MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Không chỉ Việt Nam mới có cách tính 'kỳ cục' với bảo hiểm xã hội"

Đóng ít, hưởng nhiều và đầu tư quỹ chưa hiệu quả… là những nguyên nhân khiến cho Quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối lớn trong tương lai không xa.

Theo nhiều phân tích của một số tổ chức quốc tế (như Tổ chức Lao động Quốc tế; Ngân hàng Thế giới) và các nghiên cứu viên độc lập, nếu Việt Nam vẫn giữ nguyên các quy định như hiện nay thì quỹ hưu trí có nguy cơ mất cân đối vào năm 2035 và sau đó có thể không còn tiền vào khoảng năm 2043.

Trao đổi với PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân), ông cho biết là hiện các thông tin về mất cân đối và “vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH)” chưa được hiểu rộng rãi và chính xác.

Theo đó, Quỹ BHXH là quỹ chung với nhiều cấu phần, trong đó các cấu phần hưởng ngắn hạn như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp và các cấu phần dài hạn như hưu trí và tử tuất. Về mặt cân đối thì các quỹ ngắn hạn tương đối đảm bảo trong điều kiện hiện nay, nhưng nguy cơ mất cân đối quỹ chủ yếu là quỹ dài hạn, đó là cho hưu trí và tử tuất.

Ông nhấn mạnh “phải nói rõ nguy cơ mất cân đối quỹ là quỹ hưu trí, Tử tuất thì mới có những hướng đi đúng cho điều chỉnh chính sách”.

Mất cân đối đóng - hưởng có phải là nguyên nhân chính của mất cân đối quỹ?

Trong một lần phỏng vấn gần đây, ông Trần Huy Liệu, Phó TGĐ BHXH Việt Nam cho biết “Không ở nước nào đóng – hưởng lương hưu như Việt Nam khi chỉ đóng 26% nhưng lại được hưởng đến tận 75%”, như vậy là vô lý.

Đồng tình với quan điểm này, PGS Giang Thanh Long giải thích “Hiện nay tổng mức đóng của BHXH đang là 26% và khoảng 22% trong số đó là dành cho hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, lúc về hưu, người lao động có thể sẽ được tới 75%. Mức hưởng này được tính dựa trên số năm đóng góp.”

Ví dụ, như trước năm 2014, Luật quy định định 15 năm đầu được 3%, tức là được hưởng 45%. Mỗi năm tiếp theo được hưởng 2% đối với nam như vậy là 15 x 2% = 30%, cộng với mức 45% trước đó người lao động nam được hưởng 75% lương hưu. Còn đối với nữ, mức hưởng của các năm tiếp theo là 3%, như vậy cộng dồn lại mức hưởng lương hưu là 90%, vượt quá mức hưởng tối đa là 75% nên phần dôi ra sẽ tính hưởng một lần.

“Chính vì lý do đó mà trong Luật BHXH năm 2014 đã phải điều chỉnh giảm phần trăm hưởng xuống. Tuy nhiên, dù giảm xuống nhưng có thể nó vẫn cao hơn nhiều so với mức đóng như hiện nay nên khó tránh khỏi mất cân đối quỹ trong tương lai”, PGS Long cho biết.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết thêm không phải chỉ có Việt Nam mới có cách tính “kỳ cục” này vì “nhiều nước trên thế giới cũng đã từng như vậy, nhưng họ đã thay đổi cách tính toán cũng như thiết kế lại cách đóng-hưởng. Việt Nam cũng cần phải dần chuyển đổi để thích ứng với tình hình, đặc biệt trong bối cảnh dân số ngày càng già”.

Dù vậy, ông Long nhấn mạnh là dù điều chỉnh như thế nào cũng phải đảm bảo được đời sống cho người về hưu hay không bởi “cắt giảm là chuyện đơn giản, nhưng cắt tới mức mà người về hưu không sống nổi bằng lương hưu thì lại là vấn đề kinh tế-xã hội và chính trị rất lớn”.

Một vấn đề khác cũng được dư luận nói tới là bất công bằng trong mức hưởng lương hưu giữa khu vực công với khu vực tư. Tuy nhiên, PGS Long giải thích rằng việc áp dụng Luật BHXH năm 2014 đang thể hiện rằng những sự khác biệt đó dần được xoá bỏ giữa hai khu vực này như cách tính mức hưởng, cách tính mức lương cơ sở để tính lương hưu, đặc biệt từ 2025 trở đi.

Nâng tuổi về hưu là điều tất yếu!

Để giải quyết tình trạng này, PGS Long cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu là điều tất yếu. Tuy nhiên, ông chỉ ra hai vấn đề là khi nào tăng và tăng như thế nào. Lấy ví dụ về Thuỵ Điển, ông cho biết, để tăng thêm được 3 năm làm việc của người lao động (từ 65 lên 68), Thuỵ Điển đã mất 12 năm, tức là trung bình cứ 4 năm mới nâng được 1 tuổi, chứ họ không nâng một lần như một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Vấn đề thứ hai là nâng tuổi hưu lên mức nào? Ví dụ, ở Việt Nam là nâng tuổi hưu cho nam lao động từ 60 tuổi lên 62 hay như các nước khác là 65 hoặc hơn và cho nữ lao động từ 55 thành 60 luôn hay phải qua các bậc tuổi 57, 58…? Ông Long đặt ra câu hỏi.

Theo ông, dù nâng như thế nào thì các cơ quan quản lý cũng cần căn cứ vào tuổi thọ mà cụ thể là tuổi thọ khoẻ mạnh của dân số.

“Tuổi thọ khoẻ mạnh được tính bằng tuổi thọ trừ đi số năm đau ốm trung bình. Báo cáo quốc tế cho thấy dù tuổi thọ của Việt Nam tăng lên, nhưng tuổi thọ khoẻ mạnh của người Việt lại thay đổi ít, trong khi các nước khác như Malaysia, Thái Lan có tuổi thọ tương đương Việt Nam nhưng tuổi thọ trung bình của họ lại cao hơn” ông Long nói.

Do vậy, nếu người lao động không đủ sức lao động sau ngưỡng tuổi nào đó thì việc tăng tuổi hưu sẽ không hiệu quả vì năng suất lao động không đủ bù đắp cho chi phí tiền công, tiền lương… cũng như chăm sóc ốm đau; Nói cách khác, xét trên góc độ kinh tế thì nâng tuổi hưu như thế hoàn toàn không có lợi.

Ông Long cũng nói thêm rằng, đã có nghiên cứu chứng minh rằng việc nâng tuổi hưu không ảnh hưởng tới việc làm của thanh niên như dư luận lo lắng và điều này cũng được chứng minh ở nhiều nước khác (như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản…)

Cũng theo ông Long, ngoài việc nâng tuổi lao động, cần gắn liền với tăng hiệu quả đầu tư bởi theo quy định của Luật hiện nay thì danh mục đầu tư còn khá hẹp và chỉ có đầu tư trong nước.

“Phân tích của Ngân hàng Thế giới cách đây vài năm đã chỉ ra rằng lãi suất thu hồi trung bình của quỹ BHXH còn chưa cao. Đây là vấn đề cần cân nhắc thêm để đa dạng hoá đầu tư, nâng cao lợi suất bởi đây là nguồn không nhỏ để đảm bảo sự cân đối của Quỹ trong thời gian dài hơn”, ông Long nhận định.

“Về việc này, Hàn Quốc đang làm rất tốt. Họ đầu tư quỹ NPS (National Pension System) ở nhiều danh mục và các khoản đầu tư này được thực hiện bởi nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp và có kinh nghiệm quốc tế. Họ đầu tư trong và cả ngoài nước hiệu quả và có lợi suất cao. Việt Nam có thể học hỏi mô hình này trong tương lai”, PGS. TS Giang Thanh Long cho biết.

Đình Phương

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên