MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Trần Đình Thiên: 5 việc lớn để xoay chuyển kinh tế 2018

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, cần thực hiện 5 đầu việc lớn để xoay chuyển kinh tế trong năm 2018. Trong đó chấm dứt thu hút đầu tư FDI một cách đại trà và xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt là việc cần sớm phải làm.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
83 bài viết

Năm 2017 được coi là năm thành công về nền kinh tế. Theo ông, những dấu ấn nào sẽ tạo sự chuyển biến nền kinh tế năm 2018?

Năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam đã tạo dựng được những cơ hội, điều kiện tạo đà cho sự xoay chuyển về mặt kinh tế trong năm 2018. Nhưng để thực hiện việc xoay chuyển, cần chú trọng đến những vấn đề liên quan đến chất lượng của nền kinh tế. GDP ở mức 6,81% trong năm 2017, thực tế vẫn mới chỉ đạt về mặt số lượng. Trong năm qua, những cái “ẩn” của nền kinh tế liên quan đến chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng bắt đầu bộc lộ. Cụ thể, một bên là khu vực kinh tế nhà nước vẫn cứ yếu kém, càng ngày càng yếu trong khi khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Tuy nhiên, biểu hiện tích cực của khối kinh tế tư nhân cũng chưa rõ khi số lượng doanh nghiệp nhỏ, thậm chí nhỏ li ti, vẫn rất nhiều. Trong đó, số doanh nghiệp mang tính hộ gia đình vẫn chiếm chủ yếu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 15%-17%. Lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 13%. Dù số doanh nghiệp tư nhân năm qua tăng rất mạnh nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 8% GDP. Để lâu dài, nếu không có sự liên kết với nhau, các doanh nghiệp này sẽ suy yếu đi.

Năm 2017 cũng có điểm rất đặc biệt cần lưu ý đó là tiền có nhiều nhưng giải ngân vốn đầu tư nhà nước rất khó khăn do vướng mắc về cơ chế, thể chế. Điều này khiến nền kinh tế đứng trước thử thách. Đầu tư công, với sự tham gia quá nhiều của khối tư nhân (được thể hiện qua các dự án BOT) cũng dẫn đến những phí tổn mới mà người dân, xã hội phải gánh, phải chi trả. Trong khi đầu tư công nếu được thúc đẩy đúng mức sẽ giúp giảm chi phí xã hội rất nhiều.

Giải quyết những vấn đề “kinh tế ngầm”, kinh tế không chính thức liên quan đến những vấn đề về cơ chế chính sách cũng là đầu việc cần đặt ra trong năm 2018 và các năm sau đó. Chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là việc cần quan tâm giải quyết trong năm nay.

PGS.TS Trần Đình Thiên: 5 việc lớn để xoay chuyển kinh tế 2018  - Ảnh 1.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Vậy theo ông, giải quyết những rủi ro mà nền kinh tế có thể gặp phải đó như thế nào?


"Năm 2017 là năm bùng nổ của các doanh nghiệp (DN) FDI với việc gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào một số DN FDI như Samsung. Các DN FDI năm qua chiếm tới 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây là con số rất lớn. Dù xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng mà Việt Nam thu được rất ít. Vì vậy, giải quyết bài toán xu hướng lấn át trong xuất khẩu của các DN FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp là vấn đề lớn. Câu chuyện nữa với hầu hết các DN FDI hiện nay chính là đẳng cấp rất thấp, chủ yếu làm gia công lắp ráp. Khi giá trị gia tăng, yếu tố chất lượng không nhiều thì việc khen các thành tích xuất khẩu cần xem lại. Chưa kể, nếu trừ đi những phần ưu đãi kéo dài trong nhiều năm thì giá trị còn lại không nhiều".

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Trước hết, theo tôi, cần tháo gỡ những trói buộc với DN như giấy phép con, điều kiện kinh doanh, giảm thanh kiểm tra, giảm gánh nặng chi phí cho DN. Chi phí logistic của ta hiện chiếm khoảng 20% GDP, trong đó chi phí giao thông khoảng 16%. Điều này cho thấy gánh nặng phí BOT với DN đang rất lớn.

Việc thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0 cũng là những đầu việc sẽ góp phần tạo sự xoay chuyển trong năm 2018.

Bên cạnh đó, Chính phủ mạnh tay xử lý tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” thông qua liên tục gia tăng áp lực đẩy mạnh cải cách, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh hơn.

Năm 2018 cần có cách nhìn khác về thu hút FDI, không phải là bác bỏ loại bỏ các DN FDI, mà là vấn đề cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Kinh tế Việt Nam không thể dựa mãi vào thu hút đầu tư FDI ồ ạt, đại trà. Không để tình trạng ai vào cũng chấp nhận. Cần chấm dứt tình trạng thu hút FDI với ưu đãi kéo dài hàng chục năm; thu hút để lập thành tích, để lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi giá.

Đã đến lúc đặt ra chiến lược thu hút vốn đầu tư theo hướng: Kinh tế Việt Nam phát triển thông qua chuyển sang “đi săn” các nhà đầu tư có năng lực, đẳng cấp. Như vậy sẽ không còn cảnh dễ dãi được mãi trong thu hút FDI như trước đây.

Cần đặt ra những điều kiện về trình độ công nghệ, chuyển giao công nghệ cao. Từ việc xác định rõ mục tiêu đó, sẽ tiến tới đặt ra những vấn đề liên quan đến ai sẽ là người giúp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế chất lượng cao.

Ông có nói đến việc thay đổi chiến lược thu hút FDI, vậy còn về nội lực trong nước thì cần xử lý thế nào khi nhiều năm qua nhiều doanh nghiệp nhà nước, những “quả đấm thép” của nền kinh tế liên tục gặp vấn đề và hoạt động rất “dặt dẹo”?

Để phát triển, cần xây dựng chiến lược phát triển DN Việt Nam với lộ trình rõ ràng. Theo đó, lực lượng DN hoạt động thực chất. Nếu cứ li ti, hoạt động lẻ tẻ, manh mún mãi như hiện nay thì không thể ra “chiến đấu” và phát triển nhanh được. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp cũng cần xem lại. Khởi nghiệp cần đẳng cấp, gắn với các sáng kiến, đổi mới sáng tạo công nghệ cao cần khuyến khích. Tuy nhiên, không thể phát triển khởi nghiệp kiểu phong trào. Khởi nghiệp không thể phát triển như phong trào lập nghiệp.

Cảm ơn ông.

Theo Phạm Tuyên (thực hiện)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên