MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phiên tòa chiều 25/1: Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hoàng Long Hà (BIDV) vô tội

25-01-2018 - 15:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Luật sư cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy Đinh Việt Cường có trao đổi, thỏa thuận với Phạm Công Danh. Theo luật sư thì việc Đinh Việt Cường thực hiện ký ủy nhiệm chi cũng trên cơ sở hội đồng tín dụng đã phê duyệt.

Chiều nay, phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục diễn ra.

3 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Việt Cường được mời lên bào chữa cho bị cáo.

Luật sư thể hiện quan điểm không đồng tình với cáo trạng và bản luận tội của Viện kiểm sát về tội danh của bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp ngân hàng TPBank).

Theo luật sư, cáo trạng xác định rằng bị cáo Cường thống nhất với bị cáo Đặng Thị Bích Thủy là phó giám đốc khối KHDN về việc cho 11 công ty vay tiền. Theo luật sư thì bị cáo Cường không có hành vi thống nhất ở đây. Bị cáo đã làm đúng với quy trình, quy chế của ngân hàng Tiên Phong. Bị cáo sau khi nhận tờ trình từ các cấp lên theo quy trình tín dụng thì đã tổ chức thực hiện việc cho vay. Bị cáo cũng đã trình các bộ hồ sơ tín dụng lên hội đồng tín dụng cấp cao quyết định cho vay.

Như vậy, việc cáo trạng quy kết việc Đinh Việt Cường đã có hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh là không có cơ sở. Ngoài ra, sau khi Đinh Việt Cường trình hồ sơ lên thì hội đồng thẩm định tín dụng (gồm 4 người) không nhận ra rủi ro và cho vay thì không đủ bằng chứng quy kết bị cáo Cường là cố ý làm trái.

Luật sư cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy Đinh Việt Cường có trao đổi, thỏa thuận với Phạm Công Danh. Theo luật sư thì việc Đinh Việt Cường thực hiện ký ủy nhiệm chi cũng trên cơ sở hội đồng tín dụng đã phê duyệt.

Luật sư cho rằng không có căn cứ để xem xét, khởi tố các nhân viên của TPBank.

Luật sư khác bào chữa cho bị cáo Đinh Việt Cường lên trình bày.

Luật sư cho biết, trong quá trình tiếp xúc với bị cáo thì bị cáo có nói rằng: TPBank là nơi mà bị cáo đã đóng góp mồ hôi, công sức nhiều năm, dù chuyện gì xảy ra chăng nữa thì bị cáo cũng không muốn gây hại cho TPBank và chưa bao giờ nghĩ hành vi của mình là cố ý làm trái gây hại cho TPBank.

Luật sư nhấn mạnh vào nguyên nhân dẫn đến hành động gây sai phạm. Theo luật sư thì người đầu tiên trao đổi với Nguyễn Việt Hà là ông Tiến. Sau đó ông Tiến mới giới thiệu xuống khối khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, việc gặp gỡ Nguyễn Việt Hà không có nghĩa là có tội mà gặp gỡ để làm gì mới là vấn đề. Khi gặp thì chỉ để cập đến việc đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh vì công ty này (theo nhận định của bị cáo Hà) thì là rất tốt. Chính bởi tin rằng đây là khoản đầu tư tốt nên bị cáo mới xin anh Hà cho 3 công ty của mình đầu tư mua trái phiếu đã được đảm bảo bằng tiền gửi của VNCB.

Nguyễn Việt Hà đã đến trao đổi nhiều lần với khối khách hàng doanh nghiệp và nhiều lần đưa ra đánh giá về các khoản đảm bảo về trái phiếu như tiền gửi của VNCB, bất động sản sân vận động Chi Lăng….Chính sự đảm bảo này nên TPBank mới quyết định cho vay.  

Sau khi nhìn nhận khoản vay không có rủi ro cho TPBank nên các bị cáo Đinh Việt Cường, Đặng Thị Bích Thủy mới tham mưu, đề xuất lên hội đồng tín dụng cấp cao. Việc quyết định cho vay hay không là của hội đồng tín dụng chứ không phải của bị cáo Cường hay bị cáo Thủy.

Hội đồng tín dụng cấp cao sau khi nhận được đề xuất từ các cấp gửi lên thì với các món tín dụng trên 100 tỷ đồng thì ủy ban tín dụng đã phê duyệt. Lý do phê duyệt chủ trương cho vay là do khoản vay đã có khoản đảm bảo tiền gửi.

Luật sư thể hiện thái độ không đồng tình với ý kiến của một luật sư khác hôm qua đặt câu hỏi tại sao không khởi tố những nhân viên khác của TPBank có liên quan đến gói tín dụng mà lại khởi tố bị cáo Cường, bị cáo Thủy. Theo luật sư, điều cần làm là xem xét cho bị cáo Cường, bị cáo Thủy không sai sót chứ không phải là khởi tố những cá nhân khác vì tất cả nhân viên TPBank đã thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ và chức vụ của mình.

Theo luật sư, trong suốt quá trình bị cáo Cường làm việc tại TPBank hay giữ chức vụ đại diện tại công ty Thịnh Phát (1 trong 11 công ty vay vốn tại TPBank) thì bị cáo Cường không nhận được bất cứ quyền lợi gì kể cả lương từ công ty Thịnh Phát.

Luật sư cho rằng, Đinh Việt Cường không có thẩm quyền quyết định vay vốn thì hành động ủy quyền cho ông Nguyễn Tiến Dũng là kiểm soát viên định giá là đại diện Công ty Thịnh Phát ký hợp đồng vay ngân hàng TPBank 153 tỷ đồng được.

Theo luật sư thì việc bị cáo Đinh Việt Cường trực tiếp ký ủy nhiệm chi là ký dưới cơ sở ủy ban tín dụng đã phê duyệt. Vì thế, đề nghị HĐXX xem xét lại vai trò của bị cáo Cường.

Luật sư Nguyễn Phương Nam bào chữa cho bị cáo Đinh Việt Cường tiếp tục.

Luật sư Phương Nam là luật sư nữ, lớn tuổi. Vì thế, luật sư nhận được sự tín nhiệm của gia đình bị cáo Đinh Việt Cường gửi thư của mẹ bị cáo xin HĐXX xem xét cho bị cáo Cường. Luật sư Nam cũng cung cấp các giấy tờ chứng minh sự đóng góp của gia đình bị cáo Cường cho cách mạng.

Luật sư Nam cho biết, khi gặp các bị cáo thì các luật sư đều cảm thấy rằng việc Nguyễn Việt Hà đến trao đổi đấy nhưng là trao đổi gì với khối khách hàng doanh nghiệp mới là điều quan trọng. 

 Luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Việt Cường cũng nói rằng Hiệp hội nghân hàng đã có công văn gửi lên các cơ quan chức năng, cho rằng việc yêu cầu các ngân hàng trả tiền cho VNCB là điều không đúng, có thể tạo ra tiền lệ xấu cho hoạt động kinh tế. Nếu việc này được xảy ra thì các ngân hàng cứ thực hiện các hồ sơ bảo lãnh và rủi ro xảy ra lại không phải chịu trách nhiệm gì.

Luật sư cho rằng, có thể trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thì các nhân viên ngân hàng thực hiện thiếu sót, sai sót nhỏ ở đâu đó nhưng việc bắt họ phải chịu trách nhiệm hình sự thế này là quá nặng nề.

Bị cáo Đinh Việt Cường bào chữa bổ sung:

Theo bị cáo Cường thì bị cáo đã thực hiện đúng quy trình tín dụng của TPBank và nghị định 1627. Bị cáo Cường cũng cho rằng bị cáo cũng như các bị cáo là nhân viên các ngân hàng khác không phải là đồng phạm với Phạm Công Danh, không được hưởng lợi từ hành vi…nên cần được pháp luật khoan hồng, tạo điều kiện. Mức án 6-7 năm tù đối với bị cáo là quá cao.  

Bị cáo Cường cũng đưa ra các giấy tờ chứng minh nhân thân, có công với cách mạng. Bản thân bị cáo cũng là lần đầu phạm tội. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo mức án để bị cáo có thể về chăm sóc gia đình, bố mẹ.

Luật sư Tuấn bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Thế Linh, Nguyễn Ngọc Tuấn lên bào chữa. Luật sư Tuấn cũng là người bào chữa cho bị cáo Trần Quang Huy mấy hôm trước.

Theo luật sư thì hành vi phạm tội của các bị cáo là như nhau nên luật sư chỉ nói lại ngắn gọn rằng: Bị cáo Linh không tham gia bàn thảo về việc kinh doanh trái phiếu, không đồng phạm với bị cáo Phạm Công Danh, không có ý định giúp sức cho bị cáo.

Hoàn cảnh gia đình của bị cáo khó khăn, bố mẹ già yếu, 2 vợ chồng ky hôn và có con nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Luật sư mong muốn HĐXX xem xét cho bị cáo Linh, giúp bị cáo Linh có cơ hội đoàn tụ, chăm sóc cho gia đình.

Về bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn, luật sư Tuấn cũng cho rằng bị cáo cũng đã bị trả giá trong vấn đề mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Gia đình bị cáo Tuấn có công với cách mạng. Bố mẹ của bị cáo thường xuyên ốm đau. Bị cáo là người lao động chính trong gia đình. Luật sư mong HĐXX xem xét tạo điều kiện cho bị cáo đoàn tụ với gia đình, chăm sóc gia đình.

Luật sư Vũ Văn Thiệu bào chữa thêm cho bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn. Theo luật sư thì quy định về luận tội cố ý làm trái có 2 yếu tố gồm cố ý làm trái và gây thiệt hại. Tuy nhiên, khi truy tố tội danh của bị cáo Tuấn thì không xem xét đến yếu tố TPBank không bị thiệt hại.  

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi bào chữa cho bị cáo Hoàng Long Hà lên bào chữa.

Theo luật sư thì luật sư rất trân trọng và ghi nhận mức án Viện kiểm sát đưa ra cho bị cáo Hoàng Long Hà là 3 năm tù được hưởng án treo. Tuy nhiên, luật sư cho rằng các luận điểm luận tội của Viện kiểm sát chưa đầy đủ, chưa có căn cứ.

Hoàng Long Hà sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, đã nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng và được tặng thưởng nhiều huân chương trong quá trình lao động và cống hiến.

Ông Hoàng Long Hà không hề chủ động tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến khoản vay của công ty Phong Hiệp. Trong hồ sơ xin vay vốn tại BIDV của công ty Phong Hiệp do Trần Hiệp làm giám đốc thì hồ sơ vay đủ điều kiện về cấp tín dụng, được VNCB bảo đảm cho khoản vay.

Luật sư cho rằng BIDV chi nhánh Gia Định thực hiện theo chủ trương từ BIDV giới thiệu xuống.

Luật sư cũng nói rằng cáo trạng cho rằng Hoàng Long Hà biết rõ VNCB bảo lãnh cho Trần Hiệp là thành viên HĐQT VNCB vay tiền là không đúng. Lúc sự việc xảy ra thì VNCB không phải công ty đại chúng, không phải ngân hàng niêm yết…nên VNCB cũng không hề công bố thông tin về các thành viên HĐQT trên website cũng như mẫu chữ ký của các TV.HĐQT. Chính bởi thế, không có cơ sở chứng minh rằng bị cáo Hoàng Long Hà biết bị cáo Trần Hiệp vừa là giám đốc công ty Phong Hiệp vừa là TV.HĐQT của VNCB được, nhất là trong bối cảnh chữ ký của ông Trần Hiệp là 2 bộ chữ ký khác nhau.

Các kiểm tra sau đó của Ngân hàng Nhà nước cũng không phát hiện được vai trò của ông Trần Hiệp tại cả 2 công ty Phong Hiệp và VNCB.

Luật sư cũng cho rằng Viện kiểm sát cũng không có bằng chứng chứng minh BIDV chi nhánh Gia Định có liên hệ, bàn thảo gì với nhóm ông Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương…

Chính những luận điểm trên thì luật sư của bị cáo Hoàng Long Hà cho rằng, bị cáo Hà không làm sai. Mong HĐXX xem xét lại cho bị cáo Hà, tuyên bị cáo Hà không phạm tội cố ý làm trái gây sai thiệt hại.  

P.V

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên