MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN sẽ mất ít nhất 5.000 tỷ đồng

23-05-2017 - 09:08 AM | Doanh nghiệp

Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên phương án phá sản công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) theo quy định của pháp luật. Kể từ khi nhận bàn giao DQS từ Vinashin, PVN đã chuyển cho DQS hơn 5.095 tỷ đồng bao gồm 1.900,5 tỷ đồng góp vốn điều lệ và gần 3.105 tỷ đồng thanh toán nợ.

Ưu tiên phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất

Trong báo cáo gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, đối với Công ty TNHH Một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) có 3 phương án được xem xét để xử lý đối với doanh nghiệp này, bao gồm: Chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; Phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật và phương án tiếp tục tái cơ cấu Công ty DQS.

"Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi..., đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật", Bộ Công Thương cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề cập đến khả năng xem xét đến phương án chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ nếu tìm được nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện thực hiện phương án.

Tại một báo cáo trước đó được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý DQS, bộ này từng kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu thực hiện phương án chuyển giao nguyên trạng DQS từ PVN về SBIC theo hình thức tăng giảm vốn giữa 2 doanh nghiệp Nhà nước. Giao PVN phối hợp với SBIC đề xuất phương án cụ thể, bao gồm phương thức chuyển giao, giải pháp xử lý tài chính, cơ chế chính sách đặc thù…

Về phương án cho phá sản nhà máy, Bộ Công Thương cho rằng, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.

“Như vậy, phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định và gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì đây là phương án cuối cùng có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định”, văn bản của Bộ Công Thương nêu.

DQS đã “bê bết” như nào khi chuyển từ Vinashin sang PVN?

Từ ngày 1/7/2010, Vinashin bàn giao DQS sang PVN, báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 30/6/2010 đã được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam, vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh của DQS là 3.758 tỷ đồng, vốn điều lệ thực góp chỉ 75 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -974 tỷ đồng, lỗ luỹ kế lên đến gần 1.236 tỷ đồng.

Tổng các khoản nợ phải trả theo báo cáo của kiểm toán Deloitte là 7.440 tỷ đồng trong đó vay của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng là 4.803 tỷ đồng, có đến 70% vốn vay bằng ngoại tệ.


Lỗ phát sinh giai đoạn từ 1/7/2010 đến 30/6/2016 là 2.438,9 tỷ đồng

Lỗ phát sinh giai đoạn từ 1/7/2010 đến 30/6/2016 là 2.438,9 tỷ đồng

Hệ số về khả năng thanh toán ở mức 0,66 - mức này theo đánh giá không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, dài hạn. Tại thời điểm ngày 30/6/2010, DQS mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.

Sau khi được bàn giao sang PVN, DQS đã thực hiện hoàn thành 1 số dự án đóng mới và sửa chữa tàu, lợi nhuận trong 2 năm 2014-2015 đã lần đầu tiên “thoát âm”.

Thời điểm cuối năm 2016, đánh giá của Bộ Công Thương cho biết, nhiều trang thiết bị tại DQS không phù hợp, lạc hậu hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh dẫn đến chi phí khấu hao hàng năm của công ty rất lớn.

Theo Nguyễn Thảo

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên