MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải chăng Mỹ đang quá khắt khe với Trung Quốc trong các chính sách thương mại của mình?

19-05-2018 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Phái đoàn thương mại cấp cao của Mỹ dường như quay trở lại tay trắng sau cuộc đàm phán ở Bắc Kinh. Kết quả này không quá ngạc nhiên khi xét đến những "yêu sách" to tát và một chiều của Mỹ.

Washington một mặt đòi hỏi Bắc Kinh thay đổi các chính sách công nghiệp và quy định về quyền sở hữu trí tuệ, mặt khác yêu cầu chính phủ nước này ngừng hành động chống lại các mức thuế đơn phương như đề xuất của Tổng thống Donald Trump đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.  

Đây không phải là lần đầu tiên và cũng sẽ không là lần cuối cùng hai cường quốc kinh tế này đối đầu với nhau. Kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào năm 1995, trật tự thương mại toàn cầu dựa trên cơ sở cho rằng các chế độ quản lý trên toàn thế giới sẽ dần hội tụ. Chẳng hạn như Trung Quốc sẽ mang hơi hướng phương Tây hơn trong cách quản lý nền kinh tế của mình. Thay vào đó, sự khác biệt trong các hệ thống kinh tế là nguồn cơn dẫn đến các bất đồng thương mại.

Có nhiều lý do chính đáng để Trung Quốc, và cả các nền kinh tế khác, khước từ những luật chơi mà Mỹ đặt ra. Sau tất cả, bên cạnh việc tự do hóa nền kinh tế, thì câu chuyện thành công kỳ tích của Trung Quốc trong việc toàn cầu hóa còn nhờ những chính sách công nghiệp sáng tạo và không đi theo lối mòn của Bắc Kinh. Bảo hộ có chọn lọc, trợ cấp tín dụng, khối doanh nghiệp nhà nước, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa, và những yêu cầu về chuyển giao công nghệ đều đóng một vai trò nhất định trong việc biến Trung Quốc trở thành một cường quốc về sản xuất như hiện tại. Chiến lược hiện giờ của Bắc Kinh, sáng kiến "sản xuất tại Trung Quốc 2025", hướng đến việc dựa vào các thành tựu này làm bệ phóng để đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế phát triển.

Dễ nhận thấy rằng nhiều chính sách của Trung Quốc đang vi phạm những quy định của WTO, nhưng trước khi gán cho nước này cái tên giễu cợt là "kẻ gian lận thương mại" thì cũng cần suy xét liệu rằng Trung Quốc có thể đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển nhanh như bây giờ nếu nước này gia nhập WTO trước năm 2001, hay mù quáng tuân theo các quy định của tổ chức này. Chiến lược mà Trung Quốc sử dụng để bước vào trò chơi toàn cầu hóa là mở cửa nhưng vẫn đặt một tấm kính ở đó. Bằng cách này, Bắc Kinh vừa thu nhận được luồng không khí trong lành (công nghệ và đầu tư nước ngoài), vừa loại bỏ được những yếu tố gây hại (các dòng vốn dễ biến động và hàng nhập khẩu không có lợi cho sản xuất trong nước).

Trên thực tế thì những biện pháp của Trung Quốc không quá khác biệt so với những gì mà các nước phát triển trước đây đã làm khi cố gắng bắt kịp với nhau. Một trong những phàn nàn chính của Mỹ đối với Trung Quốc là nước này đang vi phạm có hệ thống quyền sở hữu trí tuệ để "đánh cắp" những bí quyết công nghệ. Nhưng vào thế kỷ 19, nước Mỹ cũng đã làm điều tương tự với quốc gia đang dẫn đầu thế giới về công nghệ lúc bấy giờ là Anh. Vào thời điểm đó, những công xưởng may mặc ở New England "thèm khát" công nghệ đến tuyệt vọng và đã cố gắng hết sức để đánh cắp những thiết kế của Anh và lén chiêu mộ những thợ lành nghề của "xứ sở sương mù". Nước Mỹ lúc đó cũng có luật sở hữu trí tuệ, nhưng chúng chỉ bảo vệ cho người Mỹ. Nói đúng ra thì, người Mỹ cũng đã từng là "những tên cướp biển".

Bất cứ một chế độ thương mại quốc tế hợp lý nào cũng phải khởi đầu với nhận thức rằng việc hạn chế các quốc gia có các không gian chính sách để tạo nên những mô hình kinh tế-xã hội của riêng mình là bất khả thi. Các quốc gia có quá nhiều điểm khác biệt trong trình độ phát triển, các giá trị và tiến trình lịch sử để có thể bị gượng ép vào một mô hình tư bản cụ thể nào đó. Đôi khi các chính sách trong nước phản tác dụng và khiến nền kinh tế suy thoái, nhưng cũng có những lúc chúng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế và xóa đói giảm nghèo, như những gì đã và đang diễn ra với Trung Quốc.

Nhiều nhà bình luận tự do ở Mỹ nghĩ rằng Tổng thống Trump đúng khi đối đầu với Trung Quốc liên quan đến những biện pháp thương mại của nước này, nhưng lại phản đối những phương pháp đầy hung hăng và mang tính đơn phương của vị tổng thống này. Chính sách thương mại của Trump được thúc đẩy bởi một chủ nghĩa trọng thương hẹp hòi chỉ chăm chăm lo cho những lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ, mà hầu như không bao gồm lợi ích nào giúp cải thiện thương mại toàn cầu cho tất cả. Những chính sách này đáng ra phải xuất phát từ nguyên tắc vàng trong một chế độ thương mại: đừng áp đặt cho các nước khác những ràng buộc mà chính bản thân mình cũng không chấp nhận được nếu ở trong trường hợp của họ.

Khánh Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên