giá này, phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu PLX sẽ dao động trong biên độ 20%, từ 34.560 đồng/cp - 51.840 đồng/cp.

Vốn hóa thị trường của Petrolimex có thể đạt mức 67.000 tỷ đồng, PLX sẽ chính thức nằm trong top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh VNM, VCB, SAB, VIC, GAS và vượt vốn hóa của BIDV, CTG.

Không như các ông lớn Nhà nước thường lựa chọn niêm yết trên Upcom nhằm giảm các điều kiện và các thủ tục, ban lãnh đạo Petrolimex lựa chọn niêm yết trên sàn Hose nhằm khẳng định rằng, cho dù là một trong các Tập đoàn có vốn Nhà nước lớn nhất thị trường song Petrolimex sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tính công khai minh bạch của một doanh nghiệp cổ phần và luôn hướng đến quản trị theo thông lệ quốc tế. Đây là một quyết định khôn ngoan của Petrolimex bởi hiện tại rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có chính sách đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết trên sàn Hose hoặc HNX mà chưa giải ngân nhiều trên sàn Upcom.

Về cơ cấu cổ đông, hiện Bộ Công thương vẫn đang nắm giữ 75,87% cổ phầncủa Petrolimex và mục tiêu sẽ giảm xuống 51%. Hiện tại cổ đông chiến lược JX NipponO&E sở hữu 8% của PLX. Trong một phát biểu gần đây, Chủ tịch tập đoàn Petrolimex ông Bùi Ngọc Bảo tiết lộ, Petrolimex sẽ chỉ có một cổ đông chiến lược duy nhất là JX Holdings và cái đích mà JX hướng tới có thể là 20 - 25%.

Nếu xét về hiệu quả hoạt động, kể từ khi cổ phần hóa năm 2011, doanh số của Petrolimex liên tục tăng trưởng trong tất cả các lĩnh vực xăng dầu, vận tải, gas và hóa dầu.

Trong lĩnh vực phân phối xăng dầu, Petrolimex hiện vẫn đang giữ vị trí số 1 với gần 50% thị phần cả nước trong đó có 2.400 cửa hàng phủ khắp 63 tỉnh thành. Sản lượng bán hàng của Petrolimex năm 2011 chỉ đạt 9,2 triệu tấn thì đến năm 2016 đạt 11,55 triệu tấn (mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2016 đạt 8-9%/năm) và tiếp tục duy trì mức tăng 3,5-4% trong 5 năm tiếp theo. Lợi thế của Petrolimex ở vị thế người đi đầu đó là các vị trí đắc địa của các cửa hàng xăng dầu mà các đối thủ khác không thể với tới, nhờ đó sản lượng bán hàng trên mỗi cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn luôn gấp 3 thị trường. Nhưng không dừng lại ở đó, Petrolimex tiếp tục có tham vọng mở rộng hệ thống bán lẻ với 150 cửa hàng một năm trong 5 năm tới và gắn với đó là các dịch vụ tiện ích để gia tăng doanh thu, tận dụng địa điểm của chuỗi phân phối.

Bên cạnh đó, hệ thống kho chứa của Petrolimex lên đến 2,2 triệu m3, lớn nhất cả nước và 570km đường ống dẫn dầu giúp Petrolimex chủ động được nguồn hàng và giảm thiểu tối đa các chi phí trong việc vận chuyển xăng dầu.

Ban lãnh đạo Petrolimex cũng đã áp dụng hệ thống quản trị giúp theo dõi realtime đến từng cửa hàng, qua đó kiểm soát được chi phí, giúp gia tăng lợi nhuận cho tập đoàn.

Trả lời báo chí trước đây, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex cho biết “nếu định hướng tốt, quản trị đúng đắn thì đa ngành thành công”. Nhưng các hoạt động “đa ngành” của Petrolimex đều gắn trục với mảng kinh doanh xăng dầu và tất cả các Tổng công ty con của Petrolimex đều hoạt động rất hiệu quả như Tổng công ty GAS Petrolimex (PGC), Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC), các công ty vận tải xăng dầu như PGTank và hệ thống các công ty con như VIP, VTO, …Tập đoàn kỳ vọng các nguồn thu từ lĩnh vực ngoài xăng dầu sẽ đóng góp khoảng 40% doanh thu toàn tập đoàn trong các năm tới.

Năm 2016, Petrolimex đạt doanh thu 123.127 tỷ đồng và 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức cao nhất kể từ khi thành lập tập đoàn. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 4.254 đồng/cp, nếu so với nhóm cổ phiếu trong top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường thì chỉ số EPS của Petrolimex chỉ sau Vinamilk và Sabeco.

Một điểm nữa hấp dẫn nhà đầu tư đó là bên cạnh một tập đoàn quy mô lớn, Petrolimex cam kết trong dài hạn tỷ lệ cổ tức không thấp 12%. Điều này sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư dài hạn muốn nắm giữ lâu dài cổ phiếu PLX.

Theo Lan Anh

Người Đồng hành

Trở lên trên