MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Phanh gấp’ phế liệu, ngành nhựa bên bờ vực phá sản

15-08-2018 - 08:42 AM | Thị trường

Doanh nghiệp ngành nhựa lo lắng phải đóng cửa nhà máy, ngừng sản xuất trước lệnh cấm nhập phế liệu.

Sáng 14-8, tại TP.HCM, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VN) - VPA tổ chức cuộc họp liên quan đến chủ trương siết nhập khẩu nhựa phế liệu .

Tại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết họ đang rơi vào cảnh điêu đứng, thậm chí có thể phá sản do hàng ngàn container nhựa phế liệu là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất còn nằm ở cảng, không thể lấy ra được.

Có thể lỗ 10 triệu USD

Ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Lê Trần, thông tin: Trong những năm qua, xuất khẩu nhựa tái chế của công ty đạt khoảng 20 triệu USD/năm và năm nay dự kiến đạt trên 30 triệu USD. Công ty cũng đã ký hợp đồng cho cả năm, nếu tình hình thiếu hụt nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất kéo dài, công ty có khả năng phải đền hợp đồng.

“Hiện nay các DN sản xuất nhựa tái chế đang bị thiệt hại nặng nề. Tôi được biết nhiều công ty trong ngành đã đầu tư nhà máy 100-200 tỉ đồng để sản xuất nguyên liệu nhựa sử dụng nhựa tái chế nhập khẩu đang phải ngưng hoạt động. Nhà xưởng bỏ không trong khi hằng tháng phải trả lãi ngân hàng ít nhất 1 tỉ đồng. Bản thân công ty chúng tôi cũng không có nhựa để sản xuất. Thậm chí nếu muốn giao hàng cho khách phải mua hạt nhựa “xịn” giá cả cao hơn nhựa tái chế nên lỗ 10% và có thể thiệt hại tới 10 triệu USD trong năm nay” - ông Lê dẫn chứng.

Ông Lê cho biết trên thế giới, hầu hết các sản phẩm trong cuộc sống đều có hàm lượng nhựa tái chế rất cao. “Do vậy, nếu làm đúng như quy định của thế giới và VN thì giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm chứ không gây ô nhiễm. Bởi nếu không tái chế nhựa thì rác nhựa không biết bỏ đi đâu” - ông Lê nói.

Tương tự, ông Hoàng Đức Vượng, một DN thành viên Hiệp hội Nhựa VN, cho rằng việc hiểu không đúng về nhựa phế liệu gây hoang mang dư luận và “phanh gấp phế liệu khiến xe của các DN nhựa ngã nhào”.

‘Phanh gấp’ phế liệu, ngành nhựa bên bờ vực phá sản - Ảnh 1.

Đại diện Công ty HSB Global cầm một cái bao jumbo và cho rằng cấm nhập sản phẩm này là không hợp lý. Ảnh: TÚ UYÊN


Ông Vượng nói: “Các quy định VN đang có mâu thuẫn trong định nghĩa phế liệu khi cho rằng phế liệu là chất thải thải ra từ sản xuất. Theo công ước quốc tế, chất thải là chất phải tiêu hủy. Trong khi đó, nhựa phế liệu lại không hoàn toàn là chất thải vì có thể tái chế, bị đánh đồng là chất thải phế liệu nên siết, cấm nhập khẩu, gây khó cho DN”.

Ông Cao Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty HSB Global , chuyên cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy tái chế VN, cũng bức xúc: “Một số ý kiến nói nhập phế liệu về làm ô nhiễm môi trường nhưng bao jumbo nhập về, sau đó nhà sản xuất có thể làm ra hạt nhựa tái sinh và dùng để sản xuất nhiều mặt hàng khác như bao bì dùng trong ngành xuất khẩu gạo. Chúng ta có thể nằm ngủ được, đâu có gì đâu mà ô nhiễm môi trường. Mọi người cứ nghĩ nhập phế liệu nhựa về là ô nhiễm môi trường, như vậy thiếu công bằng cho chúng tôi”.

Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay hiện nay có hơn 4.000 container phế liệu nhựa đang tồn ở cảng. Chỉ tính riêng chi phí lưu container mà họ phải trả cho các công ty vận chuyển đã lên đến 50-100 USD/ngày. Mỗi container chứa khoảng 10.000 USD sản phẩm, nếu tính thời gian hàng bị ách lại cảng 2-3 tháng nay thì chi phí lưu container đã cao hơn giá trị hàng hóa. Cộng gộp lại, thiệt hại do việc ách tắc này cực kỳ lớn. Nhưng thiệt hại lớn hơn là DN không có nguyên liệu để sản xuất; các DN nhựa không thể sản xuất để cung cấp hàng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

“Tình hình rất khẩn cấp”

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN, nêu thực tế: Hiện nay các cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng và rất hạn chế cấp phép nhập khẩu nguyên liệu từ phế thải là do nhiều container phế liệu nhập khẩu về VN bị phát hiện chứa loại phế thải không đúng quy định.

Hiệp hội Nhựa VN dẫn số liệu từ Viện Công nghệ tái chế Hoa Kỳ cho thấy năm 2016, tổng lượng nhựa phế liệu nhập khẩu của các nước trên thế giới vào khoảng 15,5 triệu tấn, tương đương 5,4 tỉ USD. Về xuất khẩu, nhựa phế liệu được xuất khẩu trên 90 nước, từ EU, Mỹ và Nhật. Các nước nhập chủ yếu là châu Á. Từ đó cho thấy nhựa tái chế nếu làm đúng sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm chứ không phải gây ô nhiễm.

“Thậm chí một số ngân hàng đã ngừng giải ngân cho vay vốn vì họ sợ DN không rút được hàng từ cảng, hay xây dựng nhà máy xong lại không được cấp phép nhập khẩu nguyên liệu có thể dẫn tới không sản xuất được. Điều này là quá oan uổng cho những doanh nhân tuân thủ quy định của pháp luật và có tâm huyết với ý thức bảo vệ môi trường. Tình hình rất khẩn cấp” - ông Lam nói.

Tuy nhiên, ngành nhựa VN sử dụng tới 80% lượng nguyên liệu nhập khẩu nên việc Nhà nước đột ngột “phanh gấp”, siết chặt quy định nhập khẩu đã gây nhiều hệ lụy cho DN. Dừng thông quan đột ngột mà không báo trước, không gia hạn để DN có thời gian phản ứng là đổ thêm gánh nặng lên DN.

Từ thực tế này, Hiệp hội Nhựa VN kiến nghị Bộ TN&MT thay đổi phương pháp quản lý sao cho tạo điều kiện cho DN nhập khẩu nhựa tái chế làm ăn đàng hoàng; Bộ Tài chính cần cho thông quan các container hàng nhựa đã qua sử dụng đang tồn tại các cảng biển, cho nâng luồng kiểm tra xác suất để giám sát chặt chẽ mặt hàng nhựa phế liệu và hàng đã qua sử dụng.

“Đối với những container hàng phế liệu nhập sai quy định, đề nghị Bộ TN&MT và Tổng cục Hải quan cần làm rõ và truy trách nhiệm đến cùng để tránh những trường hợp tương tự xảy ra sau này” - Hiệp hội Nhựa VN nêu rõ.

Hiệp hội Nhựa VN cho rằng Công văn số 4202/2018 của Tổng cục Hải quan khiến hải quan các cảng không thể trực tiếp thông quan được các mặt hàng đã qua sử dụng nhưng vẫn còn công năng sử dụng và dù mặt hàng này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Bộ Công Thương. Đáng lo ngại hơn là do các bất cập như trên, cộng với hàng loạt văn bản ban hành mang tính ứng phó nhưng nội dung chồng chéo đã khiến DN không thể lấy được hàng khỏi cảng.

"Hơn nữa, hiện VN mới chỉ có luật, nghị định và văn bản liên quan đến quản lý và tái chế chất thải rắn mà chưa có luật, nghị định, văn bản nào dành riêng cho quản lý và tái chế chất thải nhựa. Với việc thiếu hàng loạt chính sách ban hành liên quan đến việc tái chế nhựa là một trong những tác nhân chính gây nên các bức xúc của dư luận trước hiện tượng môi trường bị tàn phá" - Hiệp hội Nhựa VN cho biết.

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết với hàng hóa là phế liệu đang tồn đọng tại các cảng, cơ quan hải quan đang tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Tú Uyên

Pháp luật TP.HCM

Trở lên trên