MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] Phiên tòa xét xử bầu Kiên ngày 30/5

30-05-2014 - 18:40 PM |

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên phát biểu, Hòa Phát sáng nay đã khẳng định không kiện nên ông mong Viện kiểm soát ghi nhận điều này.

18:27 Tòa tuyên bố Kết thúc phần tranh luận

18h20, đại diện VKS đối đáp.

Cáo trạng số 10 không đặt vấn đề thời điểm ra nghị quyết mà đến khi Luật TCTD có hiệu lực, các bị cáo vẫn tiếp tục thực hiện việc ủy thác gửi tiền, là trái với điều 106. Về việc xác định thiệt hại 718 tỷ là Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của ACB. 

Về bị cáo Phạm Trung Cang, VKS nói rõ truy tố vì ban hành chủ trương đầu tư cổ phiếu và thực hiện ủy thác cho cá nhân thực hiện việc gửi tiền. Với Lý Xuân Hải, quan điểm của VKS là bị cáo tham gia vào việc ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu ACB, là người điều hành cao nhất đã giao việc thực hiện cho nhân viên. Đối với các bị cáo khác, VKS đã trình bày chi tiết và giữ nguyên không đổi quan điểm.

Tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận tại đây. Thứ Hai ngày 2/6 tiếp tục xử án.

18:14 Lý Xuân Hải: Nếu ngân hàng chờ hướng dẫn của NHNN thì nền kinh tế sẽ dừng ngay lập tức

Sau phần phát biểu của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Quang Tuấn, Phạm Trung Cang thực hiện phần đối đáp của mình. 

Ông Lý Xuân Hải phát biểu, nhấn mạnh nếu các ngân hàng thực hiện đúng như VKS nói về việc chờ hướng dẫn của NHNN thì “nền kinh tế sẽ dừng lại ngay lập tức”.

(Ông Hải muốn nói lại những gì đã nói trong các phiên tòa trước)

18:11 Ông Kiên đề nghị cung cấp bằng chứng tội cố ý làm trái

Bầu Kiên vẫn tiếp tục phát biểu:

Về việc cố ý làm trái, để buộc tội người khi mà hành vi đó gây thiệt hại, VKS phải chứng minh được ACB bị thiệt hại, được xác nhận là đã xảy ra chứ không phải sẽ xảy ra. Tôi khẳng định ACB không bị thiệt hại từ hoạt động đầu tư vào cổ phiếu ACB dù có việc đó hay không. 

(Ông Kiên nhắc lại nội dung biên bản không có chữ nào nhắc đến đầu tư cổ phiếu ACB, mọi việc bàn bên ngoài lề không thể được tính vào)

Không có bằng chứng nào được xác nhận bằng văn bản thể hiện rằng tôi chỉ đạo việc đầu tư vào cổ phiếu ACB thông qua ACI của ACBS.

VKS nói rằng tôi lũng đoạn thị trường chứng khoán. VKS nhân dân tối cao, UBCK, bộ tư pháp… đã ban hành một thông tư liên tịch nêu rõ thế nào là lũng đoạn thị trường chứng khoán. 

(Ông Kiên nêu lại khái niệm lũng đoạn TTCK, chủ tọa cho rằng bị cáo nên tập trung vào nội dung chính là tội cố ý làm trái, ông Kiên quay lại nội dung đầu tư cổ phiếu ACB)

Việc đầu tư đó được tôi giao cho anh Toàn – trợ lý của tôi, hoàn toàn đúng pháp luật. Có chữ ký của tổng giám đốc không? Được hạch toán đầy đủ không? Báo cáo thuế không? 

(Chủ tọa phải liên tục nhắc ông Kiên kiềm chế cảm xúc)

Tôi chấp nhận rằng 2 công ty của tôi phải chịu lỗ vì hành vi của mình, việc lỗ này xảy ra sau khi tôi bị bắt. Tôi đã vô cùng, vô cùng khó khăn trong việc bảo vệ các công ty. 

Tóm lại, tôi đề nghị VKS đưa ra được bằng chứng là tôi cố ý làm trái. Một tài liệu rõ ràng và đầy đủ. Bằng chứng mà VKS đưa ra chỉ là một đoạn trích dẫn trong báo cáo của ACBI gửi cho chủ tịch của mình về việc mua hộ. 

VKS quy cho tôi là chủ mưu, chủ đạo, tổ chức. Tôi cần được chứng minh, tôi chủ mưa là tôi bàn bạc với ai? Nội dung bàn bạc ấy ở thời điểm nào? Địa điểm nào? Các thành viên cuộc họp phải đưa ra được bằng chứng là tôi chỉ đạo, ép buộc? 

Tóm lại, tôi không làm trái pháp luật, tôi không yêu cầu, ép buộc ai thực hiện hành vi nào vi phạm pháp luật. Đề nghị HĐXX và VKS đánh giá những thiệt hại sẽ xảy ra.

17:28 Đề nghị xem xét Vietinbank là người phải chịu trách nhiệm

Ông Kiên nói tiếp:

Hôm nay, VKS đã né tránh hoàn toàn những câu hỏi tôi đặt ra. Tôi với chức năng tư vấn đã bằng cách nào, thông qua ai, thực hiện như thế nào để ép đối với các thành viên HĐQT thông qua nghị quyết đó? 

Tôi chỉ nói không có ý kiến khác, không liên quan gì đến việc họ đưa ra quyết định. Ngày 22/3/2010, quyết định này có vi phạm pháp luật không? (ông Kiên dẫn các mốc thời gian ban hành các quyết định của NHNN để cho thấy hoạt động ủy thác không phải là “hoạt động ủy thác khác” không cần phải xin phép NHNN).

Hành vi của tôi nếu bị quy vào là có liên quan thì tôi và thành viên khác có trách nhiệm gì trong quyết định này? VKS nói chúng tôi biết rủi ro nhưng vẫn làm. Thành viên HĐQT khi đưa ra quyết định việc gì, phải đưa ra các rủi ro để cân nhắc. Nhưng căn cứ vào các quy định phap luật lúc đó, họ cân nhắc được rủi ro đó có thể quản lý nên mới đưa ra quyết định.

Trong điều lệ ACB ghi, người nào thi hành công vụ không vì lợi ích cá nhân, không cố ý vi phạm pháp luật mà gây thiệt hại thì không phải chịu trách nhiệm, ACB chịu trách nhiệm. Như vậy, các cá nhân ACB không phải chịu trách nhiệm. Cho đến nay, ĐHCĐ ACB cũng chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu các thành viên HĐQT ACB và tôi phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại. 

Các cá nhân và tôi chỉ chịu trách nhiệm nếu xảy ra thiệt hại. Chủ thể, người có quyền xác định ở đây là thiệt hại hay không là ĐHCĐ ACB. 

Về các ý kiến bào chữa cho Vietinbank, chúng tôi nếu có thì có sai lầm duy nhất là đã quá tin vào uy tín của một ngân hàng lớn như Vietinbank. Hóa ra họ sẵn sàng phủi tay, không chịu trách nhiệm về hành vi của mình. 

Hành vi của Vietinbank như sau: sau khi tiền vào tài khoản của các nhân viên ACB gửi tại Vietinbank, tiền đó được Vietinbank quản lý để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình trong một thời gian dài. 

Hành vi thứ 2, không được sự đồng ý của chủ tài khoản, nhân viên của Vietinbank dù bất kỳ là ai đã thực hiện những hành vi trái pháp luật. Việc Vietinbank vì lý do nào đó thiếu kiểm tra kiểm soát đã sử dụng một tài sản được coi là thẻ để thực hiện việc bảo lãnh cho các khoản vay, là hành vi bị lừa đảo. Vietinbank bị lừa đảo chứ không phải các nhân viên của ACB. Sau một thời gian dài sử dụng tiền của người gửi tiền, Vietinbank đã báo có và trả lãi cho các tài khoản, tức là thừa nhận các hợp đồng tiền gửi của các nhân viên ACB là hợp đồng thực chứ không phải hợp đồng nguyên tắc. Vietinbank phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. 

Ông Kiên đưa bằng chứng về cuộc hợp với 14 lãnh đạo NHTM của NHNN, rồi nói tiếp:

Tại cuộc họp, tôi được ông Giá ủy quyền đi họp, tôi đã phát biểu về thực trạng các ngân hàng đem tiền đi gửi vào NH khác. Đại diện các NH khác cũng báo cáo về thực trạng này. Thống đốc đã có công văn như sau: “Do trong thời gian qua, NHNN có ban hành một số chính sách không phù hợp với quy luật thị trường gây khó khăn cho hoạt động của NHTM. NHNN nhận thức được điều này và sẽ có những văn bản mới phù hợp hơn. Vì thế sẽ không truy cứu những NH đã đem gửi tiền vào NH khác trong thời gian qua”.

Ngày 18/9, tôi có hẹn ông Phạm Huy Hùng (chủ tịch Vietinbank) để trao đổi về 718 tỷ này. Đúng hẹn, tôi và anh Hòa (kế toán trưởng ACB) đã đến Vietinbank nhưng rất tiếc người đứng đầu – ông chủ tịch không đến dự, nhân viên có thể dám nói gì? Chúng tôi phải vui vẻ ra về. 

Vietinbank có vốn nhà nước chi phối, khác hoàn toàn với ACB. Người đứng đầu đã không chịu trách nhiệm quản lý tài sản của Ngân hàng. Tôi đề nghị xem xét Vietinbank không phải bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan mà là người phải chịu trách nhiệm về khoản tiền này. Đây là trách nhiệm mà một tổ chức tín dụng phải làm nếu không sẽ tạo ra hiệu ứng.

17:04 Hòa Phát nói không kiện, Bầu Kiên mong Viện kiểm soát ghi nhận

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục phát biểu:

Về hành vi thứ 2, trốn thuế. Nếu VKS cho rằng hợp đồng này là trá hình, thì VKS phải trả lời: 
tại sao tôi biết trước quyết định của Quốc hội? VKS nói trốn thuế vì không kê khai thuế đầy đủ. Kê khai thuế phải thực hiện hàng tháng, quý, năm. Các bản khai nộp cho chi cục thuế Đống Đa đều kê khai và hạch toán đầy đủ cả các hợp đồng với Hương. Khi đoàn thanh tra đến, công ty đã xuất trình 2 hợp đồng, phiếu lệnh, không thiếu cái gì. Tôi nhớ vì tôi là người trực tiếp làm việc với đoàn thanh tra. Tôi xin cảm ơn chị Hà và đoàn thanh tra, trước các áp lực nặng nề vẫn dũng cảm nói rằng họ không phát hiện sai phạm gì trong B&B.

Để có thể tính được thu nhập của công ty, phải lấy tổng thu trừ tổng chi để tính nghĩa vụ thuế. Vì 31/12 Hương bị lỗ nên công ty không tiến hành việc nộp thuế của Hương vì không phát sinh nghĩa vụ, nhưng kê khai đầy đủ với cơ quan thuế.

Trong quy định mới của NHNN có1 câu: người dân từ 8/3/2012 khi giao dịch mua bán với NH chỉ được phépgiao dịch với các cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh vàng chứ không phải người dân phải là hộ kinh doanh cá thể như ý kiến của VKS. Điều nàyđược căn cứ trên 1 thông báo của Bộ Chính trị và sau đó là 1 nghị quyếtcủa Chính phủ.

Các lý do VKS đưa ra tôi cho rằng không đúng pháp luật. Vào thời điểm Hương ký hợp đồng với công ty mà hơn 100 ngàn công dân Việt Nam ký như thế, 30 ngàn khách hàng của ACB ký như thế. Rất nhiều đoàn thanh tra đã thanh tra và đều không nói rằng đây là các hợp đồng vô hiệu. Cơ quan tư pháp như tòa án cũng từng xét xử 1 số vụ án mà không đưa ra kết luận sai pháp luật. Tại sao một mình Hương – em gái tôi bị kết tội? Phải chăng vì là em gái tôi?

VKS nói rằng có vấn đề vì em gái tôi không bỏ vốn ra mà được hưởng lãi. Trên thực tế, em tôi đã phải chịu lỗ. Công ty đã phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ của Hương. Tôi cho rằng không đủ cơ sở để nói hợp đồng của Hương và công ty là vô hiệu. Cho dù hợp đồng này bị tuyên vô hiệu thì bản giám định của giám định viên cũng không thể kết luận công ty trốn thuế. 

Công ty có trách nhiệm xác định lại kết quả BCTC là ngày 31/12/2009 đưa ra, giả định trong trường hợp hợp đồng vô hiệu, thì công ty không phải nộp thuế nếu HĐXX cho kiểm tra lại nghĩa vụ nộp thuế ở công ty này. Cho dù cơ quan thuế có áp đặt phải nộp thuế thì tôi sẵn sàng nộp thuế vì số thuế này sẽ được nhà nước trừ dần trừ lùi trong các năm tiếp theo, như thế làchúng tôi ứng trước tiền thuế chứ không phải là trốn thuế. Đề nghị giám định lại hoạt động kinh doanh của công ty theo yếu tố mới trên cơ sở hợp đồng vô hiệu xem công ty có phải nộp thuế không? 

VKS nói rằng hành vi lừa đảo của tôi được xác lập ngay sau khi công ty nhận được tiền của Hòa Phát. Người vi phạm pháp luật là ai? Ngày 21/5, bất kể hợp đồng ký với nội dung gì thì ngay lập tức, công ty đã tiến hành xác nhận việc chuyển đổi cổ phiếu khi chưa chuyển tiền. Tôi không có bất kỳ khiếu nại nào với công ty Hòa Phát kể cả hành vi đó đã vi phạm pháp luật. 

Hợp đồng thế chấp tài sản bắt buộc đăng ký tại trung tâm giao dịch, đây là việc quản lý tài sản đảm bảo cho việc thanh toán chứ không phải thế chấp. Khi đăng ký quản lý tài sản đảm bảo, Hòa Phát đã xác nhận số cổ phiếu, giấy chứng nhận sở hữu. Tôi không quan tâm các anh ấy có biết hay không nhưng Hòa Phát là một doanh nghiệp thì phải biết là mình quản lý cái gì, ký cái gì, không thể chụp lên đầu tôi. Đây là hành vi ở 2 công ty khác nhau. Tôi không liên quan. VKS nói tôi có ý thức chiếm đoạt. Hòa Phát vô cùng lớn, có rất nhiều công ty. Tiền bạc của họ quản lý rất tập trung, chặt chẽ.

Hợp đồng hoán đổi này là khi Hòa Phát nhận được tiền của tôi chuyển qua tài khoản của em gái tôi, khi nhận đầy đủ rồi thì công ty khác của Hòa phát mới rót tiền từ một ngăn khác ra trả cho ACBI. Minh chứng rõ ràng là tôi không có ý thức chiếm đoạt, nếu không tôi đã không để tiền trong cái “ví” đó của Hòa Phát.

Email của chị Ngọc với chị Yến về việc không giải chấp được số cổ phiếu đang thế chấp,chỉ là ý kiến trao đổi nghiệp vụ của nhân viên với nhân viên. ACBS phải trả lời bằng văn bản thì mới đủ cơ sở để kết tội cho tôi. Khi biết sự việc, tôi đã yêu cầu nhiều lần ACB họp với tôi. Các thỏa thuận này dùchưa được ACB thông báo bằng văn bản nhưng tôi rất nỗ lực làm thủ tục giải chấp số cổ phiếu này. Ý thức của tôi là đưa tài sản khác vào làm tài sản thế chấp thay thế, là thể hiện sự nỗ lực này.

Hòa Phát sáng nay cũng đã nói không kiện tôi. Tôi chỉ mong đại diện VKS ghi nhận.

16:49  Bầu Kiên cảm ơn VKS đã giữ nguyên quan điểm về việc mua cổ phần cổ phiếu là kinh doanh trái phép

Sau giờ giải lao, các luật sư tiếp tục đối đáp.

Luật sư Vũ Xuân Nam bổ sung ý kiến về tội đăng ký kinh doanh và trốn thuế.  Về tội lừa đảo, luật sư tập trung vào phân tích sự khác biệt giữa “cổ phần” và “cổ phiếu”. Luật sư cho rằng sự nhầm lẫn này đã dẫn đến các kết tội sai lầm, đề nghị HĐXX nghiên cứu kỹ.

Ông Kiên xin trình bày, hôm qua ông mới nói 1/3 những điều cần nói.

Ông Kiên nói:

Về tội danh kinh doanh trái phép, thứ nhất là kinh doanh tài chính trái phép. Tôi cảm ơn VKS đã giữ nguyên quan điểm về việc mua cổ phần cổ phiếu là kinh doanh trái phép. Tôi mong ý kiến này được giữ trong suốt quá trình xét xử. Đây là bằng chứng giúp tôi chứng minh được các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước làm sai pháp luật như thế nào.

Trong một công ty, có những công ty khác cùng góp vốn, cùng thời điểm, cùng tại một công ty, công dân Nguyễn Đức Kiên bị coi là vi phạm pháp luật, còn những người khác, pháp nhân khác không bị coi là vi phạm, vậy có công bằng không? Có sự phân biệt đối xử quyền công dân khi áp dụng cùng một điều luật, đó là sự vi phạm nghiêm trọng.

Không phải chỉ những công ty tôi tham gia góp vốn, mà ý kiến VKS như thế tức là những người đã cấp phép kinh doanh cho DN 20 năm qua như Chính phủ, bộ KHĐT … đang đứng trước nguy cơ đã thi hành công vụ trái pháp luật. Các DN cũng đứng trước nguy cơ vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị Quốc hội có ý kiến về việc VKS vận dụng sai những nội dung mà Quốc hội đã thảo luận.

Về mục 2, kinh doanh vàng trái phép, VKS đã không nêu đầy đủ về các ý kiến tôi nói hôm qua, trong đó có hợp đồng ông Chung ký với ACB và các phiếu lệnh đặt vàng. Ông Chung là người thực hiện, không phải tôi. Việc gán cho tôi là áp đặt, không có chứng cứ pháp lý.

Về mặt pháp lý, VKS trích dẫn sai ý kiến của tôi. Tôi nói rằng tại QĐ 174, NHNN không có quy định nào về sản phẩm tài chính phái sinh. Còn trong thông tư 04 thì có. Trước khi có các quy định này thì hàng hóa phái sinh không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện. 

Ví dụ thứ nhất, Công ty khi mua trụ sở để thực hiện hoạt động kinh doanh thì hạch toán vào tài sản cố định và trích khấu hao, khi bán thanh lý cũng không cần giấy phép đăng ký kinh doanh bất động sản vì đây là hoạt động đầu tư chứ không phải kinh doanh.

Ví dụ 2, các công ty để tiền trong NH thì được hưởng lãi, các công ty này không bao giờ cần phải có phép phải đăng ký kinh doanh tài chính thì mới được hưởng lãi, điều này được quy định bởi Bộ tài chính. Nếu VKS cho rằng đầu tư là kinh doanh thì pháp luật đã không cần phải phân biệt đây là 2 hoạt động khác nhau.

Tôi khẳng định thực hiện đúng quy định của pháp luật , không quanh co cố ý né tránh. Tôi làm trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo kỹ càng các văn bản pháp luật.

15:43  Luật sư của Vietinbank: Không thể kết tội một tổ chức không làm sai

Đến phần đối đáp của Luật sư Trương Thanh Đức, bào chữa cho ACB. Một trong những ý kiến của Luật sư là dù tiền gửi có bất hợp pháp nhưng nếu Vietinbank quản lý đúng thủ tục thì cũng sẽ không có chuyện mất tiền. 

Phần đối đáp của luật sư Vietinbank, luật sư nói, cho đến giờ vẫn không có luật sư nào đưa ra được chứng cứ nào về việc Vietinbank làm sai quy trình quản lý. Vì vậy không kết tội được một tổ chức không làm sai.

Cần phải thấy rằng, xuất phát từ chủ trương, việc thực hiện chủ trương của ACB đã khiến Huyền Như chiếm đoạt số tiền này. Luật sư Hoàng Đôn Hùng có nhắc đến 2 hợp đồng ký với Nguyệt và Bé Năm (nhân viên của ACB) nhưng có thể luật sư chưa nghiên cứu kỹ. Đây là 2 hợp đồng giả 100% từ chữ ký đến con dấu. Nếu dùng 2 hợp đồng này để chứng minh VietinBank biết, là sai lầm 100%. Bản thân ACB cónhững sai phạm mới là nguyên nhân trực tiếp.

Liên quan việc có hay không có hậu quả xảy ra, bản thân hợp đồng đã thể hiện là các nhân viên thực hiện theo hợp đồng ủy thác. Căn cứ theo đó, sau khi ký hợp đồng trong ngày thì thanh lý hợp đồng luôn. Thời hạn dài nhất được quy định trong điều 1 là 6 tháng, trong phần chấm dứt hợp đồng ủy thác tiền gửi xác định đến thời điểm này, hậu quả là có rồi.

15:34 Luật sư đề nghị khởi tố 2 phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh

Luật sư Hoàng Đôn Hùng bào chữa tội kinh doanh trái phép và cố ý làm trái của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Luật sư cho rằng VKS chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Huyền Như mà vẫn chưa làm rõ hành vi để xác minh, làm rõ lãi suất 32 hợp đồng tiền gửi là nguồn tiền nào, ai là người chi trả nguồn tiền này vào tài khoản của các nhân viên ACB.

Đối với việc Huyền Như hủy thông tin của khách hàng, thay vào thông tin khác để lợi dụng nhằm rút tiền, thời gian diễn ra hơn 1 năm rưỡi mà không bị phát hiện cho thấy sự quản lý quá lỏng lẻo của Vietinbank. 

Tóm lại, LS Hùng cho rằng, sai phạm của hành vi này bắt nguồn từ một loạt vấn đề như chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật, thấy sai phạm nhưng không ngăn chặn và chậm cảnh báo. Hậu quả là Huyền Như đã chiếm đoạt tài sản.

Đối với việc đầu tư cổ phiếu, ông Hùng nói rằng, VKS dựa vào việc ngân hàng ACB cho Kienlongbank và Vietbank, ACI và ACI-HN vay tiền với lãi suất chênh lệch để cáo buộc là không có cơ sở, mang tính suy diễn. Luật sư Hùng đề nghị cần làm rõ vấn đề này.

Theo đó, LS đề nghị khởi tố 2 phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh, những cá nhân đã đứng tên giúp Huyền Như làm giả hồ sơ, lãnh đạo các cơ quan nhà nước phụ trách đăng ký kinh doanh vì đã không hướng dẫn, không cảnh báo DN về việc kinh doanh, đầu tư góp vốn.

14:54  Luật sư đề nghị VKS tranh luận lại những luận điểm của luật sư

Chiều 30/05/2014, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của các luật sư.

LS Nguyễn Đình Hưng cùng LS Ngọc và LS Tám bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải. Luật sư đề nghị HĐXX về việc có những mâu thuẫn, những vấn đề mà các luật sư đã nêu ra nhưng chưa được VKS đối đáp, giải thích, đặc biệt là mốc thời điểm khi nghị quyết HĐQT được ký không vi phạm quy định pháp luật.

Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Đức Kiên nói, ý kiến của VKS không có gì mới so với nội dung cáo trạng, đại diện VKS vẫn chưa giải thích được những vấn đề mà các LS đặt ra. DN được kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm. Trong xu thế hội nhập, chúng ta không thể phủ nhận điều đó và phải theo nếu muốn phát triển. Luật sư nhấn mạnh việc cho đến bây giờ cũng không có DN nào đăng ký được ngành nghề kinh doanh với những hành vi mà VKS đã kết tội cho các DN của ông Kiên. 

“Nếu như thân chủ bị kết tội kinh doanh trái phép thì ngày mai cơ quan công an có thể kết tội bất kỳ ai đặt lệnh mua bán chứng khoán…” – LS nói một cách gay gắt.

LS Ngô Huy Ngọc bảo vệ ông Nguyễn Đức Kiên tội trốn thuế. LS cũng cho rằng VKS đã bỏ qua rất nhiều chi tiết trong phần bào chữa của các LS. Theo LS, vì vậy mà phần đối đáp của VKS thiếu trung thực và khách quan. 

Luật sư Ngọc dẫn lại một số quan điểm đã nêu trong phần bào chữa của mình trước đó, như Thanh tra thuế Hà Nội đã kết luận năm 2009, B&B không có vi phạm về điều 108 về trốn thuế, gian lận thuế; việc xác định kỳ tính thuế và các yếu tố loại trừ của cơ quan giám định Bộ tài chính, sự bỏ sót phần phụ lục hợp đồng … Theo luật sư, VKS đã đảo ngược các mối quan hệ, đảo ngược trình tự thực hiện các hợp đồng, các sự việc…

“Tôi đề nghị HĐXX lắng nghe những quan điểm chúng tôi tranh luận. Nếu VKS không tranh luận lại những điểm này thì tức là VKS đã thừa nhận những điều mà chúng tôi nói!” – LS Ngọc phát biểu.



11:41 Luật sư đề nghị VKS xem xét lại

Tiếp sau phần tranh luận của VKS là phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh cho rằng phải đánh giá toàn diện hành vi của bị cáo Trần Ngọc Thanh. Kết tội của VKS ông Thanh là đồng phạm với ông Kiên không có căn cứ vì không cùng ý chí mà chỉ làm theo chỉ đạo. Ông Thanh không có hành vi gian dối nào như VKS kết tội. VKS đã bỏ qua rất nhiều tình tiết mà bị cáo Kiên hay Yến khai.

Luật sư bào chữa cho Nguyễn Thị Hải Yến đứng lên tranh luận, tập trung vào việc bị cáo không có yếu tố chủ quan trong việc gây ra sự việc.

LS Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang, tiếp tục nhấn mạnh về việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của ai? ACB có bị thiệt hại không? Luật sư yêu cầu VKS xem xét lại thì phải có kết quả để xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

LS Phạm Danh Tín nhấn mạnh việc vào thời điểm ký biên bản HĐQT thì 9 tháng sau cơ quan chức năng mới có hướng dẫn thi hành. “Đây là vụ án sẽ tạo ra tiền lệ cho sự phát triển của xã hội sau này, phải xem xét thật kỹ” – LS ý kiến.

Luật sư Lê Văn Tám bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn cho rằng hậu quả 718 tỷ còn chưa phân định rõ do sự liên quan của 2 vụ án Huyền Như và ông Kiên. LS chỉ ra một số điểm mới trong quá trình thẩm vấn mà công tố viên chưa đề cập đến trong phần tranh luận của mình.

Tòa nghỉ lúc 11h30 

10:46 VKS cho rằng luận tội của VKS đã phản ánh đúng diễn biến thực tế

Sau giờ giải lao, VKS tiếp tục tranh luận về tội cố ý làm trái.

Về các ý kiến của Luật sư, ví dụ như tách vụ án Huyền Như hay tạm đình chỉ điều tra với ông Giá…, đại diện VKS cho rằng những việc này đều đúng pháp luật.

Vụ Huyền Như và vụ ông Kiên có sự liên quan nhưng những hành vi có tính độc lập tương tối nên việc tách rời là đúng pháp luật. Về quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá thì chỉ đình chỉ với hành vi cố ý làm trái, là đúng pháp luật…

Tóm lại, trước các ý kiến bào chữa của luật sư, VKS cho rằng luận tội của VKS đã phản ánh đúng diễn biến thực tế, không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Theo VKS, các tổ chức, DN trong vụ này ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật như các DN khác thì còn chịu sự điều chỉnh của luật TCTD. Những bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn, biết rõ quy định nhưng rõ ràng là làm với động cơ, mục đích cho riêng ACB, cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Có thể khẳng định việc mua cổ phiếu ACB đã được các thành viên HĐQT cụ thể là ông Kiên đưa ra bàn luận tại cuộc họp HĐQT. Nội dung bàn này rất sâu, rất cụ thể là thông qua công ty chứng khoán ACBS, giao cho bị cáo Kiên chỉ đạo để các nhà đầu tư không biết là ngân hàng ACB đang mua cổ phiếu ACB. Cả phương án rủi ro cũng đã được tính đến để vừa đảm bảo thu nhập, vừa lách. Việc bàn này không phải là việc “trà dư tửu hậu” như họ khai.

Bị cáo Kiên đã chỉ đạo ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty của mình, cả việc ACBS phát hành trái phiếu cho KienLongBank và VietBank. Khi đưa vào các mối quan hệ thì rõ ràng các hợp đồng này đều trái pháp luật. Tiền của ACB lại quay lại ACB, núp dưới các hợp đồng liên ngân hàng, hợp tác đầu tư. KienLongBank và VietBank không sai khi họ có cơ hội đầu tư nhưng TGĐ của KienLongBank là đại diện vốn góp của ACB, điều đó đã cho thấy sự núp bóng này. Ngay cả những cán bộ kế toán của VietBank đã thừa nhận nếu không có nguồn tiền này thì không thể mua được trái phiếu của ACB.

VKS dẫn ra một dẫn chứng, là văn bản mà ACI gửi cho ông Kiên khi chấm dứt hợp đồng ngày 31/07/2012: “Kính gửi anh Kiên, số tiền 400 tỷ mà ACI đang vay ACB được dùng để mua cổ phiếu ACB hộ ACBS”. VKS nói ngắn gọn, thế là rõ rồi!

Về ý kiến của kiểm toán PwC, VKS cho rằng khuyến cáo của họ chỉ ra được khoản đầu tư này bất hợp pháp. Khi thu xếp vốn cho ACI và ACI Hà Nội phát hành trái phiếu để lấy tiền mua cổ phiếu, bị cáo Kỳ đã khẳng định đây là nguồn tiền từ ACB.

Theo VKS, bản chất đây đều là tiền của ACB, còn hình thức thì được trá hình dưới nhiều hợp đồng, nhiều nghiệp vụ tài chính. Các bị cáo cũng đã thừa nhận thiệt hại gây ra. Nếu thực hiện các hành vi trái pháp luật thì phải thực hiện hành vi bồi thường. Người ký văn bản đều biết ít nhiều có liên quan đến sai phạm này.

 Lý Xuân Hải và Nguyễn Văn Hòa chỉ đạo trực tiếp việc ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền, nhưng các cá nhân không làm gì ngoài việc ký, còn họ không có nghĩa vụ trách nhiệm để mắt đến. Việc tìm đối tác, thỏa thuận lãi suất… do cá nhân Huỳnh Thị Bảo Ngọc và cá nhân Ánh – nhân viên ACB thực hiện chứ không phải trực tiếp các cá nhân ACB. 

Như vậy ACB không làm đúng trách nhiệm của mình. 19 nhân viên gửi tiền chỉ là hình thức, còn bản chất đây là hợp đồng gửi tiền liên ngân hàng mà nhà nước đã cấm! Hậu quả của việc làm trái này, Huyền Như đã thừa nhận là mình chiếm đoạt và ý thức chiếm đoạt là từ trước. Có thể khẳng định từ chủ trương đến thực hiện việc ủy thác gửi tiền của ACB đã không đúng quy định, việc bị Huyền Như chiếm đoạt, là quan hệ nhân quả. Kết tội của VKS là đúng.

Luật sư cho rằng căn cứ vào công văn 30 của NHNN là chỉ để tham khảo, thì VKS khẳng định đủ căn cứ. Công văn 30 của NHNN đã xác định chứ không phải chỉ là căn cứ lý lẽ. CQĐT có thể thu thập tất cả tài liệu chứng cứ. Ngoài công văn đó còn có các tài liệu bổ trợ chứ không chỉ căn cứ 1 công văn đó. 

Các bị cáo đều khẳng định Kiên giữ vai trò chỉ đạo. Chỉ vì lợi ích nhóm, vì vụ lợi mà họ đã thực hiện những hành vi trên.

Với những lý lẽ đó, VKS khẳng định việc truy tố các bị cáo về tội danh cố ý làm trái.

09:52 VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo

9h05, đại diện VKS đối đáp

Về hành vi kinh doanh trái phép thông qua 5 DN của ông Kiên:

Theo điều 3 luật đầu tư 2005 về định nghĩa đầu tư trái phép và điều 4 Luật DN, việc mua cổ phần cổ phiếu góp vốn vào DN khác là hoạt động kinh doanh. 5DN của ông Kiên không đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh tài chính là mua bán cổ phần cổ phiếu, góp vốn vào DN khác và cũng không đăng ký kê khai bổ sung. Trong khi đó, ngành này đã được mã hóa xếp vào nhóm ngành đầu 4, mã 64449, mã chức năng 644490. 

Theo NĐ 88 ngày 29/8, đối với những ngành kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế quốc dân và trong hệ thống mã ngành thì cơ quan đăng ký kinh doanh ghi ngành đó vào giấy đăng ký kinh doanh và thông báo cho Tổng cục thống kê để bổ sung ngành mới.

VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội kinh doanh tài chính qua 5 công ty trên.
Về việc kinh doanh trái phép của Kiên qua Thiên Nam, (VKS tóm tắt lại quy trình lừa đảo ghi trong cáo trạng) và thấy răng Thiên Nam không được cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Theo quy định tại điều 159 Bộ Luật hình sự, VKS giữ nguyên quan điểm về hành vi kinh doanh vàng trái phép thông qua Thiên Nam.

Về tội trốn thuế, B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB. Tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua và bán, sau khi trừ chi phí vốn, phí ủy thác, thu lãi được hơn 100 tỷ. 

Bà Đặng Ngọc Lan đại diện B&B ký hợp đồng ủy thác với bà Nguyễn Thúy Hương. Ngày 25/12/2008, bà Lan, Hương, Kiên ký hợp đồng ủy thác cho Kiên thực hiện tất cả các giao dịch vàng với ACB. B&B thu được lãi hơn 100 tỷ và chuyển cho Hương theo hợp đồng là 99%. 

Mặc dù có những lập luận của các Luật sư và bị cáo Kiên, VKS vẫn thấy B&B không có đăng ký kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Thúy Hương là cá nhân cũng không có đăng ký kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và không đăng ký kinh doanh vàng trong nước. Sau hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Hương với B&B, Hương không ký trực tiếp với ACB nhưng được hưởng 99% khoản lãi. 

Hợp đồng này đúng pháp luật nhưng VKS thấy theo NQ32 đến hết tháng 6.2009, chưa có hướng dẫn thi hành nhưng B&B không kê khai đã chuyển 68 tỷ cho Hương. Hương chuyển lại số tiền này cho Kiên. Việc làm này trái quy định điều 27 NĐ 100 quy định chi tiết 1 số điều luật thuế Thu nhập cá nhân và khấu trừ thuế.

Trong năm 2009 và 2010, B&B đã kê khai thuế nhưng không kê khai số tiền kinh doanh vàng phát sinh từ các hợp đồng trên. Giám định viên Bộ tài chính đã kết luận, thuế TNDN của B&B là 25 tỷ. Đủ cơ sở kết luận Kiên đã chỉ đạo Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Hương để chuyển lợi nhuận của B&B cho Hương rồi Hương chuyển lại cho Kiên. Kết luận, Kiên phạm tội trốn thuế.

Về tội lừa đảo, VKS có quan điểm như sau: (VKS đọc lại những quá trình đã ghi trong cáo trạng) Hòa Phát có nói khi thỏa thuận chỉ bàn bạc chuyện giá cả, không biết việc 20 triệu cổ phiếu đã bị thế chấp. 

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và ông Long, ông Dương, ông Công và tài liệu thu thập được, có đủ cơ sở kết luận Kiên, Thanh, Yến đều phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng bị cáo Kiên biết 20 triệu cổ phần bị thế chấp nhưng vẫn chỉ đạo Thanh chuyển nhượng cho Hòa Phát, bị truy tố và phù hợp. Với Yến, là kế toán trưởng của ACBI thì phải chịu trách nhiệm như quy định của pháp luật, Yến là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thanh, với vai trò là giám đốc ACBI, không làm hết chức năng nhiệm vụ, là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo. 

Trước ý kiến của các Luật sư, 264 tỷ về tài khoản của ACBI chứ không vào tài khoản của Kiên, VKS vẫn cho rằng trong lợi nhuận của ACBI cũng có lợi nhuận của Kiên vì Kiên là chủ tịch! Vì vậy Kiên vẫn phạm tội lừa đảo.

Tóm lại, VKS giữ nguyên quan điểm của VKS tối cao về tội này.

09:22 Đại diện chi cục thuế, ACI, đại diện 19 nhân viên ACB, VietBank, KienLongBank,ACBI phát biểu

Chi Cục thuế Đống Đa phát biểu:

Nếu HĐXX phán quyết là trốn thuế thì chúng tôi sẽ truy thu, còn giờ chưa có kết luận thì chúng tôi chưa xem xét.

Đại diện ACI và ACI Hà Nội:

Hiện nay chúng tôi có nghĩa vụ hoàn trả trái phiếu với VietBank. Hiện nay công ty hoàn toàn đủ khả năng tất toán cả gốc và lãi cho Vietbank nếu NH yêu cầu. ACI và ACI Hà nội không có yêu cầu gì với các bị cáo ở đây.

Đại diện của 19 nhân viên gửi tiền vào Vietinbank: 

Hợp đồng ủy thác theo quan điểm của VKS và Vietinbank không còn giá trị hợp đồng thì không chính xác. Tôi đề nghị yêu cầu Vietinbank trả lại số tiền này cho cá nhân nhân viên ACB hoặc trả lại cho ACB”.

Đại diện VietBank:

Tôi khẳng định việc mua trái phiếu và liên ngân hàng là độc lập nhau. Nghĩa vụ của ACI và ACI Hà Nội là trả nợ trái phiếu cho VietBank. VietBank hoàn toàn có khả năng trả nợ liên ngân hàng cho ACB. VietBank không dùng vốn của ACB để mua trái phiếu mà chỉ dùng nguồn vốn của mình. Các hoạt động của chúng tôi đều đúng pháp luật.

Đại diện KienLongBank

Việc mua trái phiếu của ACBS thông qua quyết định đầu tư của Hội đồng đầu tư KienLongBank trên cơ sở đánh giá rủi ro đầy đủ. Hợp đồng mua trái phiếu của aCBS là hợp đồng 2 năm trong khi đó KienLongBank đã cung cấp cho CQĐT là các hợp đồng tiền gửi liên ngân hàng có 3 tháng thôi. Dựa trên sự cân đối vốn thì không thể là dùng các nguồn tiền này để mua trái phiếu. Mong HĐXX xem xét.

Đại diện 2 công ty TNHH Á Châu và Đầu tư Liên Á Châu

Chúng tôi không còn liên quan đến ACBI nữa, ACBI đã chuyển toàn bộ vốn sở hữu tại 2 công ty này cho chủ sở hữu khác. Về hành vi kinh doanh trái phép của ông Kiên, tôi thấy rằng việc đầu tư góp vốn là điều đương nhiên mà DN có thể thực hiện từ khi thành lập.

09:21 Thép Hòa Phát xác nhận không kiện cáo ông Kiên

HĐXX cho phép ông Trần Đình Long, chủ tịch Hòa Phát, được phát biểu.

Ông Long nói:

Tôi,đại diện của Hòa Phát và ACB có rất nhiều mối quan hệ. Tại sao chúng tôi trả lời không biết về việc cổ phiếu bị thế chấp? Nguyên nhân khách quan là vì mô hình tập đoàn rất lớn nên tôi không thể nắm được chi tiết hết các hợp đồng.

Tôi và anh Kiên có quan hệ rất lâu, ngay tại tòa tôi cũng nói là không mâu thuẫn vướng mắc gì với anh Kiên cả. Làm sao anh Kiên lừa tôi được? chỉ là sai sót khách quan thôi. Khi mua món hàng này, trên cơ sở chúng tôi là bạn, không có chuyện anh Kiên lừa tôi.

Thờiđiểm 2010, khi anh Hà ký xác nhận, anh ấy là cán bộ trẻ, sau khi ký xong cũng không vào sổ sách và không báo lại. Tôi nghĩ với hệ thống hànhchính của mình như thế này, việc anh Hà không báo lại là sơ suất. Chúngtôi dũng cảm thừa nhận điều này. 

Ở đây, tôi chỉ là người có nghĩa vụ liên quan, xin cho anh Công là người ký trực tiếp trình bày.

Nóilại về việc hoán đổi cổ phiếu, thời điểm 2012, khi kinh tế khó khăn, chủ trương của Hòa Phát là co cụm lại về ngành chính là thép. Còn anh Kiên có điều kiện về vốn, trường vốn hơn. Tôi rất muốn mua cổ phiếu này.Cổ phiếu bất động sản thời điểm đó cũng tốt, nhiều người muốn mua. Anh Kiên cũng đầu tư BĐS. Việc hoán đổi cổ phiếu cũng là nói với nhau, còn là anh Kiên mua cổ phiếu BĐS của tôi, còn tôi mua cổ phiếu Thép Hòa Phátcủa anh Kiên.

Ông Kiều Chí Công, đại diện Thép Hòa Phát phát biểu:

Chúngtôi đã có đơn gửi quý tòa là đơn của chúng tôi chỉ là yêu cầu điều tra làm rõ chứ không tố cáo. Đến giờ chúng tôi cũng thu được tiền rồi, chúngtôi không kiện cáo gì cả. Xin hỏi giờ chúng tôi có còn là nguyên đơn dân sự không?

Sau phát biểu của ông Công và ông Long, tòa cho biết sẽ xem xét điều này.

08:50  Đại diện ACB và Vietinbank tranh luận về khoản tiền 718 tỷ đồng

Ngày 30/05/2014, phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bước sang ngày thứ 10.

8h30, phiên tòa bắt đầu.

Đại diện ACB một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải trả lại số tiền 718 tỷ.

Giả sử việc gửi tiền với lãi suất vượt trần là lỗi của khách hàng đi chăng nữa thì cũng không làm vô hiệu hóa toàn bộ hợp đồng cũng như trách nhiệm trả gốc và lãi của ngân hàng. Hơn nữa, đây không phải là nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạn tiền” – đại diện này phát biểu.

Đại diện của Vietinbank tranh luận:

“Liên quan đến trực tiếp đến khoản 718 tỷ đồng, sau khi nghe các Luật sư bảo vệ các bị cáo trong phiên ngày hôm trước, về mặt hình thức giữa ACB và Vietinbank không có giao dịch nào, không có thỏa thuận hay hợp đồng nào. Còn về nội dung, 718 tỷ được kết luận là tiền của ACB gửi vào Vietinbank. 

NHNN đã tạo ra một sân chơi riêng cho các NH với nhau là liên NH, tại sao ACB không dùng để gửi tiền vào Vietinbank? Tương tự với VietBank. Như vậy, thực ra là người ta đang cố tình lách luật, lừa dối NHNN. ACB không bao giờ dám báo cáo với NHNN về việc ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi tiền mà sẽ hạch toán bằng các tài khoản liên ngân hàng, trốn tránh sự quản lý của nhà nước.

Đại diện NHNN cũng nói, chưa có hướng dẫn nhưng nếu NH muốn làm một nghiệp vụ nào đó, chỉ cần báo cáo thì NHNN sẽ xem xét. Có điều quan trọng là ACB cố tình lách luật. Huống hồ Luật sư còn nghe thân chủ giật dây, đòi kiện NHNN khi mà Pháp luật không bao giờ truy tố pháp nhân. Đây là mượn diễn đàn để chỉ trích cơ quan nhà nước.

Về 32 hợp đồng, LS không hiểu rằng quan hệ dân sự này nằm trong một khung pháp luật hình sự, phải xử lý bằng pháp luật hình sự chứ không phải dân sự, đừng nói vô hiệu hay có hiệu lực ở đây.

Người ta kinh doanh đường hoàng chính chính, Vietinbank là một ngân hàng rất lớn, chi nhánh cấp 1 như CN HCM cũng tương đương với 1 ngân hàng hạng trung. Người ta làm ăn đúng pháp luật còn lớn mạnh được, tại sao mình phải làm trái pháp luật? 

Một số Luật sư trừ ý kiến của ông Kiên là chuẩn xác từng câu từng chữ, còn các LS là sai lầm. Luôn luôn nói rằng tiền của ACB đã vào tài khoản của Vietinbank, đó là sai. Tài khoản của Vietinbank được mở tại trung tâm giao dịch số 1 Lý Thái Tổ chứ không phải 70 Hàm Nghi nên phải nói là tiền của các cá nhân ACB đã đi vào tài khoản của các cá nhân này mở tại 1 điểm giao dịch của Vietinbank mới đúng.

Có trên 80 lệnh chi của chính các cá nhân này ký khống khi chưa có tài khoản nơi thụ hưởng, và giao ký khống đó cho cá nhân Huyền Như. Điều này mới khiến cho Huyền Như có đủ cơ hội thực hiện mà Vietinbank không biết! Kẽ hở này không ai nhắc đến, hôm nay tôi nói cho rõ. Kẽ hở này xuất phát từ các nhân viên của ACB.

Vietinbank vi phạm pháp luật hay ACB vi phạm? Phiên tòa này nổi lên 1 vấn đề: vốn ảo lãi thật. Không riêng gì Vietinbank mà nhiều các NH khác giật mình sửng sốt vì hành vi của ACB, không NH nào dám làm như vậy. Bị cáo Trịnh Kim Quang cũng đã nói là “có sợ”, có nhìn thấy rủi ro dù chưa biết là có thể gặp một siêu lừa. 

Từ đầu đến cuối đều do Huyền Như làm. Việc mất tiền ngân hàng không hề biết.

Lĩnh vực hoạt động ngân hàng nói chung, Vietinbank không bao giờ dám giao tiền cho nhân viên đem gửi cho NH khác trong khi ACB sẵn sàng liều lĩnh làm việc này. Vietinbank khôn bao giờ có những công ty sân sau dùng tiền bán trái phiếu để mua cổ phần rồi dùng cổ phần thế chấp … 

(Tòa yêu cầu đại diện này tập trung vào vấn đề).

Đại diện này dừng lại.



TÓM TẮT NỘI DUNG CÁC PHIÊN TÒA XỬ BẦU KIÊN TỪ SÁNG 20/5 ĐẾN NGÀY 29/5



Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 20/5

Phiên tòa xét xở sơ thẩm bầu Kiên và 8 đồng phạm được mở trở lại sau khi tạm hoãn ngày 16/4. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/6. Tòa án quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá do bệnh nặng và đang rất yếu

Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên chiều 20/5

Các bị cáo đều cho rằng các tội danh bị truy tố là không chính xác, không thỏa đáng. Tòa xét hỏi 2 nhân viên dưới quyền của ông Kiên là bà Yến và ông Thanh về hoạt động đầu tư tài chính của ACBI


Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 21/5

Tòa xét hỏi về hoạt động mua bán cổ phiếu thép Hòa phát, về kinh doanh vàng

Bầu Kiên khẳng định nhiều người biết cổ phiếu thép Hòa Phát đã bị thế chấp.Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long trong khi đó khai là không biết.

Về kinh doanh vàng, bầu Kiên khẳng định chỉ kinh doanh giá vàng chứ không kinh doanh vàng hay vàng trạng thái

Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên chiều 21/5

Tòa xét hỏi về hoạt động kinh doanh của ACBI

Các cơ quan né tránh trách nhiệm trả lời về hoạt động kinh doanh của công ty bầu Kiên. ÔngKiên đề nghị triệu tập đại diện VCCI và mời bà Phạm Chi Lan làm nhân chứng trả lời vì tất cả các cơ quan mà Tòa đã hỏi đều khôngđủ thẩmquyền để trả lời về vấn đề của ông


Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 22/5

Tòa xét hỏi về hoạt động kinh doanh của ACB, công ty B&B, hoạt động ủy thác đầu tư

Bầu Kiên tay cầm các văn bản, tự bào chữa trước tòa bằng việc dẫn quy định pháp luật và chỉ ra các sai sót của cơ quan điều tra

Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên chiều 22/5

Tòa thẩm vấn về ủy thác đầu tư tiền gửi, về hoạt động kinh doanh của các công ty con

Các nguyên lãnh đạo ACB khẳng định ủy thác gửi tiền là không trái luật; Bầu Kiên và gia đình ông Trần Mộng Hùng là cổ đông lớn, giữ trên dưới 30% cổ phần nên có tiếng nói quyết định; Ông Kiên tiếp tục tự bào chữa bằng những dẫn chứng từ các luật, yêu cầu gửi khiếu nại lên Tổng Bí thư, ông Nguyễn Bá Thanh...


Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên sáng 23/5

Tòa thẩm vấn về việc ủy thác tiền gửi của ACB tại Vietinbank

-NHNN khẳng định trước khi luật các TCTD 2010 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 thì không có luật nào quy định về ủy thác gửi tiền, nhưng giữ nguyên quan điểm ngân hàng đem tiền đi gửi vào ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn là vi phạm luật TCTD.

- Kế toán trưởng ACB và người được toàn quyền đi liên hệ với đại diện Vietinbank để gửi tiền đều khai không biết Huyền Như.

- Huyền Như khai cố tình chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB do ngân hàng này có nhiều sơ hở

Nội dung phiên tòa xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên chiều 23/5

Tòa xét hỏi về việc gửi tiền tại Vietinbank và đầu tư cổ phiếu ACB

Huyền Như và Vietinbank cho rằng do ACB quản lý lỏng lẻo nên tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tài sản. Phía ACB khẳng định nhân viên ngân hàng giaodịch với Huyền Như với tư cách pháp nhân nên Vietinbank phải trả tiền.

Các bị cáo khẳng định việc đầu tư của ACBS không sai chủ trương. Tiền mua cổ phiếu ACB không phải của ACB mà của Vietbank. Việc hợp tác đầu tư với các đơn vị khác không sai.


Nội dung phiên tòa xét xử sáng 24/5

Hỏi về hoạt động ủy thác gửi tiền tại Vietinbank

Đại diện NHNN có mặt trả lời về các vấn đề liên quan tới hoạt động ngân hàng tuy nhiên hầu hết các câu trả lời là không biết, không nhớ hoặc xin không trả lời. Đại diện Vietinbank và luật sư đối đáp căng thẳng xung quanh vấn đề trách nhiệm của Vietinbank với tài sản của khách hàng.

NguyênTGĐ ACB khẳng định kiểm tra các chứng từ thì tiền của nhân viên ACB gửiđã vào hệ thống Vietinbank. Bầu Kiên đề nghị kiểm tra hệ thống của NHNNlà biết tiền đã vào hay chưa.


Nội dung phiên tòa sáng 26/5

Tòa tiếp tục thẩm vấn về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, ủy thác gửi tiền của các bị cáo.

- Bầu Kiên tiếp tục kêu oan, chỉ ra các sai sót của Bộ Tài chính, đồng thời xin miễn tội cho 2 bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến. 

- Đại diện ACB và ACBS khẳng định việc hợp tác đầu tư với ACI không gây thua lỗ như cáo trạng nêu.

- VietBank khẳng định việc đầu tư trái phiếu ACBS và ACI là hợp pháp. Hiện trái phiếu ACBS đã tất toán còn trái phiếu ACI cho gia hạn vì kinh doanh tốt.

- ACB kiên quyết đòi Vietinbank chịu trách nhiệm với 718 tỷ đồng tiền gửi và phải làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như.

Nội dung phiên tòa chiều 26/5

- Ngân hàng ACB tiếp tục đòi Vietinbank chịu trách nhiệm chứ không phải cá nhân Huyền Như. Vietinbank khẳng định đó là trách nhiệm của Huyền Như, do ACB sơ hở nên bị chiếm đoạt tài sản.

- Ông Kiên cho rằng ông không thiếu tiền để phải đi lừa đảo ai và không tin ở Việt Nam có aicó thể lừa được ông Trần Đình Long chủ tịch tập đoàn Hòa Phát. Ông Longxin giải thích về câu trả lời về cổ phiếu thế chấp đã nói hôm 21/5 nhưng không được tòa đồng ý.

- Đại diện NHNN khẳng định cho đến nay vẫn chưa có quy định nào về việc ủy thác sai.


Nội dung phiên tòa sáng ngày 26/5

Nửa buổi sáng, luật sư và Hội đồng xét xử hỏi các bị cáo và người liên quan về các hành vi trốn thuế, ủy thác gửi tiền. Tòa cũng kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh tụng.

Viện kiểm sát đề nghị các hình phạt cho các bị cáo gồm: Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù giam; 
Trần Ngọc Thanh 9 - 10 năm tù; Nguyễn Thị Hải Yến 7 – 8 năm; Lý Xuân Hải 12 -14 năm và cấm đảm nhiệm, điều hành các TCTD từ 3-5 năm sau khi ra tù; Lê Vũ Kỳ 7 – 8 năm tù; Trịnh Kim Quang 6- 7 năm tù; Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.

Nội dung phiên tòa xử chiều 27/5

Tòa bước sang phần tranh tụng. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên tội lừa đảo và kinh doanh trái phép

Các luật sư đều cho rằng, các mức phạt mà Viện kiểm sát đề nghị (ông Kiên 30 năm tù; ông Thanh 9 -10 năm; bà Yến 7 – 8 năm) là quá nặng và cho rằng buộc tội lừa đảo là không thỏa đáng vì các hành vi của các bị cáo chỉ là hành vi chứ chưa cấu thành tội, hơn nữa Hòa Phát đã nhận đủ 264 tỷ đồng tiền mua cổ phiếu chuyển cho ACBI và thừa nhận sai sót nên không xác định được đối tượng bị lừa.

Về tội kinh doanh trái phép, luật sư cũng cho rằng không thỏa đáng với ông Kiên, và rằng nếu ông Kiên bị truy tố tội kinh doanh trái phép thì về sau, CQĐT có thể khởi tố bất kỳ ai tham gia đầu tư chứng khoán trên thị trường và bất kỳ DN nào đã đầu tư góp vốn vào DN khác.

Ông Kiên xin tự bào chữa cho mình nhưng không được chấp thuận, HĐXX yêu cầu ông Kiên có thể bào chữa sau luật sư.


Nội dung phiên toà xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 28/5

Luật sư đề nghị xem xét lại kết luận các bị cáo vi phạm tội danh cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, luật sư đề nghị bác bỏ quy kết tội trốn thuế với ông Kiên.

Nội dung phiên tòa xét xử chiều 28/5

Các luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại những thiệt hại của ACB thực sự là từ đâu và không nên tách vụ án Huyền Như ra khỏi vụ án này.

Luật sư cũng cho rằng các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB không có đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


Nội dung phiên tòa xét xử sáng 29/5

Luật sư yêu cầu xem xét lại tội danh của ông Phạm Trung Cang, đề nghị tuyên bố vô tội đối với bị cáo Lê Vũ Kỳ, rằng quy kết ông Kiên phạm 4 tội danh là không đúng.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ACB khẳng định việc gửi tiền là gửi vào Vietinbank nên ngân hàng này phải có trách nhiệm trả lại cho ACB.

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank cho rằng ACB thiệt hại là do Huyền Như chiếm đoạt tiền và không có căn cứ để yêu cầu ngân hàng này phải chịu trách nhiệm.

Nội dung phiên tòa xử bầu Kiên chiều 29/5

Các bị cáo được phát biểu tự bào chữa đều cho rằng họ không làm trái pháp luật. Lý Xuân Hải khẳng định việc ủy thác gửi tiền không sai và ông cũng không biết việc ACBS đầu tư cổ phiếu ACB. Ông Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang đề nghị HĐXX xem xét để không phải chịu trách nhiệm về tội cố ý làm trái. Ông Lê Vũ Kỳ mong HĐXX công minh.

Nguyễn Đức Kiên kêu oan cả 4 tội danh và đề nghị nếu Viện kiểm sát đưa ra được những bằng chứng thì ông sẽ nhận tội ngay. Ông Kiên cũng đọc tóm tắt đơn kêu oan gửi tới chủ tịch nước, tổng bí thư, thủ tướng, ban nội chính, tòa án nhân dân tối cao.

Hải Minh- N.Hằng

thuyntt

CafeF/Trí thức trẻ

Trở lên trên