MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phế liệu ồ ạt về Việt Nam: Có buông lỏng?

14-05-2018 - 08:38 AM | Xã hội

Theo thống kê của Cục Quản lý rủi ro (Cục QLRR, Tổng cục Hải quan), từ 1/1/2017 đến 12/3/2018, cả nước có 928 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu (NK) phế liệu, với hơn 49.200 tờ khai. Trong đó, có 140 DN có số lượng trên 50 tờ khai. Số liệu cụ thể các nhóm phế liệu NK gồm: Phế liệu nhựa (407 DN), phế liệu giấy (254 DN), phế liệu sắt thép (369 DN).Đặc biệt, đơn vị này vừa phát hiện trong 2 năm qua, Cty Đ.Đ đã nhập khẩu hơn 40.000 tấn phế liệu nhựa về Việt Nam nhưng không có giấy phép.

Hàng vạn tấn phế liệu nhập không phép

Quyết định 73 ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ danh mục phế liệu được phép NK, bao gồm 36 mã hàng hóa, chủ yếu là phế liệu nhựa, thép, giấy được phép NK làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, qua giám sát, Cục QLRR nhận thấy rất nhiều rủi ro trong hoạt động NK phế liệu. Trong đó, nổi lên tình trạng NK rác thải, phế liệu không đúng quy chuẩn, quy định, để tồn đọng số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường tại các cảng biển. Thậm chí, một số DN còn mua bán, chuyển nhượng giấy phép NK phế liệu không đúng quy định.

Điển hình như trường hợp Cty TNHH MTV TM Lê Vy. Công ty này đứng tên NK lô hàng phế liệu trên hệ thống hải quan điện tử nhưng không mở tờ khai mà để hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái. Kết quả kiểm tra, hải quan phát hiện trong container chứa 95 bộ máy lạnh, 279 xe đạp các loại, 3 xe máy đều đã qua sử dụng, thuộc hàng cấm NK.

Nghiêm trọng hơn phải kể đến trường hợp Cty TNHH DV TM Đ.Đ (Cty Đ.Đ, trụ sở ở tỉnh Ninh Bình).  Qua phân tích thông tin, dữ liệu về hoạt động NK phế liệu của doanh nghiệp này, Cục QLRR nhận thấy: Từ 1/1/2017 đến 12/3/2018, DN này đăng ký 1.338 tờ khai, thông quan 1.220 tờ khai, tại 3 cục Hải quan Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng trọng lượng hàng hóa gần 44.000 tấn phế liệu nhựa.

Tuy nhiên, đối chiếu dữ liệu Cục Kiểm soát ô nhiễm, thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cung cấp cho Cục QLRR với giấy phép mà công ty này xuất trình khi làm thủ tục hải quan (do Sở TN&MT Ninh Bình cấp), hải quan thấy rằng, trong giai đoạn từ 1/1/2016 đến 2/5/2018, Cty Đ.Đ không được cấp phép NK cũng như không báo cáo sở này việc NK phế liệu đối với 1.220 tờ khai đã thông quan nêu trên. Điều này cho thấy công ty đã có dấu hiệu làm giả hồ sơ để hợp thức NK đối với 1.220 lô hàng phế liệu. Trước vụ việc nghiêm trọng này, Cục QLRR đã báo cáo Tổng cục Hải quan (TCHQ) đề nghị Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp rà soát, báo cáo đánh giá về tình hình NK phế liệu, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật nếu làm rõ sai phạm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo lãnh đạo Cục QLRR, các DN NK phế liệu thường dùng thủ đoạn làm giả hoặc tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy chứng nhận của Bộ TN&MT, Sở TN&MT cho phép NK phế liệu (gọi tắt là chứng từ cấp phép) để hợp thức việc NK phế liệu. Các đối tượng lợi dụng móc nối để hợp thức hóa việc NK rác thải, phế liệu không thuộc danh mục được phép NK hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện NK. Thậm chí, nhiều đối tượng còn sửa đổi thông tin tên hàng, cảng đích trên vận đơn và bản khai hải quan điện tử để chuyển đổi địa bàn hoạt động, thay đổi tên hàng khi khai báo, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát... Trên cơ sở sàng lọc, Cục QLRR đã cung cấp thông tin để trực ban của TCHQ 16 lô hàng của 10 DN có dấu hiệu vi phạm (Cục Hải quan TPHCM 12 lô hàng, Cục Hải quan TP Hải Phòng 4 lô), cung cấp cho Cục Điều tra chống buôn lậu 11 lô hàng của 7 DN để điều tra, xác minh. Đồng thời, Cục QLRR cũng cung cấp thông tin để phối hợp giám sát, kiểm tra đối với 4 lô hàng tại các cục hải quan tỉnh, thành phố, kết quả phát hiện 4 lô hàng vi phạm.

Ngày 7/5/2018, Cục QLRR  làm việc với đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm (đơn vị quản lý giấy phép NK phế liệu). Theo lý giải của Cục Kiểm soát ô nhiễm, hiện nay việc trao đổi và cung cấp thông tin quản lý phế liệu NK giữa hải quan và Bộ TN&MT còn hạn chế, chưa liên thông với nhau dẫn tới tình trạng DN lợi dụng để tẩy xóa, làm giả giấy phép NK.

Lãnh đạo Cục QLRR cho rằng, việc các Chi cục Hải quan cho thông quan những lô hàng phế liệu (1.220 tờ khai) của Cty Đ.Đ chưa đúng quy định. “Các lực lượng liên quan đang khẩn trương rà soát thực tế hàng phế liệu của Cty Đ.Đ NK. Nếu đúng 1.220 lô hàng phế liệu đã được thông quan thì vụ việc đã trở nên hết sức nghiêm trọng. Hiện TCHQ giao các cục liên quan phối hợp với 3 Cục hải quan Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương rà soát, báo cáo. Mặt hàng phế liệu NK được giám sát bởi lực lượng liên ngành, bao gồm cả hải quan, cảnh sát môi trường, công an kinh tế. Do đó, khi vụ án bị khởi tố, cơ quan điều tra sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan”, lãnh đạo Cục QLRR cho biết.

Ông  Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái (TPHCM) cho biết đang trong giai đoạn sản xuất cao điểm liên quan đến XNK. Về hiện tượng hàng tồn, ông Tuấn cho biết: Hiện hàng hóa tồn bãi Cảng Cát Lái khoảng 91,3%, riêng hàng NK lên đến gần 120%. Trong đó, tại Cảng Cát Lái, có tới hơn 5.200 container hàng chứa mặt hàng nhựa, giấy phế liệu tồn đọng trên 90 ngày. Tình hình đang diễn tiến phức tạp, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước thì lượng container này sẽ tiếp tục tồn đọng lớn tại các cảng biển Việt Nam, trực tiếp là cảng Cát Lái - cửa khẩu thông quan quan trọng cho hàng hóa XNK.

Ông Nguyễn Khánh Quang, Cục phó Cục điều tra chống buôn lậu xác nhận với Tiền Phong, vừa qua đã được lãnh đạo TCHQ và Cục QLRR trao đổi vụ việc của Cty Đ.Đ, đang chờ bàn giao hồ sơ để điều tra, xử lý. "Hồ sơ cụ thể đang nằm ở 3 cục hải quan địa phương nơi DN làm thủ tục NK hàng hóa. Do đó, phải điều tra, làm rõ có gian lận, sai phạm thực sự hay không, sai ở khâu làm thủ tục nào, từ đó mới có căn cứ để xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan", Cục phó Nguyễn Khánh Quang cho hay.


Theo Tuấn Nguyễn

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên