MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải mất 4 năm sau sáp nhập, LienVietPostBank mới lấy lại mốc lợi nhuận nghìn tỷ

23-03-2017 - 11:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Kết quả lợi nhuận của LienVietPostBank trượt dốc mạnh kể từ năm 2011. Nhưng đến năm vừa qua, dấu mốc lợi nhuận nghìn tỷ đã bất ngờ quay trở lại với ngân hàng này.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã có một bước tiến ngoạn mục trong năm 2016. Kết thúc năm 2016, LienVietPostBank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 1.347 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. Sau thuế còn 1.062 tỷ đồng. Với kết quả này, LienVietPostBank đã đánh bật SHB khỏi vị trí số 5 trong bảng xếp hạng 5 ngân hàng cổ phần tư nhân có lợi nhuận cao nhất.

Còn đối với lịch sử phát triển của ngân hàng, LienVietPostBank đã chính thức lấy lại mốc lợi nhuận nghìn tỷ sau hành trình tụt dốc triền miên 4 năm vừa qua. Và đây cũng là mốc lợi nhuận cao nhất trong 9 năm qua kể từ khi ngân hàng được thành lập.

Cũng nhờ tình hình kinh doanh khả quan mà câu chuyện cổ tức "xuôi" hơn . Các năm trước tỷ lệ chi trả cổ tức liên tục suy giảm, năm 2014 LienVietPostBank đã không thực hiện trọn vẹn lời hứa với cổ đông. ĐHĐCĐ năm 2014 đã thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức 2014 là 10%, tuy nhiên ngân hàng chỉ trả 6%. Năm 2015, tỷ lệ chi trả cổ tức còn 4,5%, thấp hơn lãi suất tiết kiệm. Còn năm 2016, ngân hàng dự kiến sẽ trình ý kiến cổ đông để xem xét điều chỉnh cổ tức từ 8% (được thông qua tại đại hội thường niên 2016) lên 10%, trong đó 4% trả bằng tiền mặt (đã thực hiện vào tháng 1 vừa qua) và 6% bằng cổ phiếu (nằm trong phương án tăng vốn 2017).

Vì sao lợi nhuận tăng mạnh?

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết so với tương quan 34 ngân hàng còn lại (không bao gồm NHCSXH và NH Phát triển VN) về lợi nhuận, Liên Việt đang đứng thứ 9/35, về huy động thị trường 1 đang đứng 12/35, về cho vay thị trường 1 xếp hạng 13/35, về quy mô tổng tài sản đứng thứ 13/35.

Cách đây hơn 5 năm, sau khi VNPost góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) tương đương với 360 tỷ đồng - con số chính thức về giá trị doanh nghiệp sau khoảng hai năm định giá và góp vốn nhiều lần bằng tiền mặt vào LienVietPostBank.

Cái được từ cuộc sáp nhập này là ngân hàng nối dài cánh tay đến những xã vùng sâu, vùng xa nhất của Việt Nam. Đến cuối năm 2016, LienVietPostBank có 134 chi nhánh và PGĐ ngân hàng, là ngân hàng TMCP tư nhân duy nhất có mạng lưới chi nhánh phủ khắp cả nước với 139 chi nhánh và PGD ngân hàng, 1.067 PGĐ bưu điện cùng với quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện trên toàn quốc.

Tuy nhiên, cũng từ đây, kết quả kinh doanh của ngân hàng bắt đầu sa sút. Những năm sau đó, thị trường không còn thấy con số lợi nhuận nghìn tỷ trên báo cáo kết quả kinh doanh của LienVietPostBank. Nguyên nhân, ngân hàng đã chưa thể khai thác hiệu quả VPSC như đúng kỳ vọng, bởi dành thời gian và đầu tư chi phí hoạt động do việc mở mới chi nhánh, phòng giao dịch khiến tổng chi phí đội lên. Trong khi dư nợ tín dụng của ngân hàng, chỉ tiêu huy động vốn liên tục không đạt kết quả kỳ vọng.

Kết quả lợi nhuận của LienVietPostBank sụt giảm mạnh kể từ năm 2011. Nhưng đến năm vừa qua, dấu mốc lợi nhuận nghìn tỷ đã quay trở lại với ngân hàng này. Nguyên nhân chính là ngân hàng đã tận dụng từ việc mở rộng tín dụng. Theo BCTC, tính đến thời điểm ngày 31/12/2016, cho vay khách hàng tại LienVietPostBank đạt 79,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 41,8%. Tiền gửi của khách hàng đạt 110 nghìn tỷ đồng, tăng 42,8%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống năm qua. Chính vì vậy, thu nhập lãi thuần năm 2016 của ngân hàng đạt 4.023 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước.

Chiến lược đẩy mạnh bán lẻ đã một lần nữa cho thấy hiệu quả kinh doanh rõ rệt. Tương tự như Techcombank, VPBank, LienVietPostBank đã tập trung thúc đẩy bán lẻ trên toàn hệ thống. Dư nợ bán lẻ đạt 28.869 tỷ đồng, chiếm 35% tổng dư nợ thị trường 1.

Số lượng khách hàng cho vay tới cuối năm 2015 đạt 209.360 khách hàng, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, xét riêng mảng bán lẻ, toàn hệ thống tăng mới 98.924 khách hàng tín dụng bán lẻ, bằng số lượng khách hàng tín dụng bán lẻ còn lại của cả giai đoạn 2008-2015.

Cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 35% so với năm 2015, ngân hàng Liên Việt cho vay ưu đãi cây cà phê Tây Nguyên, trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long; gói 10.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ nông dân trồng mắc ca ở Lâm Đồng.

LienVietPostBank cho hay năm 2017, được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng tối đa 16%, lên 95.317 tỷ đồng. Tuy nhiên với mục tiêu tăng vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng dự kiến tăng trưởng vượt mức và sẽ xin phép NHNN điều chỉnh mức 16% trên.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên