MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau những lọ thuốc trừ sâu bị vứt bỏ ngoài ruộng

Có hàng chục nghìn tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng được xả ra môi trường mỗi năm. Lượng thuốc tồn dư trong số bao bì này có thể ngấm vào đất và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Hơn 8 tấn vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực thực vật đã được thu gom chỉ trong 2 ngày (18/-19/10/2018). Số bao bì này được tìm thấy ở Tiểu Cần, Càng Long, Cầu kè, Trà Cú, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh). Chúng nằm trên ruộng, vườn cây, những nơi công cộng,… dù đã bị xếp vào danh mục chất thải nguy hại, cần phải thu gom và tiêu hủy của Bộ Tài nguyên và Môi trường.  

"Trà Vinh là tỉnh nằm trong khu vực sản xuất lúa của cả nước - vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích trồng lúa hàng năm gần 220.000 hecta. Qua mỗi vụ lúa, nông dân Trà Vinh đã sử dụng lượng lớn thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa. Do đó, làm sao xử lý bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng một cách triệt để và khoa học là vấn đề mà các cấp quản lý ở địa phương trong đó có Chi Cục Trồng Trọt & BVTV rất quan tâm và mong muốn được triển khai rộng rãi" - ông Lâm Quang Thảo, Chi Cục Trưởng Chi Cục Trồng Trọt & BVTV Tỉnh Trà Vinh cho biết.

Hơn 100 nhân viên Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, 100 cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh, 100 sinh viên đại học và 1.400 lượt nông dân đã cùng nỗ lực trong hoạt động thu gom. Sau tập kết, bao bì thuốc BVTV được xử lý theo đúng tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe và môi trường của Tập đoàn Syngenta.

Hiểm họa khủng khiếp từ những chai lọ bị vứt bỏ ngoài ruộng

Thực tế tại Trà Vinh đang đặt ra yêu cầu về việc xử lý đúng cách bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Việt Nam tiêu thụ trung bình 100.000 tấn thuốc BVTV mỗi năm. Nghiên cứu từ nhiều năm nay đã ước tính được tỷ lệ bao bì/khối lượng thuốc BVTV đối với chai nhựa khoảng 12 - 15%, gói và loại khác chiếm 3-5%. Nếu không thu gom và xử lý sau khi sử dụng, lượng rác thải là bao bì thuốc BVTV đã lên đến hàng chục nghìn tấn.

Phía sau những lọ thuốc trừ sâu bị vứt bỏ ngoài ruộng  - Ảnh 1.

Nông dân Lai Vung, Đồng Tháp nhặt bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ở đồng ruộng.

Nhưng không chỉ vậy, lượng thuốc BVTV tồn dư trong bao bì mới chính là nguyên nhân khiến cơ quan chức năng phải ban hành các quy định chặt chẽ về về việc thu gom và xử lý. Bao bì bị vứt bỏ bừa bãi trên đồng ruộng là tiền đề để lượng thuốc tồn dư ngấm vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Việc tự ý chôn lấp hay đốt bỏ bao bì còn có thể khiến cho chất độc khuếch tán rộng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất và nước.

Trong một nỗ lực vì môi trường, từ năm 2015, chiến dịch "Môi trường sạch – Cuộc sống xanh" đã được Syngenta Việt Nam phát động. Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc BVTV là điều được công ty giống và thuốc BVTV hàng đầu thế giới như Syngenta nhấn mạnh. Nhiều hoạt động thu gom đã được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành với sự tham gia của 3 bên: nhân viên Syngenta, viên chức địa phương, nông dân. Lượng bao bì được thu gom và tiêu hủy đã đạt trên 25 tấn.

Thu gom, xử lý bao bì chỉ là bước cuối trong cả một quá trình, bắt đầu từ việc sử dụng thuốc BVTV. Tình trạng nông dân sử dụng thuốc với liều lượng 1,5-2 lần khuyến cáo hay trộn cùng lúc 2-3 loại thuốc là có thật và gây ra lãng phí trong mỗi vụ mùa. Do vậy, các hoạt động tập huấn sử dụng sản phẩm an toàn luôn được coi là tâm điểm trong mọi hoạt động của Syngenta Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 nông hộ trên cả nước đã được công ty tập huấn nâng cao kiến thức nông học giúp sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả.

Ngoài ra, để chung tay cải thiện môi trường sống nông thôn, Syngenta đã tích cực tham gia chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" do Cục Bảo vệ Thực vật phát động. Trong khuôn khổ chương trình, Syngenta đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV 8 tỉnh thành phía Nam xây dựng 18 mô hình sản xuất nông sản an toàn, tổ chức 1.256 cuộc tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo "nguyên tắc 4 đúng" gắn với việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc sau sử dụng cho hơn 50.000 nông dân.

Phía sau những lọ thuốc trừ sâu bị vứt bỏ ngoài ruộng  - Ảnh 2.

"Nguyên tắc 4 đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Làm sao để có nền nông nghiệp an toàn, bền vững?

Nhiều nông hộ trồng ngô và cà phê (hai trong số các loại cây trồng chủ lực của Việt Nam) đã tham gia vào mạng lưới vườn tham chiếu do Syngenta thiết lập tại Việt Nam. Thông qua chương trình, Syngenta đã giúp các nông hộ nhỏ nâng cao kiến thức nông học và tập huấn kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Syngenta gọi đây là hoạt động "Tiếp sức cho các nông hộ nhỏ".

Mạng lưới 2.600 vườn đối chứng và 1.400 vườn tham chiếu ở hầu hết các châu lục đã cho thấy sức hấp dẫn của mô hình này. Sản lượng vườn tham chiếu tăng 10,9% tính từ thời điểm ban đầu, so với con số 7,3% từ các vườn đối chứng trong năm 2017. Năng suất vườn tham chiếu của nông hộ nhỏ đã tăng tới 21,6% so với thời điểm ban đầu. Tính riêng trong năm 2017, có khoảng 13,9 triệu nông hộ nhỏ trên toàn thế giới đã được hưởng các hướng dẫn giúp tăng năng suất cây trồng tương tự nông dân ở Việt Nam.

Theo Syngenta, hoạt động "tiếp sức cho các nông hộ nhỏ" là một trong tâm trong Chương trình Phát triển Bền vững được Tập đoàn công bố năm 2013. Chương trình nhằm góp phần giải quyết thách thức lớn về an ninh lương thực và phát triển bền vững của toàn cầu, giúp nông dân thu được những vụ mùa hiệu quả hơn trong khi vẫn sử dụng diện tích đất canh tác hiện có, đồng thời bảo vệ thiên nhiên và cải thiện đời sống cho người dân ở nông thôn.

Phía sau những lọ thuốc trừ sâu bị vứt bỏ ngoài ruộng  - Ảnh 3.

Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại tỉnh Nam Định

Tất nhiên, mọi nỗ lực bảo vệ môi trường chỉ thực sự bền vững khi tất cả những người có liên quan cùng nhau hành động. Trong năm 2018, Syngenta Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 75 bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại các cánh đồng ở tỉnh Nam Định và Tiền Giang. Mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hoàn toàn có thể đạt được khi nhà sản xuất tuân thủ quy trình, nông dân sử dụng hiệu quả thuốc BVTV và bao bì được xử lý đúng cách.

"Tại Syngenta, chúng tôi luôn suy nghĩ như người nông dân và luôn gắn kết mọi hoạt động của mình cùng lợi ích của bà con và cộng đồng nông thôn. Thông qua các chương trình, chúng tôi mong muốn nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả tại các cộng đồng nông thôn" - ông Weraphon Charoenpanit, Tổng Giám đốc công ty Syngenta Việt Nam khẳng định.


An Bình

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên