MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau "nhà vô địch" PCI 2018

Quảng Ninh đặt mục tiêu giữ vững ngôi quán quân PCI 2019...

Năm 2018, Quảng Ninh giữ được vị trí số 1 bảng xếp hạng PCI nhưng điểm số lại tụt, 2019 làm sao phải giữ được hạng nhưng điểm phải tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long yêu cầu.

Chiều 22/4 tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018, giải pháp cải thiện bền vững PCI 2019.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng toàn bộ lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đại diện Hiêp hội Doanh nghiệp đều có mặt tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Đọc lưu ý rằng, dù đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2018 của cả nước nhưng khoảng cách số điểm mà tỉnh đạt được (70,36 điểm) đến thang điểm 100 còn xa, cho thấy dư địa cải cách còn lớn.

Vì thế, Bí thư Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh rằng, Quảng Ninh hết sức cầu thị, mong nhận được ý kiến từ các chuyên gia, sự hiến kế của các doanh nghiệp để từ đó đề ra giải pháp giữ vững ngôi vị thứ nhất trong bảng xếp hạng PCI 2019.

Báo cáo của UBND tỉnh cũng nêu rõ mục tiêu cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh PCI năm 2019 của tỉnh này.

Cụ thể, tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 70,36 lên 72 điểm. Tất cả 10 chỉ số thành phần PCI 2019 đều phải có sự cải thiện so với năm 2018.

Quảng Ninh cũng xác định ưu tiên tập trung cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 3 chỉ số: chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Trình bày báo cáo của UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác PCI của tỉnh cũng nêu một trong ba lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm là chi phí không chính thức. Khi mà vẫn có đến 10% cho biết phải chi trả hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, tăng so với năm trước 2,06%, giảm 27 bậc, xếp thứ 48/63.

Một chỉ số cũng được ông Thắng đặc biệt lưu ý là có đến 29% doanh nghiệp lo ngại tình trạng "chạy án" là phổ biến, tăng 3%, giảm 22 bậc, xếp thứ 35/63.

Phần trình bày sau đó của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận xét chi phí không chính thức tại Quảng Ninh còn khá phổ biến.

Song, bà Thảo cũng đưa ra nhiều nhận định cho thấy khả năng giữ ngôi vị số 1 của Quảng Ninh không phải quá xa vời.

Quảng Ninh là tỉnh hiểu rõ, đầy đủ và thực thi hiệu quả nhất các mục tiêu trong thực hiện nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, bà Thảo khái quát.

Chia sẻ cảm nhận mỗi lần về địa phương lại thấy một Quảng Ninh khác, năng động hơn, ấn tượng hơn, song ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng lưu ý một số vấn đề "phía sau nhà vô địch". Đó là cần tập trung vào nhóm thủ tục hậu đăng ký kinh doanh, thanh tra kiểm tra, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Quảng Ninh đăng ký kinh doanh rất nhanh, doanh nghiệp mất 3 ngày để thành lập nhưng để hoạt động được thì có khi mất đến 3 tháng, ông Tuấn nói.

Có đến gần 20% doanh nghiệp tham gia trả lời điều tra PCI cho biết bị thanh tra từ 3 lần trở lên, có doanh nghiệp đón 12 đoàn thanh tra kiểm tra trong một năm, ông Tuấn thông tin thêm.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng khuyến nghị Quảng Ninh cần nâng cao hơn nữa điểm số về chỉ số giải quyết tranh chấp, niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống giải quyết tranh chấp chưa thực sự cao.

Còn 5% doanh nghiệp đánh giá tình hình an ninh, trật tự tại địa phương là kém, ông Tuấn lưu ý.

Ngoài ra, 67% doanh nghiệp cho biết đang khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn cũng khó, chỉ 36% cho biết đang có khoản vay ngân hàng, ông Tuấn lưu ý.

Ở vị trí điều hành phần thảo luận sau đó, Bí thư Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh hai chữ thê thảm khi nhắc đến chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,97 điểm, đứng vị trí 27/63, giảm 24 bậc so với 2017. Rồi chỉ số chi phí gia nhập thị trường cũng giảm 0,97 điểm và giảm 11 bậc.

Không thể họp xong bình chân như vại mà phải mổ xẻ để có giải pháp khắc phục hiệu quả, vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh chỉ đạo.

Sở, ngành bận 10 chúng tôi còn bận 11, có những sở, ngành không bao giờ quan tâm đến chuyện của doanh nghiệp thì làm sao chúng tôi chấm điểm cho tốt được, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, ông Phạm Văn Thể lý giải về sự tụt hạng của một số chỉ số.

18h kém 20 phút, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long phát biểu kết thúc hội nghị.

PCI hiện nay là thương hiệu của các địa phương, là nguồn lực đầu tư cho các địa phương, những năm gần đây ở Quảng Ninh 1 đồng ngân sách thu được 8,3 đến 9 đồng ngoài ngân sách nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét. Vì thế Quảng Ninh cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, mỗi người đều có trách nhiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh qua PCI, ông Long nói.

Số điểm đang có dấu hiệu chững lại, nếu không vượt lên chính mình thì sẽ không giữ được thứ hạng, năm 2019 phải giữ được vị trí số 1 nhưng điểm cũng phải tăng lên, Chủ tịch Long lưu ý.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên