MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước: FED giúp Việt Nam

21-06-2016 - 09:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS Bùi Quang Tín, việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước sẽ không ảnh hưởng tới tỷ lệ đôla hóa trong nền kinh tế.

Giúp hạn chế tình trạng đôla hóa trên thị trường?

Liên quan đến việc Chính phủ đang xem xét phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước (dự kiến hơn 800 triệu USD), TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM đã bày tỏ quan điểm của mình về động thái này.

Theo đánh giá của ông, đây là hướng đi đúng, giúp Chính phủ vay được tiền để trả nợ với lãi suất thấp.

"Thời gian qua chúng ta đã hiểu nhầm khái niệm "đôla hóa nền kinh tế" nên cứ áp trần lãi suất huy động USD ở 0%/năm đối với tiền gửi của cả tổ chức và dân cư. Tuy nhiên, xét ở góc độ kinh tế, không phải cứ giữ lãi suất 0% là chống được đôla hóa.

Theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đôla hóa nền kinh tế được xét trên hai công thức:

Thứ nhất, tổng tín dụng bằng ngoại tệ trên tổng dư nợ của nền kinh tế.

Thứ hai, tổng huy động vốn bằng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại trên tổng vốn huy động.

Với công thức đó, theo tôi, việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước sẽ không ảnh hưởng gì tới tỷ lệ đôla hóa trong nền kinh tế.

Hiện lượng ngoại tệ trên thị trường rất lớn, gồm các nguồn kiều hối, lượng người dân tích lũy từ trước đến nay... Nếu Chính phủ phát hành trái phiếu ngoại tệ với các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 10 năm, và chỉ cần đẩy lãi suất lên 0,5-1,5% thì tự nhiên lượng USD đang dư thừa trôi dạt trên thị trường sẽ được Chính phủ thu hút về Bộ Tài chính để Bộ này xử lý.

Lưu ý rằng ở đây chúng ta chỉ thu hút nguồn ngoại tệ đang dư trong nước. Thậm chí, lúc Chính phủ thu hút nguồn ngoại tệ đó vào, lượng USD trên thị trường sẽ không trôi dạt lung tung nữa, tức nó hạn chế được tình trạng đôla hóa trên thị trường. Thực tế cho thấy, việc lãi suất huy động ngoại tệ chỉ ở mức 0%/năm đã khiến USD trên thị trường trôi nổi và được giao dịch trên thị trường chợ đen", TS Tín phân tích.

Về lượng ngoại tệ dự kiến huy động (hơn 800 triệu USD), tuy không nhiều nhưng là bước đi thận trọng và cần thiết của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Theo TS Tín, bước đầu là 800 triệu USD để thăm dò thị trường, sau đó khi mọi thứ thuận lợi, lượng vốn huy động sẽ tăng lên.

"Chính phủ khi đó vừa hút được lượng ngoại tệ dư trên thị trường vào vừa đáp ứng được mục tiêu của quốc gia", ông nhấn mạnh.

Nhiều thuận lợi nếu phát hành trái phiếu ngoại tệ

Trước nhiều nghi ngại: Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang ì ạch do ảnh hưởng bởi sự đi xuống của kinh tế thế giới, và theo dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn, liệu người dân có chịu đổi tiền USD để giữ tờ trái phiếu? Động thái của Chính phủ có thể làm cho vị trí của đồng USD được nâng lên và người dân càng lo găm giữ nhiều hơn? Liệu có lặp lại bài toán huy động vàng trong dân vốn loanh quanh nhiều năm mà chưa thể giải được?, TS Bùi Quang Tín khẳng định, vấn đề huy động ngoại tệ của Chính phủ hoàn toàn không giống với huy động vàng trong dân.

"Nó khác ở hai điểm: Thứ nhất, trước nay người dân có thói quen giữ vàng trong két chứ hầu như không có thói quen giữ ngoại tệ trong két. Vàng là một loại tài sản đặc biệt, giữ USD rủi ro hơn giữ vàng.

Thứ hai, ngày 16/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố quyết định giữ nguyên lãi suất, điều đó thể hiện nền kinh tế Mỹ đang rất khó khăn. Nó cũng khiến cho người dân hiểu rằng, tờ USD họ đang giữ chính là phiếu nợ của Chính phủ Mỹ đối với người dân trên thế giới và phiếu nợ đó ngày càng trở nên nguy hiểm, rủi ro hơn so với việc người dân giữ trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành. Chính động thái của FED càng tạo thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước của Chính phủ Việt Nam".

Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc áp trần lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm trong hệ thống ngân hàng chính là điểm hỗ trợ cho chính sách của Chính phủ khi muốn huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước. Theo đó, lãi suất huy động USD ở ngân hàng chỉ ở mức 0%/năm khiến người dân do dự không biết nên gửi USD vào ngân hàng hay giữ trong két sắt, hoặc giao dịch trên thị trường chợ đen.

"Nếu muốn thu hút người dân mua trái phiếu ngoại tệ, mức lãi suất Chính phủ đưa ra chắc chắn phải cao hơn 0%, người dân cảm thấy có lãi hơn gửi ngân hàng sẽ mua trái phiếu.

Lần này nếu Chính phủ phát hành trái phiếu ngoại tệ với lãi suất từ 0,5-1,5% tuy lãi suất không lớn nhưng tác dụng lại rất lớn, nó sẽ giúp giảm đôla hóa nền kinh tế", ông Tín nói.

Ông khẳng định, việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước giúp vay được tiền trả nợ với lãi suất thấp. Theo đó, lãi suất trái phiếu ngoại tệ ở mức 0,5-1% rẻ hơn đi vay nước ngoài, chưa kể đi vay nước ngoài còn nhiều điều kiện ràng buộc. Bởi vậy, theo ông, nên ủng hộ việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước lần này vì nó phù hợp với nhiều đối tượng.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu lại thể hiện một quan điểm khác khi cho rằng, việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước là không hợp lý bởi nó có thể trung hòa phần nào hiệu ứng chống đôla hóa.

"Nếu Chính phủ huy động được nguồn ngoại tệ trong nước nghĩa là gián tiếp khuyến khích người dân và doanh nghiệp giữ USD, đi ngược lại chủ trương chống đôla hóa. Đặc biệt, trong hoàn cảnh kinh tế trong nước gặp khó khăn và có nhiều vấn đề đang nảy sinh trên thế giới, nhất là vấn đề Brexit sẽ làm cho người dân đặt niềm tin trở lại vào ngoại tệ và đồng USD, nhất là khi USD vẫn là đồng tiền rất mạnh trên thế giới.

Chính vì thế, việc huy động vốn bằng trái phiếu ngoại tệ sẽ làm tăng cường sức mạnh của đồng USD trong nội địa Việt Nam và nó đi ngược lại với chủ trương chống đôla hóa", ông Hiếu nhận định.

Ngoài ra, trong khi các ngân hàng đang cần nguồn ngoại tệ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu thì việc Chính phủ huy động trái phiếu ngoại tệ sẽ làm mất đi phần nào nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng.

Khi Chính phủ huy động vốn ngoại tệ trong nước sẽ phải có mức lãi suất nhất định, trong khi đó lãi suất huy động USD tại các ngân hàng đang áp trần 0%/năm. Điều đó sẽ tạo ra một thị trường mà ở đó Chính phủ có ưu thế và triệt tiêu thị trường mang tính cạnh tranh về các nguồn vốn.

Theo Thành Luân

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên