MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát sốt trước chi tiêu của Bảo hiểm Xã hội

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam chi 6.533 tỷ đồng quản lý bộ máy, riêng tuyên truyền gần 300 tỷ đồng trong năm 2015. Nhưng thủ tục hành chính vẫn rườm rà; quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) mới thì nhiều người không biết.

Chi khủng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, dự tính năm 2016, tổng số dư Quỹ BHXH (BHXH bắt buộc, tự nguyện, thất nghiệp) khoảng 497.594 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015 (tăng hơn 75.900 tỷ đồng). Ngoài ra, Quỹ BHYT dự phòng còn kết dư 5.200 tỷ đồng.

Trong Quỹ BHXH và BHYT, ngoài phần lớn số tiền dùng để chi lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, chi khám chữa bệnh, số tiền còn lại dùng để chi đầu tư phát triển quỹ (lãi thu về dành một phần chi quản lý bộ máy). Cụ thể, năm 2015, cơ quan này chi quản lý bộ máy BHXH hơn 6.500 tỷ đồng (tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với năm 2014), chiếm 28,5% số tiền sinh lời từ đầu tư quỹ. Đáng chú ý, trong báo cáo của BHXH Việt Nam, có tới 2 khoản chi cho hoạt động tuyên truyền BHXH và BHYT.

Gồm 1 khoản 43,3 tỷ đồng nằm trong chi trực tiếp phục vụ đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng; và khoản 250 tỷ đồng chi nhiệm vụ phát sinh nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Như vậy, chỉ trong năm 2015, số chi tuyên truyền đã hết gần 300 tỷ đồng (tăng hơn 252 tỷ đồng so với năm 2014). Ngoài ra, để hiện đại hóa hoạt động quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, BHXH Việt Nam đã chi tới hơn 1.345 tỷ đồng. Thậm chí, đang xây dựng đề án tuyên truyền BHYT giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí lên tới 7.000 tỷ đồng.

Bạo chi cho công nghệ, nhưng vẫn “rùa bò”

Dù đã chi số tiền lớn (hơn 1.600 tỷ đồng) cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và tuyên truyền, nhưng kết quả thu được vẫn chưa như kỳ vọng. Điển hình như câu chuyện nhiều người tham gia BHYT 5 năm liên tục, vẫn không được biết chính sách miễn chi phí khám chữa bệnh (dù chính sách thực hiện từ năm 2015). Do hệ thống dữ liệu điện tử chưa được cập nhật đồng bộ, nhiều người tham gia BHYT 5 năm liên tục trên thẻ vẫn không thể hiện điều này.

Thậm chí, nếu muốn được chứng nhận, người tham gia BHYT phải tự đi làm lại thẻ, cầm hóa đơn ra cơ quan bảo hiểm thanh toán. Hay như việc ứng dụng sổ BHXH điện tử, dù kế hoạch đã có nhiều năm tới nay vẫn chưa thực hiện được. Nhiều người muốn biết, lấy xác nhận thời gian, số tiền đã đóng BHXH phải có công văn xác nhận của cơ quan nơi làm việc gửi tới cơ quan BHXH, và đợi thêm 15 ngày sau nhận kết quả…

Với đội ngũ biên chế toàn hệ thống BHXH Việt Nam là 20.018 người, số tiền bỏ ra để nuôi bộ máy này 2.684 tỷ đồng (tăng 0,6% so với năm 2014). Gồm chi lương hơn 2.312 tỷ đồng, chi quản lý hành chính hơn 371 tỷ đồng… Đồng thời, chi hơn 1.863 tỷ đồng phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng; chi không thường xuyên 391 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị quản lý cũng chi nhiệm vụ phát sinh hơn 1.595 tỷ đồng (ứng dụng công nghệ thông tin). Dù toàn hệ thống BHXH Việt Nam đã có 20.018 nhân viên, nhưng cơ quan này vẫn đề nghị Bộ Nội vụ cho bổ sung 11.649 biên chế (cho 4 lĩnh vực: công tác thu BHXH, y tế, thất nghiệp; cấp sổ, thẻ; giải quyết chế độ; giám định BHYT).

Hết năm 2015, Quỹ BHXH chi tổng cộng 435.129 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, cho ngân sách nhà nước vay 324.000 tỷ đồng, mua trái phiếu chính phủ 45.500 tỷ đồng, cho 5 ngân hàng thương mại nhà nước vay 59.629 tỷ đồng, đầu tư vào Thủy điện Lai Châu 6.000 tỷ đồng. Số lãi thu về trong năm khoảng 32.000 tỷ đồng.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên