MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hiện mới: Theo đuổi lối sống lành mạnh ở tuổi trung niên sẽ giúp giảm 40% nguy cơ suy giảm trí nhớ khi về già

07-08-2020 - 07:53 AM | Sống

Các chuyên gia cho biết, uống rượu bia vô tội vạ, ít vận động hay hút thuốc là những thói quen mọi người cần từ bỏ nếu muốn làm giảm nguy cơ bị mất trí nhớ trong tương lai.

Hơn 40% số ca mắc bệnh mất trí nhớ có thể được phòng ngừa hoặc làm chậm quá trình, theo báo cáo của Ủy ban Lancet về Phòng chống, Ngăn ngừa và Chăm sóc Mất trí nhớ. 

Trên thế giới hiện đang có hơn 50 triệu người sống chung với bệnh mất trí nhớ. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 150 triệu người vào năm 2050. Ngoài ra, 2/3 số người mắc chứng mất trí nhớ hiện đang sống tại các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Phụ nữ cũng được cho là dễ mắc chứng bệnh này hơn đàn ông. 

Trong báo cáo, 28 chuyên gia hàng đầu tham gia nghiên cứu đã bổ sung thêm 3 yếu tố nguy cơ mới có khả năng dẫn tới chứng mất trí nhớ, bao gồm uống rượu quá nhiều, chấn thương vùng đầu và ô nhiễm không khí. Trước đó, vào năm 2017, Ủy ban Lancet đã xác định được 9 yếu tố nguy cơ khác: thiếu giáo dục từ nhỏ, giảm thích lực, cao huyết áp và béo phì, hút thuốc, trầm cảm, lối sống biệt lập, ít vận động, đái tháo đường.

Phát hiện mới: Theo đuổi lối sống lành mạnh ở tuổi trung niên sẽ giúp giảm 40% nguy cơ suy giảm trí nhớ khi về già - Ảnh 1.

Số người mắc chứng mất trí nhớ ngày càng tăng theo thời gian. (Ảnh: cience Photo Library / AFP)

TUỔI THƠ ẤU

- Giáo dục (7% số ca): Việc được học hành đầy đủ sẽ giúp bạn tạo thói quen sử dụng não bộ nhiều hơn trong suốt cuộc đời, nhờ đó tăng cường "dự trữ nhận thức" và giảm thiểu nguy cơ mất trí nhớ. Điều kiện giáo dục hạn chế có thể làm tăng tỷ lệ mất trí nhớ của một người lên 60%.

TUỔI TRUNG NIÊN (45-65)

- Giảm thính lực (9% số ca): Điều này làm tăng khả năng mất trí nhớ lên tới 90%. Tuy nhiên, các thiết bị trợ thính có thể giúp làm giảm nguy cơ.

- Chấn thương não (3% số ca): Theo một nghiên cứu lớn được thực hiện vào năm ngoái, cầu thủ bóng đá thường có nguy cơ mất trí nhớ vì liên tục dùng đầu đỡ bóng. Nguyên nhân này có thể làm tăng 90% nguy cơ.

- Cao huyết áp (2% số ca): Chỉ số huyết áp tâm thu cao hơn 140mgHH có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ lên 60%.

- Uống rượu bia quá nhiều (1% số ca): Việc tiêu thụ 21 đơn vị cồn/tuần (tương đương 9 lon bia hoặc 15 ly rượu nhỏ) có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ thêm 20%.

- Béo phì (1% số ca): Chỉ số BMI cao hơn 30 có thể làm gia tăng nguy cơ mất trí thêm 60%.

TUỔI CAO NIÊN (> 60)

- Hút thuốc (5% số ca): Thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mất trí thêm 60%.

- Lối sống biệt lập (4% số ca): Tình trạng phong tỏa ở nhiều thành phố đã cho thấy những tác động kinh khủng của lối sống biệt lập. Nguyên nhân này làm tăng nguy cơ mất trí nhớ thêm 60%.

- Trầm cảm (4% số ca): Căng thẳng tâm lý làm tăng nguy cơ trầm cảm thêm 90%, và thuốc chống trầm cảm cũng không có tác dụng.

- Ít vận động (2% số ca): Hoạt động thể chất giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường quá trình trao đổi chất và giúp mạch máu khỏe mạnh hơn.

- Đái tháo đường (1% số ca): Căn bệnh này làm gia tăng thêm 50% nguy cơ mất trí nhớ.

- Ô nhiễm không khí (2% số ca): Nhiều bằng chứng cho thấy những người sống gần đường lớn thường dễ bị suy giảm chức năng thần kinh. Tình trạng này làm gia tăng thêm 10% nguy cơ mất trí nhớ.

Trong nhiều thập kỷ trước đây, mọi người thường nghĩ rằng mất trí nhớ là do gen và tuổi già gây nên. Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia, căn bệnh này hoàn toàn có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn nếu thực hiện một số biện pháp từ sớm

Gill Livingston - tác giả nghiên cứu, hiện đang công tác tại ĐH College London - nói: “Báo cáo của chúng tôi cho thấy việc ngăn ngừa và trì hoãn một phần chứng mất trí nhớ là nằm trong tầm tay của từng cá nhân và những người làm luật, đem lại cơ hội tác động đến từng giai đoạn của cuộc đời con người”.

Phát hiện mới: Theo đuổi lối sống lành mạnh ở tuổi trung niên sẽ giúp giảm 40% nguy cơ suy giảm trí nhớ khi về già - Ảnh 3.

Lối sống lành mạnh là chìa khóa để giảm thiểu phần nào nguy cơ suy giảm trí nhớ.

Theo các nhà nghiên cứu, một trong những cách để phòng ngừa và làm chậm quá trình mất trí nhớ chính là duy trì lối sống khỏe mạnh. Mọi người nên hạn chế sử dụng rượu bia, tăng cường vận động, bỏ hút thuốc, ăn uống lành mạnh để loại bỏ các yếu tố gây nguy cơ cao. Suốt 30 năm qua, tỷ lệ các ca bệnh mất trí nhớ mới tại châu Âu và Bắc Mỹ đã giảm 15% mỗi thập niên nhờ sự thay đổi trong lối sống, dù tỷ lệ người mắc vẫn tăng do tuổi thọ con người được kéo dài.

Chứng mất trí nhớ xảy ra khi não bộ bị tổn thương do người bệnh mắc Alzheimer hay bị đột quỵ. Nó có thể ảnh hưởng tới trí nhớ, tâm trạng và khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày của họ. Các chuyên gia ước tính, căn bệnh này còn khiến nền kinh tế thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm, bên cạnh những thách thức đối với người bệnh.

(Theo Dailymail, AFP, ScieceDaily)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên