MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá sản ngân hàng: Nước ngoài làm nhiều, Việt Nam còn lâu?

27-10-2017 - 15:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Cụm từ Phá sản ngân hàng được nhắc đến gần đây với tần suất dày đặc bởi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi đã đưa khái niệm này vào là 1 trong 5 phương án để tái cơ cấu TCTD được kiểm soát đặc biệt và Quốc hội đang tiến hành thảo luận, cho ý kiến trước khi quyết định thông qua dự thảo tại kỳ họp lần này.

Phá sản là 1 trong 5 phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt

Dự thảo luật mới nhất đã được cơ quan soạn thảo chỉnh lý theo hướng phân chia lại các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thống nhất, rõ ràng hơn. Theo đó, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản.

Trong các phương án này thì phá sản ngân hàng được quan tâm hơn cả vì ở Việt Nam chưa có tiền lệ. Nhiều mối quan ngại cho rằng phá sản ngân hàng đồng nghĩa với việc quyền lợi của người gửi tiền sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, phương án cơ cấu lại TCTD bằng phương án phá sản là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt. Dự thảo Luật quy định việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công, đồng thời quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm quyết định một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ.

Thế giới đã áp dụng nhiều

Lật lại lịch sử ngành ngân hàng thế giới cho thấy có nhiều tên tuổi ngân hàng rất lớn, thậm chí có những tên tuổi tưởng chứng lớn đến mức không thể bị hủy diệt, nhưng cuối cùng cũng bị xóa tên. Có thể kể đến đế chế tài chính 158 năm tuổi và đứng thứ 4 ở Mỹ là Lehman Brothers và ngân hàng lớn thứ 6 của Mỹ Washington Mutual hồi năm 2008 với cùng nguyên nhân từ thị trường tín dụng và bất động sản. Trước đó 1 năm, cũng chính bởi việc mở rộng hoạt động sang cho vay thế chấp bằng bất động sản mà Northern Rock của Anh mất thanh khoản và chính phủ phải tiếp quản.

Hồi những năm 90 của thế kỷ trước cũng có vài cái tên ngân hàng lớn ra đi như năm 1991 có Bank of Credit and Commerce International. Với tài sản vượt quá 20 tỷ USD thời điểm ấy, hoạt động trải dài trên 78 quốc gia với 400 chi nhánh, Bank of Credit and Commerce đã trở thànhmột trong những vụ sụp đổ có phạm vi rộng nhất. Hay Baring Bank từng là ngân hàng thương mại lâu đời, thành lập vào năm 1762, và có uy tín nhất London, là ngân hàng cá nhân của Nữ Hoàng và đã từng tài trợ cho cuộc chiến của Napoleon vào thế kỷ 19, nhưng đã phải giải thể vào năm 1995 với nguồn cơn từ việc một trong những nhân viên của ngân hàng gây nên khoản lỗ tới 827 triệu bảng, tương đương 1,4 tỷ USD, do đầu cơ vào các hợp đồng tương lai. Thay vì công khai sai lầm của mình, nhân viên ngân hàng kia lại che giấu mọi thứ bằng một serie các bản báo cáo kế toán phức tạp, với hy vọng kéo dài thời gian chờ thị trường hồi phục nhưng mọi việc đi theo hướng ngược lại Thông tin này sau khi được công bố đã đặt dấu chấm hết cho ngân hàng thương mại lâu đời và uy tín nhất London...

Việt Nam thận trọng ngay cả khi nhắc đến

Ở Việt Nam, hoạt động ngân hàng vẫn được xem là an toàn nhất. Người gửi tiền vào ngân hàng rất an tâm vì ngân hàng không thể đổ vỡ. Ngay cả các trường hợp gần đây là OceanBank, GPBank và VNCB do thua lỗ nặng nề đến mức âm vốn điều lệ nhiều lần song cũng không bị phá sản mà được NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng để trở thành ngân hàng 100% vốn của Nhà nước. Quyền lợi của người gửi tiền không hề bị ảnh hưởng, thậm chí sau khi chuyển đổi, các nhà băng này còn “tự hào” vì mình có… Nhà nước chống lưng.

ụm từ phá sản ngân hàng vẫn được xem là rất nhạy cảm trong hoạt động ngân hàng ở Việt Nam. Thậm chí những ngân hàng thua lỗ, âm vốn điều lệ bị NHNN mua bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng còn tự hào là ngân hàng 100% vốn Nhà nước (ảnh minh họa)

Cụm từ phá sản ngân hàng vẫn được xem là rất nhạy cảm trong hoạt động ngân hàng ở Việt Nam. Thậm chí những ngân hàng thua lỗ, âm vốn điều lệ bị NHNN mua bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng còn "tự hào" là ngân hàng 100% vốn Nhà nước (ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia đã đề cập đến cụm từ phá sản từ lâu vì cho rằng trong xu thế hội nhập thì việc các ngân hàng làm ăn thua lỗ sẽ phải gánh chịu hậu quả là tất yếu. Theo họ, nhà nước cần có giải pháp mạnh tay nhất mới có thể ngăn chặn được tình trạng các ông chủ lập ngân hàng rồi rút vốn cho vay các công ty sân sau, đến lúc thua lỗ lại nhờ sự giải cứu của NHNN. Thêm vào đó, một khi cho phá sản ngân hàng thì người gửi tiền thay vì chỉ nhắm đến các ngân hàng có mức lãi suất cao thì nay họ cũng phải quan tâm đến yếu tố an toàn cho khoản tiền của mình, điều này sẽ góp phần làm giảm hiện tượng chạy đua lãi suất huy động trong hệ thống. Các ngân hàng có chất lượng tốt, quản trị minh bạch, thanh khoản dồi dào sẽ không phải chạy theo các ngân hàng nhỏ trong việc nâng lãi suất huy động để giữ chân người gửi tiền, từ đó họ có thể cắt giảm lãi suất cho vay nhờ nguồn tiền huy động có chi phí thấp.

Dẫu vậy, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, việc cho phá sản ngân hàng dù cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng, nếu triển khai cần làm từng bước một và cần có sự chuẩn bị kỹ, đặc biệt là ở công tác truyền thông để người gửi tiền dần quen với việc phải chịu trách nhiệm với chính khoản tiền của mình, tránh tâm lý bị sốc khi có sự cố. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên mức cao hơn (vốn đã nâng từ 50 triệu lên 75 triêu đồng/trường hợp kể từ năm 2017, áp dụng cho tất cả các khoản tiền) hoặc có thể phân chia mức bồi thường bảo hiểm tiền gửi phù hợp, theo một tỷ lệ nhất định nào đó tương ứng với số tiền gửi nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.

Còn nhiều ý kiến trái chiều nhau

Nhắc đến từ lâu tuy nhiên đến tận dự thảo Luật các TCTD sửa đổi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV, cụm từ phá sản ngân hàng mới chính thức được đưa vào là 1 trong 5 phương án để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt.

Thảo luận tại Hội trường ngày 26/10, nhiều ý kiến băn khoăn rằng phương án phá sản có thể tác động đến tâm lý cũng như ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Có ý kiến thì đề nghị khi thực hiện chuyển giao bắt buộc hoặc cho phá sản cần có quy định Chính phủ sẽ có những biện pháp xử lý đặc biệt. Nhiều ý kiến lo lắng, băn khoăn khi bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền như thế nào nhất là khi phá sản hoặc khi giải thể các tổ chức tín dụng...

Cụ thể, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Hà Tĩnh cho rằng, hoạt động của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hướng lớn vào tâm lý khách hàng, có sự lan truyền và hiệu ứng dây chuyền lớn. Vì vậy, cần đặt kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn, kèm theo đó có các hình thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo hướng phục hồi và chuyển giao, tránh phá sản. Việc phá sản ngân hàng thương mại sẽ kèm theo tiềm ẩn các nguy cơ. Thứ nhất là người gửi tiền cá nhân sẽ rút ồ ạt tại các tổ chức tín dụng. Điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền của cả hệ thống. Thứ hai, người gửi tiền có thể tụ tập khiếu kiện đông người, gây mất trật tự, an toàn xã hội và các hệ lụy khác. Hoặc nếu phá sản các tổ chức tín dụng là bắt buộc phải thực hiện thì dự thảo luật cũng nên có các quy định cụ thể hơn về các phương án phá sản tại các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và an toàn của cả hệ thống.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng - TP Hải Phòng thì cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không thực hiện phá sản các ngân hàng để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền cá nhân, bảo đảm ổn định hệ thống. Theo dự thảo luật, đối với phương án chuyển giao bắt buộc, đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc phải là tổ chức tín dụng, trong trường hợp không thực hiện được chuyển giao bắt buộc thì Chính phủ quy định về chủ trương cũng như thực hiện phương án phá sản. Như vậy, phương án phá sản là phương án cuối cùng để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Thiết kế luật theo hướng này, đại biểu thấy băn khoăn trường hợp đối với ngân hàng có quy mô khách hàng lớn nếu thực hiện phá sản nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, trật tự, an toàn xã hội cao và ảnh hưởng đến cộng đồng. Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định xử lý trường hợp không thực hiện được chuyển giao bắt buộc nhưng cũng không thể thực hiện được phá sản tổ chức tín dụng yếu kém do những tác động bất lợi của nó mang lại thì nhà nước cần có những dự liệu về mặt chính sách để có thể xử lý từng trường hợp cụ thể một cách phù hợp.

Đại biểu Đinh Duy Vượt của Gia Lai thì nhận định, việc quy định phương án chuyển giao bắt buộc là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền là trên hết, cũng là đảm bảo đầy đủ các biện pháp xử lý tổ chức tín dụng khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng này không thể phục hồi nhưng cũng không thể phá sản do nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của cả hệ thống.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, người đứng đầu ngành ngân hàng là Thống đốc Lê Minh Hưng nói rằng với vai trò là trung gian tài chính với hoạt động chủ yếu huy động tiền gửi từ người gửi tiền để cấp tín dụng, việc phá sản tổ chức tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan chuyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. Khi xây dựng phương án phá sản, quan điểm chỉ đạo chung là phải đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc phá sản với sự an toàn hệ thống, rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế cũng như quyền lợi người gửi tiền.

Và theo Thống đốc NHNN, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng, khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác, như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên