MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phê duyệt phương án cổ phần hóa 34 doanh nghiệp với giá trị thực tế đạt 80.636 tỷ đồng

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề "Giới thiệu chính sách về cổ phần hóa DNNN năm 2017: Tình hình cổ phần hóa DNNN năm 2017 và kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020", diễn ra sáng 27/9.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, 34 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017. Trong đó, 23 đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2016 và 11 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017.

Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng.

Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa như triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các Tổng công ty phát điện 1, 2 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố giá trị doanh nghiệp tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 09 tháng đầu năm 2017).

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân được được nhắc đến là một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp,... nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho quá trình cơ cấu lại DNNN. Hoàn thiện phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Đồng thời có cơ chế, chế tài để các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, phân cấp.

Đối với vụ việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính đã có trả lời rõ ràng. Ông Tiến cho rằng, cổ phần hóa là quá trình giúp cho người lao động làm chủ. Người lao động và tổ chức phải lên tiếng ngay khi thấy có những vấn đề không đúng, tránh để tình trạng "ván đã đóng thuyền". Sắp tới, sẽ có những quy định chặt chẽ hơn để tránh việc phát sinh những sai sót trong quá trình cổ phần hóa, gây thất thoát vốn nhà nước.

"Vai trò của công đoàn, của người lao động trong quá trình cổ phần hóa trong thời gian dài chúng ta quên mất. Nhà nước tạo điều kiện để người lao động trở thành chủ và tổ chức công đoàn phải có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi thực hiện cổ phần hóa” - ông Tiến nhấn mạnh.

PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên