MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải dừng dự án "bức tử sông Hậu"!

Các chuyên gia bày tỏ lo lắng với Tuổi Trẻ về việc triển khai nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam “bức tử sông Hậu” ở Châu Thành, Hậu Giang.

Phóng viên Tuổi Trẻ đi dọc các khu vực thuộc phường Tân Phú (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) tiếp giáp với Hậu Giang và chỉ cách Nhà máy Lee & Man vài kilômet, nhiều người dân nơi đây cũng bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện nhà máy giấy này.

Gặp phóng viên tới đây chúng tôi mừng lắm vì nỗi bức xúc này không biết nói ở đâu. Liệu bây giờ nhà máy đã xây dựng vậy rồi có dừng lại được không, nếu được thì chúng tôi mừng lắm

Ông LÊ BẢO KỲ

Không thể hi sinh 
môi trường

Ông Lê Hồng Tịnh (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội) từng giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trước khi được bầu làm đại biểu Quốc hội (năm 2011).

Ông nói: “Họ đã rục rịch chuẩn bị đầu tư từ khá lâu rồi. Quan điểm của tôi là môi trường phải được ưu tiên số 1, phục vụ phát triển bền vững, mọi dự án không đảm bảo môi trường, không tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì không được làm, phải dừng dự án.

Tôi chưa có đủ dữ liệu để đánh giá cụ thể dự án này nhưng với những lo ngại của dư luận, lo ngại của các nhà khoa học như vậy thì chắc chắn Bộ Tài nguyên - môi trường phải vào cuộc, cùng với cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang đánh giá, phân tích cụ thể, công khai trước dư luận”.

Ông Tịnh khẳng định rằng sông Hậu liên quan đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của hàng triệu người dân ĐBSCL, đặc biệt có vai trò quan trọng tới sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, do đó mọi dự án có liên quan đến môi trường dòng sông này cần được đánh giá rất kỹ lưỡng.

“Đã hết thời các tỉnh đua nhau kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, thậm chí chấp nhận cả hi sinh môi trường. Chúng ta cần nhất quán tư duy phát triển bền vững, dành ưu tiên số 1 cho bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường vừa được sửa đổi đã quy định rất cụ thể về vấn đề này và phải được thực thi nghiêm túc” - ông Tịnh bày tỏ.

Tránh xảy ra 
thảm họa

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho rằng quyết định thanh tra Nhà máy giấy Lee & Man của Bộ Tài nguyên - môi trường là tốt quá.

Ông Hòe cho biết hai vấn đề lớn cần được xem xét một cách thấu đáo trong đợt thanh tra này là báo cáo đánh giá tác động môi trường vốn đã quá lâu, không còn phù hợp tình hình mới và câu chuyện giám sát hệ thống xả thải của Lee & Man làm sao phải được làm đầy đủ và đảm bảo được thực hiện đúng trên thực tế.

Theo ông Hòe, ĐBSCL là vựa lúa, thủy sản của cả nước, vì vậy phải làm mọi thứ, tránh để xảy ra thảm họa về môi trường.

Sông bị bức tử, 
người cũng “tử” theo

Ông Lê Bảo Kỳ - một hộ dân nuôi cá điêu hồng và cá chép bằng lồng bè Tân Phú (Cái Răng, Cần Thơ) ở địa phương - khẳng định những người dân tại đây chưa ai được mời tham vấn về dự án nhà máy giấy và đến khi nhà máy được xây dựng gần hoàn thành thì họ mới biết.

Ông Kỳ nói cuộc sống của ông và người dân nơi đây đều gắn với dòng sông. Ngoài việc nuôi cá lồng bè, do là khu vực quy hoạch nên không có nước sạch, việc giặt giũ, sinh hoạt, ăn uống của bà con đều từ nguồn nước sông.

“Nếu sông bị bức tử thì cuộc sống của người dân ở đây cũng bị bức tử theo. Gặp phóng viên tới đây chúng tôi mừng lắm vì nỗi bức xúc này không biết nói ở đâu. Liệu bây giờ nhà máy đã xây dựng vậy rồi có dừng lại được không, nếu được thì chúng tôi mừng lắm. Còn không thì cũng phải giám sát họ xả thải cho đàng hoàng” - ông Kỳ chia sẻ.

Ông Quốc - một người dân địa phương - cũng lo ngại khi nhiều nhà máy thậm chí có khu xử lý nước thải nhưng doanh nghiệp vẫn cứ xả thẳng ra môi trường và chỉ xử lý xả thải khi bị kiểm tra nên “chúng tôi rất lo sợ”.

Đã từng ý kiến với trung ương rà soát

Bà Lê Ngọc Diện, phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, cho biết trước thực trạng đáng lo ngại của Nhà máy giấy Lee & Man mà báo chí phản ánh, hiệp hội đã có lấy ý kiến các hội viên về vấn đề này.

Theo bà Diện, nhiều năm trước, khi có thông tin về Nhà máy giấy Lee & Man sẽ xây dựng ở Hậu Giang, các ban ngành, đơn vị ở Cần Thơ đã có ý kiến e ngại về vấn đề xử lý nước thải, chất thải của nhà máy này, cũng như có ý kiến với cơ quan trung ương về việc rà soát cẩn thận.

Sau đó thấy dự án ngừng tiến hành xây dựng, ngành thủy sản Cần Thơ gồm cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng tạm thời yên tâm. Tuy nhiên, không hiểu vì sao gần đây lại thấy nhà máy tiếp tục xây dựng và họp báo để thông tin về việc chuẩn bị vận hành.

Bà Diện nói các hội viên của hiệp hội đã thống nhất một số kiến nghị. Một là đề nghị cơ quan trung ương (cấp bộ) phải theo dõi và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành. Về việc bổ sung quy hoạch nhà máy giấy, các cơ quan trung ương có xét đến vấn đề phát triển bền vững chưa?

Thứ hai, vấn đề xử lý chất thải, nước thải không thể chỉ đánh giá trong điều kiện thời tiết bình thường, mà phải dự kiến đến vấn đề biến đổi khí hậu, bão lũ bất thường xảy ra thì các công trình xử lý chất thải, nước thải trong điều kiện thời tiết bình thường sẽ không đảm bảo. Khi đó không chỉ môi trường mà đời sống sinh hoạt của người dân ĐBSCL, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Thứ ba, đời sống của người dân, sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản ở Cần Thơ lệ thuộc chủ yếu vào nguồn nước sông Hậu.

Do đó, vấn đề chất lượng nước sông Hậu phải luôn được quan tâm hàng đầu. Đừng để sau khi bị các đập thủy điện đầu nguồn gây xâm nhập mặn, đưa đến việc thiếu nước sinh hoạt, sản xuất như thời gian qua, nay lại phải chịu thêm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Theo Chí Công - Lê Kiên

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên