MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng mức giảm trừ gia cảnh tác động tới "túi tiền" của người nộp thuế như thế nào?

25-11-2012 - 22:13 PM |

Lợi nhất là người hưởng lương từ 20 đến 55 triệu/tháng. Các đại gia không vui mấy còn nếu lương dưới 8 triệu, thậm chí chẳng được lợi gì.

Sau nhiều tranh cãi nảy lửa suốt gần cả năm trời, sáng ngày 22/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, kể từ 1/7/2013, mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
 
Tuy vậy, biểu thuế lũy tiến từng phần vẫn giữ nguyên; thuế suất cao nhất vẫn ở 35% chứ không giảm xuống 30% như đề xuất của Bộ Tài chính.
 
Biểu thuế luỹ tiến từng phần
Bậc thuế
Phần thu nhập tính thuế/năm
(triệu đồng)
Phần thu nhập tính thuế/tháng
(triệu đồng)
Thuế suất (%)
1
Đến 60
Đến 5
5
2
Trên 60 đến 120
Trên 5 đến 10
10
3
Trên 120 đến 216
Trên 10 đến 18
15
4
Trên 216 đến 384 
Trên 18 đến 32
20
5
Trên 384 đến 624
Trên 32 đến 52
25
6
Trên 624 đến 960
Trên 52 đến 80
30
7
Trên 960
Trên 80
35

 
Luật là vậy, nhưng có lẽ câu hỏi thiết thực và được quan tâm hơn cả, đó là: “Mình lợi được bao nhiêu?”. Bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời.
 
Người viết giả định người nộp thuế có hai người phụ thuộc (ví dụ như có hai con) và các loại bảo hiểm bắt buộc được tính trên toàn bộ thu nhập.

Thu nhập càng cao, thuế giảm càng nhiều?

Các mức giảm trừ áp dụng chung cho tất cả mọi người nộp thuế, nhưng trăm nhà trăm cảnh nên hưởng lợi từ luật cũng mỗi người một khác.
 
Mức thuế được giảm theo mức giảm trừ gia cảnh mới
 
Ví dụ nếu thu nhập hàng tháng của bạn chưa tới 8 triệu đồng /tháng thì luật mới chẳng đem lại lợi lộc gì, vì luật mới hay luật cũ mà bạn chẳng … không phải nộp thuế. Thực vậy, sau khi trừ đi 4 triệu giảm trừ gia cảnh, 3,2 triệu triệu giảm trừ cho 2 người phụ thuộc, và gần 800 nghìn đồng tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc, thu nhập tính thuế của bạn vừa vặn về 0.
 
Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, thế nên đa phần dân Việt sẽ chia sẽ nỗi buồn này cùng bạn …

Dễ thấy, thu nhập càng cao thuế giảm càng nhiều. Nhiều người sẽ hỏi: “Sao lạ vậy, nếu mức giảm trừ tăng như nhau thì có lẽ số thuế được giảm cũng phải ngang nhau chứ?”

Nguyên nhân của sự khác biệt này là do số thuế được giảm có thể tính một cách áng chừng bằng chênh lệch giữa hai mức giảm trừ gia cảnh cũ và mới nhân với biên thuế suất. Giảm trừ gia cảnh có thể (gần) như nhau, nhưng biên thuế suất thì mỗi người một khác. Giả dụ như nếu đang nộp thuế ở bậc 7 (bậc cao nhất), số thuế được giảm sẽ bằng mức giảm trừ nhân với 35%, trong khi nếu nộp thuế ở bậc 1 (bậc thấp nhất), số thuế được giảm chỉ bằng mức giảm trừ nhân với 5% thôi.

Số thuế được giảm tuy tỷ lệ thuận với thu nhập, nhưng không phải tăng mãi. Dù thu nhập của bạn có là bao nhiêu thì mức thuế được giảm tối đa cũng chỉ tới 3,15 triệu đồng mà thôi.

Ai lợi nhất, ai thiệt nhất?

Để giải bài toán này, không thể sử dụng mức giảm tuyệt đối, đơn cử như nguyên tổng giám đốc ngân hàng hưởng lương gần 2 tỷ đồng mỗi tháng, thì số thuế được giảm có hơn 3 triệu quả thật … “chả bõ dính răng”.

Vì  thế, người viết sử dụng chênh lệch giữa thuế suất thực tế theo luật cũ và luật mới xét trên từng mức thu nhập để xác định xem ai lợi nhất và ai thiệt nhất khi luật thuế mới được thông qua. (Thuế suất thực tế được tính bằng số thuế phải nộp chia cho tổng thu nhập). Nếu mức chênh lệch này càng lớn, luật thuế mới càng có lợi.
 

Như đã phân tích ở trên, những người thu nhập dưới 8 triệu đồng/tháng chẳng lợi lộc gì từ luật thuế mới, thuế suất của họ vẫn vậy, 0%. Nhưng từ mức 8 triệu đến gần 25 triệu, mức chênh lệch thuế suất, hay “cái lợi của luật thuế mới”, tăng rất nhanh và lên tới mức cao nhất là gần 4,8% mới mức thu nhập 29 triệu đồng/tháng.

Lợi nhất từ luật thuế mới là dân trung lưu với thu nhập từ 20 đến 55 triệu đồng/tháng khi thuế suất thực tế của họ giảm tới trên 4%, thậm chí gần 5%. Ở các mức thu nhập cao hơn, lợi ích của luật thuế mới giảm dần do số thuế được giảm tăng ít hơn so với mức tăng thu nhập. Với các sếp lớn lương cỡ hơn trăm triệu một tháng, lương càng cao thì cái cảm giác “mình được” càng giảm do số thuế được giảm chỉ giới hạn ở 3,15 triệu đồng.
 
Trở lại ví dụ của nguyên tổng giám đốc nhận lương 2 tỷ đồng/tháng, thuế suất thực tế của ông này chỉ thay đổi có 0,15%, đúng là có hay không … cũng vậy.
 
Minh Tuấn

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên