MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải chấm dứt “nỗi ám ảnh” thanh-kiểm tra

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ta thán: “Ở Việt Nam luôn có câu chuyện Thủ tướng và lãnh đạo Nhà nước mong muốn “cởi trói” cho doanh nghiệp (DN), nhưng bộ máy bên dưới có thực hiện hay không lại là vấn đề khác. Phải có chế tài xử lý nạn “trên bảo dưới không nghe”, mới mong Nghị quyết 35 đi vào cuộc sống.

Khi quan hệ kinh tế bị hình sự hoá

“Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” được nêu trong Nghị quyết 35 được cộng đồng DN coi như một “tuyên ngôn” của Chính phủ. Tuy nhiên, trước khi có tuyên ngôn lịch sử này, thời gian qua, dư luận đã không ít lần bức xúc vì cách hành xử “không quản được thì.. siết”, và “giết nhầm hơn bỏ sót” của các cơ quan công quyền.

Vụ án “Cái chòi vịt” và “Café Xin chào” là hai vụ án điển hình của việc hình sự hóa quan hệ kinh tế. Ông Nguyễn Văn Bỉ (48 tuổi, ngụ TT.Tân Túc, H.Bình Chánh, TPHCM - chủ đất quán cà phê Xin Chào) đã bị khởi tố hình sự chỉ vì dựng chòi vịt bằng lá ngay trên chính mảnh đất của mình. Công an H.Bình Chánh đưa ra lý do khởi tố bị can theo Quyết định số 139 về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở (!). Hay như vụ án “Café Xin chào”, sau 2 lần kiểm tra, Công an H.Bình Chánh khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán - vì tội: “Kinh doanh trái phép”. Lý do khởi tố là do ông Tấn không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và một số vi phạm khác (!).

Sẽ ra sao nếu vụ án “Cái chòi vịt” và “Café Xin chào” không được các cơ quan công luận biết đến và vào cuộc bảo vệ và đáng buồn là theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thực trạng này khá phổ biến. “Số DN nhỏ và vừa gặp phải tình trạng này khá nhiều nhưng họ không dám nói vì sợ trả thù, nhẹ thì bị “đì” thêm các loại thuế, phí; nặng thì bị phạt đình chỉ kinh doanh, thậm chí bị vướng vào vòng lao lý” - bà Chi Lan nói.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho biết, tại Nghị quyết 35, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu, đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP. Muốn làm được điều này, cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để không có vụ “quán café Xin chào” thứ hai.

Nhà nghỉ, khách sạn hàng chục đoàn kiểm tra/năm!

Kinh doanh khách sạn là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mặc dù Chính phủ có chủ trương tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, thế nhưng để mở khách sạn, chủ cơ sở kinh doanh ngoài Giấy phép đăng ký kinh doanh thì cần một loạt giấy phép con như Giấy chứng nhận đảm bảo an ninh trật tự, Hồ sơ phương án phòng cháy chữa cháy, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Một thông tin chính xác đã được kiểm chứng, để có đủ bộ giấy phép con, chủ khách sạn phải mất hàng chục triệu tiền lót tay cho các cán bộ.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, một năm trung bình chủ khách sạn phải tiếp đón gần chục đoàn kiểm tra từ cấp phường, quận đến thành phố. Cụ thể, cấp phường thì có cảnh sát khu vực, cán bộ thuế, cấp quận có công an quận, công an quản lý hành chính quận, cấp thành phố thì công an xuất nhập cảnh, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cán bộ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm...

“Luật bất thành văn rồi, một năm “nộp tô” ít nhất hai lần vào mùa hè và dịp tết. Khách sạn, nhà nghỉ to thì đưa phong bì dày, nếu khách sạn mini thì đưa vừa vừa. Năm nào chưa kịp “chào hỏi” là có cán bộ gọi điện nhắc nhở luôn. Một khi đoàn đã đến kiểm tra thì khó mà không có lỗi, DN kiểu gì cũng sai chỗ nọ, chỗ kia” - một chủ khách sạn ở Hà Nội xin giấy tên vì sợ bị trả thù cho biết.

Nghị quyết 35 được đánh giá là những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ mới đối với cộng đồng DN. Tuy nhiên, nhiều DN còn e ngại việc khoảng cách từ “trang giấy” đến thực thi còn khá xa vời.

“Thực tế thì chủ trương của Chính phủ và những người đứng đầu rất quyết liệt, nhưng liệu các cán bộ trực tiếp “hành” DN có làm theo không thì chưa biết được” - một chủ khách sạn cho biết.

Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2015 của VCCI công bố cũng cho thấy còn tới 65% doanh nghiệp được hỏi cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến. Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh - cho rằng “Thủ tục hành chính vẫn còn “hành” DN. Trong tháng 5, có DN tiếp tới gần 10 đoàn kiểm tra. Nghịch lý ở chỗ, các DN càng làm nghiêm túc càng bị kiểm tra nhiều, trong khi các DN “làm ăn láo” lại không bị kiểm tra, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết. Liên quan tới việc triển khai Nghị quyết 35, trong đó có vấn đề rà soát phí BOT, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng: “Chưa thể đánh giá hay dự đoán điều gì, nhưng nếu Nhà nước nói mà không làm cho tử tế thì sẽ làm mất niềm tin ở người dân và DN”.

Trao đổi với Lao Động, bà Phạm Chi Lan cho rằng “Để Nghị quyết 35 đi vào thực tế, bản thân các DN nên phát huy điều Thủ tướng đang yêu cầu là tăng cường vai trò giảm sát của mình, tiếp tục lên tiếng, đừng buông xuôi trước các hoạt động của bộ và cơ quan nào đó không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu như phát hiện các bộ, các ngành đưa từ thông tư lên nghị định những điều không đúng, các DN phải lên tiếng ngay, làm ầm lên đi trên báo chí, công luận để các bộ phải xem xét lại”.

Theo Lan Hương - Khánh Hòa

Lao động

Trở lên trên